Trong phiên giao dịch ngày 04/04, nỗi lo về việc căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy thoái kinh tế đã khiến giá dầu lao dốc gần 7%, rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. Cùng chiều giảm, giá vàng cũng mất khoảng 3%, trong khi giá đồng ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Giá dầu chạm đáy hơn ba năm qua

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu giảm mạnh 7%, đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn ba năm do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang sau khi Trung Quốc công bố tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ. Diễn biến này khiến giới đầu tư lo ngại sâu sắc về khả năng suy thoái kinh tế.

Trước các động thái nâng thuế lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ của Tổng thống Trump, nhiều quốc gia đã sẵn sàng có biện pháp trả đũa. Ngân hàng đầu tư JPMorgan điều chỉnh dự báo xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu lên 60%, tăng từ mức 40% đưa ra trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu Brent hạ 4,56 USD tương đương 6,5% còn 65,58 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm sâu 4,96 USD tương đương 7,4% xuống mức 61,99 USD/thùng. Trong phiên, dầu Brent từng rơi xuống mức 64,03 USD/thùng và dầu WTI xuống mức 60,45 USD/thùng – mức thấp chưa từng thấy trong vòng bốn năm. Brent cũng ghi nhận tuần giảm theo phần trăm lớn nhất trong vòng một năm rưỡi, còn WTI đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ hai năm qua.

Giá dầu chịu thêm áp lực khi OPEC+ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch gia tăng sản lượng.

Một yếu tố khác đè nặng lên thị trường dầu là việc Caspian Pipeline Consortium (CPC) thông báo tòa án Nga đã ra phán quyết cho phép các cảng xuất khẩu tại Biển Đen của họ tiếp tục hoạt động, giúp duy trì sản lượng và nguồn cung dầu từ Kazakhstan.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs đã mạnh tay điều chỉnh giảm mục tiêu giá dầu Brent và WTI vào cuối tháng 12/2025 xuống còn lần lượt 66 USD và 62 USD/thùng, tức giảm 5 USD so với dự báo trước đó.

Ngân hàng HSBC cũng hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2025 từ 1 triệu thùng/ngày xuống còn 0,9 triệu thùng/ngày, nguyên nhân đến từ căng thẳng thuế quan và kế hoạch của OPEC+.

Vàng suy yếu

Trong bối cảnh nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo nhằm bù đắp tổn thất do thị trường chung sụt giảm khi chiến tranh thương mại leo thang, giá vàng đã giảm gần 3%, xóa sạch mức tăng ghi nhận được từ đầu tuần.

Giá vàng giao ngay giảm 2,9%, xuống còn 3.024,2 USD/ounce, sau khi có thời điểm rơi về 3.015,29 USD trong phiên. Tính trên cả tuần, giá kim loại quý này đã giảm 1,9%. Giá hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 4 tại Mỹ cũng giảm 2,8%, chốt phiên ở mức 3.035,4 USD/ounce.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng sụt giảm ngày thứ hai liên tiếp, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt mất khoảng 5%, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thêm mức thuế 34% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 10/4, nhằm phản ứng với lệnh thuế đối ứng do Tổng thống Trump công bố trước đó.

Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, vàng vẫn tăng khoảng 15,3%, nhờ động lực từ lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và vai trò truyền thống của vàng như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị.

Đồng ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ Covid-19

Các kim loại cơ bản chứng kiến làn sóng bán tháo dữ dội vào cuối tuần, trong đó đồng ghi nhận mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, do lo ngại về suy thoái kinh tế khi kế hoạch áp thuế toàn diện của Tổng thống Trump được công bố.

Giá đồng giao sau ba tháng tại Sở giao dịch kim loại London (LME) lao dốc 6,4%, còn 8.764 USD/tấn sau khi chạm đáy trong phiên ở mức 8.734 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 8/8/2024.

Tại New York, hợp đồng đồng COMEX giao tháng 5/2025 giảm 8,8%, tương đương 0,42 USD xuống còn 4,402 USD/lb. 

Trong vòng 15 năm trở lại đây, chỉ có hai lần giá đồng giảm mạnh hơn trong một ngày là vào tháng 3/2020 – khi thế giới tạm dừng các chuyến bay để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, và tháng 10/2011 – giữa lúc khu vực Eurozone rơi vào khủng hoảng nợ.

