Giá quặng sắt (62% Fe)
Giá quặng sắt hôm nay ngày 21/11/2024 đang giao dịch tại mức giá 101.89 USD/dmtu.
Bảng giá quặng sắt thế giới cập nhật 4 tháng gần nhất
Đơn vị tính USD/dmtu
Tên giao dịch quốc tế: IRON ORE
Thời gian | Giá | Phần trăm thay đổi so với tháng trước |
09/2024 | 98.70 | -7.65% |
08/2024 | 106.25 | -0.24% |
07/2024 | 106.51 | -10.43% |
06/2024 | 117.62 | +6.02% |
Bảng giá giao dịch phái sinh giá quặng sắt cập nhật realtime
Xem thêm giá bạc hôm nay
Giới thiệu chung về sản phẩm quặng sắt
Quặng sắt là các loại đá và khoáng vật mà từ đó kim loại sắt có thể được khai thác nhằm mục đích kinh tế. Quặng sắt thường bao gồm các hợp chất sắt dưới dạng oxit, cacbonat hoặc sunfua, cùng với các tạp chất khác. Màu sắc của quặng sắt có thể thay đổi từ xám sẫm, vàng tươi, tía sẫm tới nâu đỏ.
Quặng sắt được tìm thấy ở nhiều dạng khác nhau, nhưng hai dạng phổ biến nhất của quặng sắt là quặng magnetite và quặng hematite.
Quặng magnetite: có công thức hóa học là Fe₃O₄ và thường có màu đen hoặc xám đen. Magnetite là khoáng vật tự nhiên có từ tính mạnh nhất, có khả năng thu hút các mẩu kim loại nhỏ và tương tác với từ trường mạnh với hàm lượng sắt lên đến 72.4%.
Quặng hematite: có công thức hóa học là Fe₂O₃ với hàm lượng sắt khoảng 70%. Màu sắc thường thấy của loại quặng này là màu đỏ đến nâu đỏ, tuy nhiên cũng có trường hợp xuất hiện màu đen hoặc xám bạc.
Ngoài hai loại quặng kể trên, còn có một số dạng quặng sắt khác với hàm lượng sắt thấp hơn như goethit (62.9% Fe), limonit (55% Fe) và siderit (48.2% Fe).
Xem thêm hướng dẫn giao dịch quặng sắt: cơ hội đầu tư tiềm năng
Quá trình khai thác và chế biến quặng sắt
Quy trình khai thác và chế biến quặng sắt bao gồm nhiều bước, bắt đầu từ thăm dò địa chất cho đến khi sản xuất ra các sản phẩm thành phẩm. Các bước cụ thể bao gồm:
Thăm dò và đánh giá
Nhiệm vụ của công tác thăm dò và đánh giá là nhằm xác định chi tiết đặc điểm địa chất của mỏ quặng sắt, nguồn gốc tạo thành, đặc điểm phân bố, hình dạng,... và phải đánh giá được trữ lượng và đặc điểm chất lượng của quặng sắt, cũng như tính chất công nghệ của quặng. Ngoài ra, bước này cũng yêu cầu đánh giá chi tiết điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ.
Thăm dò địa chất
Khảo sát bề mặt: là việc các nhà địa chất tiến hàn khhảo sát bền mặt để tìm kiếm các dấu hiệu của quặng sắt.
Phương pháp địa vật lý: phương pháp thăm dò này bao gồm việc sử dụng các công cụ như từ tính, điện trở và sóng địa chấn để xác định cấu trúc và mỏ quặng dưới lòng đất, từ đó phát hiện chính xác nơi có chứa quặng sắt.
Phương pháp địa hóa: là việc phân tích các mẫu đất, đá, nước tại các khu vực nghi có quặng sắt để xác định hàm lượng kim loại và các yếu tố hóa học khác một cách chính xác.
Đánh giá trữ lượng
Khoan thăm dò: là việc khoan các lỗ thăm dò để lấy mẫu quặng và phân tích trong phòng thí nghiệm.
Mô hình hóa mỏ: từ những dữ liệu có được từ việc khoan thăm dò, thực hiện xây dựng mô hình của mỏ giúp đánh giá trữ lượng và chất lượng quặng.
Khai thác
Lập kế hoạch khai thác: dựa trên việc mô hình hóa mỏ đã được thực hiện, các kỹ sư thiết kế các phương án khai thác tối ưu nhất, sau đó xác định các khu vực sẽ được khai thác và các khu vực được bảo tồn.
Chuẩn bị khu vực khai thác: để thực hiện việc khai thác quặng, việc đầu tiên cần chuẩn bị đó là làm sạch khu vực khai thác, loại bỏ hết các cây cối và đất đá trên bề mặt để có thể tiếp cận nguồn quặng. Sau đó, cần chuẩn bị các cơ sở hạ tần cần thiết cho việc khai thác và vận chuyển quặng, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng hế thống thoát nước và các cơ sở cần thiết khác.
