Vào phiên ngày 14/10, giá dầu giảm 2% sau khi OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Những nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc không đủ để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, kéo theo sự sụt giảm của cả giá vàng và đồng.
Dầu thô giảm 2%
Giá dầu Brent giảm 1.58 USD (tương đương 2%) xuống 77.46 USD/thùng, còn dầu WTI giảm 1.73 USD (2.29%) xuống 73.83 USD/thùng. Dầu Brent đã giảm 0.99 USD trong tuần trước, trong khi dầu WTI tăng 1.18 USD.
OPEC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025, đây là lần thứ ba liên tiếp họ cắt giảm dự báo này. Sự sụt giảm nhu cầu chủ yếu đến từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, khi dự báo nhu cầu của nước này giảm xuống 580.000 thùng/ngày, từ mức 650.000 thùng/ngày. Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 10,99 triệu tấn.
Sự suy giảm trong nhu cầu dầu của Trung Quốc còn đến từ sự gia tăng việc sử dụng xe điện, và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sau đại dịch, khiến nhu cầu và giá dầu toàn cầu bị kìm hãm.
Các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc cũng không giúp nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư. Trong khi đó, tình hình chính trị tại Trung Đông vẫn căng thẳng khi Israel tiếp tục các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, tạo thêm yếu tố không chắc chắn cho thị trường.
Đồng USD mạnh lên cũng tạo áp lực lên giá dầu, vì nó làm tăng chi phí mua dầu đối với những quốc gia sử dụng các loại tiền tệ khác.
Vàng giảm
Giá vàng cũng giảm trong bối cảnh các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc không đủ để vực dậy thị trường, và USD tăng lên mức cao nhất trong hai tháng.
Giá vàng giao ngay giảm 0.2% xuống còn 2,649.98 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 của Mỹ giảm 0.4% còn 2,665.6 USD/ounce.
Quặng sắt tăng với hy vọng Bắc Kinh đưa ra gói kích thích mới
Quặng sắt tăng nhờ kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc, sau khi chính phủ nước này cam kết sẽ đưa ra thêm các chính sách tài khóa mạnh mẽ.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Đại Liên tăng 1.97%, đóng cửa ở mức 800.5 CNY/tấn.
Trong khi đó, trên Sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn cũng ghi nhận mức tăng khi đạt 107.30 USD/tấn, tăng 0.83% so với phiên trước.
Giá quặng sắt đã được hỗ trợ bởi thông tin về việc nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 104.42 triệu tấn, nhờ vào nhu cầu từ các nhà máy thép đang tăng lên theo mùa vụ. Ngoài ra, những biện pháp kích thích kinh tế từ chính phủ Trung Quốc, dù còn thiếu chi tiết cụ thể, vẫn giúp cải thiện tâm lý thị trường và thúc đẩy giá quặng sắt đi lên.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cảnh báo về sự bất ổn trong trung hạn, do những thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt, đặc biệt là áp lực giảm phát và việc các kế hoạch kích thích chưa đủ rõ ràng để mang lại hiệu quả lâu dài cho ngành thép và quặng sắt.
Cao su Nhật Bản phục hồi
Giá cao su Nhật Bản phục hồi sau hai ngày giảm nhờ triển vọng Trung Quốc tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn Osaka tăng 1.94% lên 393.9 JPY/kg.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do các kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc thiếu rõ ràng, cùng với áp lực giảm phát tại và sức mạnh của đồng USD. Tuy nhiên việc Trung Quốc tăng nhập khẩu đồng đã phần nào hỗ trợ thị trường.
Hợp đồng đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 1.3%, còn 9,660 USD/tấn.
Trung Quốc đã nhập khẩu 479,000 tấn đồng chưa qua chế biến trong tháng 9, tăng 15.4% so với tháng 8, nhờ vào nhu cầu theo mùa và triển vọng nhu cầu mạnh mẽ hơn.
Dự trữ đồng tại các kho của Sàn giao dịch Thượng Hải đã giảm xuống mức 156,485 tấn, giảm hơn 50% kể từ tháng 6, phản ánh nhu cầu tăng cao.
Giá cà phê tăng
Hai hợp đồng cà phê Arabica và Robusta cùng tăng giá trong phiên giao dịch ngày 14/10.
Hợp đồng cà phê Arabica giao tháng 12 tăng 4% lên mức 262.05 cent/pound. Trong khi đó, cà phê Robusta giao tháng 11 được giao dịch với giá 4,969 USD/tấn tại thời điểm đóng cửa, tăng 2.9%.
Đường tăng
Hợp đồng đường thô giao tháng 3 tăng 0.15 cent, tương đương 0.7% lên mức 22.39 cent/pound.
Nguyên nhân chính giúp giá đường tăng là do sản lượng đường ở Trung Nam Brazil giảm nhiều hơn dự kiến trong nửa cuối tháng 9.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12 cũng đã tăng 1% trong phiên ngày hôm qua lên mức 575.3 USD/tấn.
Ngô, đậu tương, lúa mì giảm
Giá ngô và đậu tương Mỹ giảm do áp lực từ nguồn cung sau khi chính phủ Mỹ tái khẳng định dự báo vụ mùa bội thu, cùng với mưa tại Brazil làm giảm lo ngại về tình trạng khô hạn.
Giá lúa mì cũng giảm do đồng USD mạnh và sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ nâng dự báo nguồn cung lúa mì toàn cầu trong báo cáo hàng tháng.
Hợp đồng tương lai đậu tương tháng 11 trên sàn giao dịch Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, đóng cửa mất 9 cent, còn 9.96 USD/giạ. Hợp đồng tương lai ngô tháng 12 giảm 7 cent, còn 4.08 USD/giạ, mức thấp nhất trong 3 tuần.
Hợp đồng lúa mì CBOT tháng 12 đóng cửa giảm 13 cent, xuống 5.85 USD/giạ, chịu áp lực từ bán kỹ thuật và sự không chắc chắn về nguồn cung ở khu vực Biển Đen.
Giá một số loại hàng hóa quan trọng ngày 15/10:
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội