Trong phiên giao dịch hôm nay (14/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm thêm 2 đồng, sau khi đã tăng mạnh 21 đồng vào phiên trước đó, đạt mức 24.290 VND/USD. Đây là lần tăng thứ ba liên tiếp và cũng là mức cao nhất kể từ khi cơ chế này được áp dụng từ năm 2016.
Với biên độ +/-5%, các ngân hàng thương mại hiện có thể giao dịch tỷ giá USD tối đa ở mức 25.504 VND/USD. Theo khảo sát, hầu hết các ngân hàng thương mại đều niêm yết giá bán USD ở mức trần này. Như vậy, sau giai đoạn tạm lắng vào tháng 8 và tháng 9, áp lực tỷ giá đã quay trở lại. Từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng hơn 1.100 đồng, tương đương khoảng 4,4%.
Tỷ giá USD trong nước tăng mạnh trong bối cảnh đồng bạc xanh vẫn duy trì xu hướng tăng giá. Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác, sáng nay đã vượt mốc 106,6 điểm, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Sự tăng giá của đồng USD diễn ra liên tục, một phần do tác động từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi ông Donald Trump chiến thắng và đảng Cộng hòa giành đa số tại Quốc hội. Các chính sách của ông Trump về kiểm soát nhập cư và thuế quan mới được cho là có thể thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát, giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất, từ đó củng cố sức mạnh của đồng USD.
Ngoài áp lực từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng tăng do nhu cầu ngoại tệ gia tăng vào dịp cuối năm. Nhu cầu mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước cũng là một yếu tố khiến tỷ giá tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trước áp lực này, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng các công cụ phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để kiểm soát tỷ giá.
Trong phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường tiền tệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Đồng USD có thời điểm giảm mạnh, nhưng từ quý III đã tăng trở lại và hiện duy trì ở mức cao.
Theo NHNN, việc ổn định tỷ giá và ngoại hối là thách thức lớn do phụ thuộc vào cung cầu thực tế trên thị trường. Ngoài ra, hiện tượng đôla hóa trên thị trường cũng làm tăng áp lực tâm lý, khi các tổ chức và doanh nghiệp giữ ngoại tệ để đầu cơ thay vì bán ra khi chưa có nhu cầu.
Dù vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN sẽ kiên trì mục tiêu điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. "Khi thị trường biến động quá lớn, NHNN sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân", bà Hồng nhấn mạnh.
Ở một diễn biến khác, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục giảm do áp lực từ đồng USD và Bitcoin. Chiều nay 15h50 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã giảm về gần 2.555 USD/ounce, giảm hơn 50 USD trong phiên. Trong nước, vàng SJC giảm thêm 500.000 đồng mỗi lượng, còn 80,00 – 83,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tương tự, vàng nhẫn 999,9 của SJC giảm còn 79,00 – 81,70 triệu đồng/lượng, và nhẫn tròn trơn của các doanh nghiệp khác dao động quanh mức 80,50 – 82,70 triệu đồng/lượng.
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội
Giá vàng thế giới trực tuyến xem giá realtime
Giá vàng kitco trực tuyến
Giá vàng hôm nay trong nước, giá vàng các thương hiệu SJC, PNJ, DOJI, BTMC, Mi Hồng hôm nay