Khoan và nổ mìn: trước tiên, các máy khoan sẽ được sử dụng để tại các lỗ mìn trong quặng, sau đó các chất nổ sẽ được sử dụng để phá vỡ quặng thành các mảnh nhỏ hơn.
Đào và vận chuyển quặng: một khi thực hiện xong bước khoan và nổ mìn, quặng sắt sẽ được tải lên các xe tải hạng nặng thông qua các máy xúc lớn. Sau đó, số lượng quặng sắt khai thác được sẽ được vận chuyển từ mỏ đến các nhà máy để tiếp tục công đoạn chế biến.
Chế biến
Nghiền và sàng lọc: sau khi được khai thác và vận chuyển về từ mỏ, quặng sắt sẽ được đưa vào máy nghiên thô để giảm kích thước, sau đó tiếp tục được nghiền mịn để đạt kích thước hạt mong muốn. Tiếp theo, lượng quặng sắt đã được nghiền này sẽ được phân tách thành các hạt quặng có kích thước khác nhau qua quá trình sàng lọc.
Tách từ: sử dụng nam châm hoặc các thiết bị từ tính để tách quặng sắt ra khỏi các tạp chất không chứa từ tính.
Làm giàu quặng: có hai phương pháp được sử dụng để làm giàu quặng, đó là phương pháp tuyển nổi và tuyển từ. Tuyển nổi là việc dùng các chất hóa học để tách quặng sắt ra khỏi các tạp chất. Trong khi đó, tuyển tưd là việc sử dụng từ trường để loại bỏ các tạp chất còn lại trong quặng, giúp làm giàu quặng sắt.
Công dụng của quặng sắt
Quặng sắt có nhiều công dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế và đời sống, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất thép. Một số công dụng chính của quặng sắt được thể hiện trong:
Trong sản xuất công nghiệp
Sản xuất thép là ứng dụng quan trọng nhất của quặng sắt, với 98% sản lượng quặng sắt được khai thác trên thế giới được sử dụng cho mục đích này, theo thông tin từ Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Thép là nguyên liệu chính cho các ngành sản xuất ô tô, xây dựng, đóng tàu,...
Bên cạnh đó, quặng sắt cũng được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất các hợp kim khác của sắt như gang. Bên cạnh đó, một số dạng quặng sắt cũng được sử dụng như chất xúc tác trong quá trình sản xuất xi măng.
Trong y học
Sắt từ tính được sử dụng trong y học để tạo ra các hạt từ tính dùng trong các ứng dụng chẩn đoán và điều trị bệnh, như trong hình ảnh cộng hưởng từ (MRI).
Trong mỹ phẩm và dược phẩm
Các sản phẩm từ quặng sắt cũng được ứng dụng trong một số khía cạnh của mĩ phẩm và dược phẩm. Cụ thể, một số oxit sắt từ quặng sắt được sử dụng trong việc chế tạo mỹ phẩm nhờ công dụng tạo màu và bảo vệ da khỏi các loại ánh sáng. Ngoài ra, sắt từ quặng sắt cũng có thể được sử dụng trong các thực phẩm bổ sung sắt cho cơ thể giúp điều trị bệnh thiếu máu.
Tình hình trữ lượng quặng sắt trên thế giới
Quặng sắt chiếm tới 93% trên tổng số 2.7 tỷ tấn kim loại được khai thác trên thế giới trong năm 2023.
Loại quặng này được khai thác bởi hơn 50 quốc gia trên thế giới, nhưng 7 quốc gia có sản lượng khai thác quặng hàng đầu đã chiếm tới 82% sản lượng quặng sắt trên toàn cầu. Trong đó Australia là quốc gia có sản lượng lớn nhất với 900 triệu tấn vào năm 2021. Các quốc gia khác nằm trong top 5 bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Các mỏ quặng sắt lớn tại Việt Nam
Tổng trữ lượng quặng sắt đã được điều tra đánh giá và thăm dò ở Việt Nam là khoảng 1.3 tỷ tấn, với hai mỏ có trữ lượng quặng sắt lớn nhất là mỏ Thạch Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh và mỏ Quý Xa ở Lào Cai.
Ngoài ra, trữ lượng sắt ở nước ta được phân bố rải rác ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng và hầu hết là quặng magnetite. Bên cạnh đó, hàm lượng sắt tại các mỏ thuộc tỉnh Cao Bằng ở mức trung bình từ 55-65%, lớn nhất trong số các mỏ sắt tại Việt Nam.