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã thông báo áp đặt các rào cản thương mại lớn nhất của Mỹ trong hơn một thế kỷ, với các mức thuế đối ứng mới sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4. Đáp lại, Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – tuyên bố ngày 4/4 sẽ áp thêm thuế 34% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ 10/4, đồng thời tiến hành hạn chế xuất khẩu một số loại đất hiếm từ ngày 4/4.

Cao su Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong tám tháng qua

Giá cao su tại thị trường Nhật Bản lao dốc xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng tám tháng, khi các biện pháp thuế quan toàn diện được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đối với các đối tác thương mại làm bùng phát lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, đồng thời gây ra lo sợ về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Osaka kết phiên giảm mạnh 10,6 JPY, tương đương 3,2%, xuống còn 320,7 JPY mỗi kg (tương đương khoảng 2,2 USD/kg). Tính chung cả tuần, giá cao su đã sụt 8,16%. Trong phiên giao dịch, đã có thời điểm giá xuống mức 318,7 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 7/8/2024.

Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ đã khiến thị trường lo ngại rằng nhu cầu về lốp xe sẽ sụt giảm, đồng thời làm suy yếu triển vọng xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang phải chịu thêm mức thuế mới là 34%, nâng tổng thuế suất lên 54%. Về phía Trung Quốc, nước này cũng tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng.

Giá cà phê và đường tiếp tục sụt giảm 

Thị trường đường và cà phê tiếp tục chịu áp lực giảm giá khi các tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa hạ nhiệt, đặc biệt là sau khi Trung Quốc có động thái đáp trả bằng việc áp dụng thuế suất riêng đối với hàng hóa đến từ Mỹ.

Theo nhận định từ ngân hàng Rabobank, khi thời điểm "trả đũa" đang đến gần, người tiêu dùng Mỹ sử dụng cà phê và sôcôla có thể phải trả mức giá cao hơn, do quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới là Bờ Biển Ngà sẽ phải đối mặt với thuế suất 21%, trong khi Việt Nam – nước sản xuất cà phê lớn thứ hai toàn cầu – sẽ phải gánh mức thuế được cho là "khiêm tốn" ở mức 46%.

Giá cà phê arabica kết thúc phiên giảm mạnh 5,1%, còn 3,657 USD/pound. Trong khi đó, cà phê robusta cũng không tránh khỏi đà giảm, mất 4,8% xuống mức 5.112 USD/tấn.

Một số đại lý cho rằng nỗi lo về sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ cà phê đang gia tăng, nhất là trong bối cảnh các nhà rang xay đang phải đối mặt với làn sóng phản ứng khi tìm cách nâng giá bán lẻ lên gần mức kỷ lục tại thị trường Mỹ – quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất toàn cầu.

Giá đường thô cũng đóng cửa thấp hơn, giảm 0,27 cent, tương đương 1,4%, còn 18,84 cent/pound. Đường trắng cũng giảm thêm 1%, xuống còn 538,3 USD/tấn, nối tiếp đợt sụt giảm 1,6% trong phiên trước đó.

Ngô tăng nhẹ, đậu tương chạm đáy mới trong năm 2025

Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago có phiên tăng nhẹ, khi các chuyên gia phân tích nhận định rằng động thái nâng thuế từ phía Trung Quốc sẽ không tác động đáng kể đến xuất khẩu ngô của Mỹ.

Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 khép phiên với mức tăng 2-3/4 cent, lên 4,60-1/4 USD mỗi giạ.

Trong khi đó, giá đậu tương giảm sâu do việc Trung Quốc áp thuế mới khiến cánh cửa xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang thị trường lớn nhất thế giới gần như khép lại. Bắc Kinh đã công bố áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Hợp đồng đậu tương CBOT giao tháng 5 giảm mạnh 34-1/2 cent, còn 9,77 USD mỗi giạ – mức thấp nhất kể từ ngày 19/12/2024.

Trong khi đó, giá lúa mì CBOT kết phiên ở mức giá 5,29 USD/giạ, giảm 7 cent. 

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4: