xu hướng thị trường gạo
Sản xuất 

Trong báo cáo tháng 3, USDA tiếp tục nâng dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 lên mức kỷ lục 515,4 triệu tấn (xay xát), tăng 1,7 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 0,8 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.

Sản lượng gạo của Ấn Độ được điều chỉnh tăng 2 triệu tấn so với dự báo tháng trước lên mức 134 triệu tấn dựa trên diện tích thu hoạch bổ sung được nêu trong báo cáo uớc tính lần thứ hai về sản xuất ngũ cốc lương thực. Trong khi sản lượng của Philippines hạ xuống còn 12,3 triệu tấn, giảm 200.000 tấn so với dự báo trước.

Với sự điều chỉnh này, sản lượng gạo của Philippines trong niên vụ hiện tại dự kiến sẽ giảm 325.000 tấn so với niên vụ 2022-2023. Còn với Ấn Độ, dù điều chỉnh tăng dự báo so với tháng trước nhưng sản lượng của nước này trong niên vụ 2023-2024 vẫn giảm khoảng hơn 1,7 triệu tấn so với niên vụ trước.

Sản lượng gạo của Trung Quốc cũng được dự báo giảm 1,3 triệu tấn so với niên vụ trước, Indonesia giảm 500.000 tấn, Thái Lan giảm 909.000 tấn… và dự kiến sẽ được bù đắp bởi sản lượng tăng 1,7 triệu tấn tại Pakistan, 1,8 triệu tấn tại Mỹ, 658.000 tấn tại Brazil…

Như vậy, tổng nguồn cung gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 (sản lượng + tồn kho đầu kỳ) dự kiến vào khoảng 692,6 triệu tấn, tăng 2,5 triệu tấn so với dự báo trước nhưng vẫn giảm 4,4 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm. Sự sụt giảm nguồn cung gạo toàn cầu trong những niên vụ gần đây chủ yếu là do sản xuất chưa theo kịp được với sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ. 

Tiêu thụ 

USDA dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức kỷ lục 522,9 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và vượt sản lượng 7,5 triệu tấn. Tiêu thụ gạo trong niên vụ 2023-2024 của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng gần 3,5 triệu tấn so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 118 triệu tấn.

Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ của Philippines dự báo tăng 500.000 tấn so với niên vụ trước, Indonesia tăng 400.000 tấn, Mỹ tăng 537.000 tấn… Ngược lại, tiêu thụ gạo tại Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, dự báo giảm mạnh hơn 5 triệu tấn, xuống chỉ còn 149,9 tấn.

Tồn kho

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2023- 2024 dự kiến ở mức 169,7 triệu tấn, giảm 7,5 triệu tấn so với niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 6 năm (Biểu đồ 1). So với niên vụ trước, tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm 5,2 triệu tấn xuống còn 101,4 triệu tấn.

Ngoài ra, tồn kho của Thái Lan giảm 700.000 tấn, Pakistan và Nigeria giảm lần lượt là 445.000 tấn và 471.000 tấn. USDA cũng dự báo tồn kho gạo sẽ giảm ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Trong khi đó, tồn kho của Ấn Độ được dự đoán sẽ tương đương niên vụ trước, ở mức 35 triệu tấn. Còn Indonesia tăng 900.000 tấn lên 5,6 triệu tấn.

Thương mại 

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt 53,3 triệu tấn (xay xát), tăng 955.000 tấn so với dự báo trước đó và tăng 615.000 tấn so với niên vụ 2022-2023. Đồng thời USDA cũng điều chỉnh ước tính thương mại gạo toàn cầu năm 2023 xuống còn 52,7 triệu tấn, thấp hơn 3,4 triệu tấn so với mức cao kỷ lục của năm trước đó.

Sự sụt giảm đáng kể trong thương mại gạo toàn cầu vào năm 2023 và năm 2024 phần lớn là do các lệnh cấm và các hạn chế xuất khẩu được Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong năm 2022 và 2023. Theo đó, xuất khẩu gạo của nước này giảm từ 22,1 triệu tấn của năm 2022 xuống 17,3 triệu tấn của năm 2023 và dự kiến đạt 16,5 triệu tấn năm 2024.


Xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sau khi tăng vào năm 2023 dự báo giảm 336.000 tấn và 425.000 tấn trong năm 2024, xuống còn lần lượt là 8,4 triệu tấn và 7,8 triệu tấn. Nhưng bù lại, lượng gạo xuất khẩu dự báo tăng gần 1 triệu tấn tại Pakistan và gần 600.000 tấn tại Trung Quốc.

Tương tự, xuất khẩu của Campuchia và Myanmar cũng dự Biểu đồ 2: Xuất khẩu gạo của các nước sản xuất hàng đầu trong năm 2023 và dự báo 2024 Biểu đồ 3: Nhập khẩu gạo của các quốc gia hàng đầu trong năm 2023 và dự báo 2024 Đơn vị: triệu tấn. Nguồn: USDA. Đơn vị: triệu tấn. Nguồn: USDA. kiến sẽ tăng lên trong năm nay (Biểu đồ 2).

Về phía nhập khẩu năm 2024, USDA dự báo Philippines tiếp tục là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với 4,1 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm ngoái. Các nước nhập khẩu lớn tiếp theo gồm Indonesia 3,5 triệu tấn, Trung Quốc và EU cùng đạt 2,3 triệu tấn, Iraq và Nigeria là 2 triệu tấn.