Giao dịch phái sinh quặng sắt
Giao dịch phái sinh quặng sắt là một phần của thị trường hàng hóa phái sinh, nơi các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch mua hoặc bán hợp đồng tương lai quặng sắt. Các hợp đồng tương lai này được niêm yết trên các Sở Giao dịch Hàng hóa trên thế giới giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng thực hiện giao dịch với loại hàng hóa này.
Các Sở Giao dịch Hàng hóa quốc tế có niêm yết hợp đồng tương lai quặng sắt bao gồm Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE) và Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE). Trong đó, thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, các nhà đầu tư của nước ta có thể thực hiện giao dịch sản phẩm quặng sắt thông qua Sở Giao dịch Singapore.
Một số thông tin về giao dịch quặng sắt trên SGX:
Tham khảo thêm hướng dẫn giao dịch bạc hiệu quả cho người mới
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá quặng sắt
Tình hình cung cầu
Tương tự như bất kỳ một loại hàng hóa nào, giá quặng sắt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình cung cầu đối với loại khoáng sản này trên thế giới.
Về tình hình nhu cầu, nhu cầu với quặng sắt sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nhu cầu từ ngành sản xuất thép. Thép là một loại nguyên liệu được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm sản xuất, chế tạo ô tô, đóng tàu và xây dựng bất động sản. Một khi nhu cầu dành cho các ngành này yếu đi, nhu cầu cho thép cũng sẽ yếu đi và từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu đối với quặng sắt.
Về nguồn cung, tình hình sản xuất và xuất khẩu quặng sắt từ các quốc gia có trữ lượng hàng đầu sẽ ảnh hưởng tới giá quặng sắt.
Tình hình kinh tế toàn cầu khiến giá quặng sắt biến động
Tình hình kinh tế thế giới là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa cũng như ý định mua sắm hay đầu tư của con người. Bất cứ một vấn đề gì xảy ra với nền kinh tế thế giới có thể gây ảnh hưởng lớn và tức thì tới giá của quặng sắt.
Khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, nhu cầu cho việc tham gia đầu tư của các nhà đầu tư cũng tăng lên, bên cạnh đó, nền kinh tế ổn định cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế như xây dựng, bất động sản,sản xuất... là những ngành liên quan trực tiếp đến sản phẩm quặng sắt và giúp tăng nhu cầu đối với loại nguyên liệu này.
Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy kinh tế cũng có vai trò quan trọng đối với giá sản phẩm quặng sắt, với một trong những biện pháp thường được nhắc tới nhất là việc cắt giảm lãi suất ở các quốc gia. Lãi suất ngân hàng thấp hơn sẽ thúc đẩy việc lưu thông tiền tệ hơn, thay vì việc gửi tiền trong ngân hàng, các nhà đầu tư có cơ hội vay tiền với lãi suất thấp hơn để tham gia các loại hình đầu tư trên thị trường.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến giá quặng sắt. Cụ thể với hợp đồng tương lai quặng sắt trên sàn SGX, loại hợp đồng này được định giá bằng đồng USD. Vì vậy, khi đồng USD tăng giá, điều này sẽ khiến sản phẩm quặng sắt trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác, khiến những nhà đầu tư này trở nên kém hứng thú hơn với việc đầu tư sản phẩm này. Ngược lại, khi chỉ số đồng đô la giảm xuống, sản phẩm quặng sắt sẽ trở nên rẻ hơn và thu hút được nhiều người tham gia đầu tư hơn.
Chính sách và quy định
Chính sách thương mại: các biện pháp bảo hộ thương mại như thuế xuất nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến giá quặng sắt khi xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia và khu vực cũng có thể thúc đẩy thương mại đối với quặng sắt, từ đó ảnh hưởng đến giá.
Các quy định về môi trường: các quy định về khai thác quặng sắt hay tiêu chuẩn khí thải có thể ảnh hưởng đến giá quặng sắt, bởi các công ty khai thác và chế biến quặng sắt có thể sẽ phải nộp thêm nhiều khoản thuế khi xâm phạm các quy định về môi trường này, từ đó làm tăng chi phí sản xuất.
Các yếu tố địa chính trị
Vấn đề căng thẳng địa chính trị luôn là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn tới giá cả thị trường nói chung và giá quặng sắt nói riêng.
Cụ thể, các cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia có thể dẫn đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên nhau, bao gồm hạn chế xuất nhập khẩu hay tăng mạnh thuế quan, dẫn đến việc xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm quặng sắt trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia cũng có thể ảnh hưởng lớn đến giá quặng sắt, đặc biệt là khi những cuộc xung đột này diễn ra tại các khu vực là đầu mối quan trọng trên các tuyến đường quốc tế, gây gián đoạn hoạt động vận chuyển quặng sắt từ quốc gia/khu vực này sang quốc gia/khu vực khác.