Ngay từ ngày 4/10, lợi tức trái phiếu Kho Bạc Mỹ đã bất ngờ tăng cao bất chấp việc Fed đã hạ lãi suất, đi kèm với hàng loạt các thông tin kinh tế (được sửa đổi) tốt hơn. Đà tăng của lợi tức trái phiếu tiếp tục kéo dài trong suốt tuần sau đó — có lẽ đã khiến kho Bạc Mỹ và Fed phần nào cũng đứng ngồi không yên.
Tiếp theo đó, đến thứ 5 tuần trước (ngày 10/10), báo cáo CPI lại cho thấy tiến trình giảm lạm phát vẫn đang khá chậm chạp – với lạm phát cốt lõi lại tăng trở lại.
Lo sợ về khả năng lạm phát quay trở lại như hồi thập niên 1980 cộng với rủi ro lãi suất trên thị trường nợ trở thành tâm điểm nổi bật trên thị trường tài chính trong tuần qua. Nhưng đây có thực sự là những vấn đề mà nhà đầu tư cần nghi ngại?
I. Báo cáo CPI tháng 9 và rủi ro lạm phát
Tổng quan về báo cáo CPI tháng 9
Dưới đây là 3 điểm nổi bật trong báo cáo CPI tuần qua:
1 - Lạm phát tổng hợp lẫn cốt lõi đều cao hơn dự báo
CPI tổng hợp tăng: +2.4% y/y (> dự báo: +2.3%y/y | tháng trước: +2.5% y/y)
CPI cốt lõi tăng +3.3% y/y (>dự báo +3.2% y/y, và tăng so với tháng trước +3.2%)
2 - Dịch vụ vẫn là danh mục có nhu cầu tiêu dùng cao nhất
Gần như toàn bộ tăng trưởng giá tiêu dùng đều đến từ việc giá thành dịch vụ tiếp tục leo cao.
3 - CPI dịch vụ siêu cốt lõi (không bao gồm dịch vụ nhà ở) tiếp tục chững lại ở mức cao: +4.32% y/y – và rõ ràng là không có xu hướng giảm!
Lạm phát còn sót lại ở hiện tại đến từ phía nhu cầu và mảng dịch vụ, không phải do lợi nhuận doanh nghiệp cao – hay mảng hàng hóa tiêu dùng.
Nhưng rõ ràng là lạm phát dịch vụ – đặc biệt là dịch vụ siêu cốt lõi không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng dịch vụ của người dân còn cao, khiến cho cuộc chiến lạm phát của Fed vẫn kéo dài.
Vì sao cuộc chiến lạm phát của Fed ở Mỹ lại kéo dài như vậy?
Ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ giai đoạn trước:
Trong FOMC tháng 9, dù đã giảm lãi suất, Powell cũng nhấn mạnh tốc độ QT sẽ vẫn sẽ không đổi.
QT - Quantitative tightening / thắt chặt định lượng là việc Fed bán ra các tài sản tài chính như trái phiếu, MBS… để thu lại tiền mặt đang lưu thông
Điều này cho thấy có thể Fed cắt lãi suất để giảm bớt gánh nặng trên thị trường nợ ngắn hạn (đặc biệt đối với nợ công ngắn hạn), nhưng vẫn mong muốn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Tuy vậy, dù bảng cân đối kế toán (BS) của Fed vẫn đang giảm với tốc độ không đổi (Fed bán ra 66 tỷ USD trái phiếu và MBS vào tháng 9 vừa qua và đã bán ra tổng cộng 1,920 tỷ USD danh mục tài sản trên BS kể từ tháng 7/2020) nhưng đây mới chỉ là 40% trong số +4,800 tỷ USD trái phiếu & MBS mà Fed đã mua trong giai đoạn Covid (2020-2022)…
=> Tức là BS của Fed vẫn chưa được “bình thường hóa trở lại” như hồi trước Covid.
Ảnh hưởng của chính sách tài khóa
Chính phủ Mỹ vẫn tăng cường “đưa tiền” cho dân chúng thông qua các chính sách tài khóa trong năm qua như:
Các gói cứu trợ như xóa nợ sinh viên, giảm thuế doanh nghiệp, tăng trợ cấp cho trẻ em
Thuê thêm nhiều nhân viên khối công
Hai ảnh hưởng cộng dồn phía trên khiến cho lượng tiền lưu thông trong dân chúng vẫn còn cao:
=> Điều này giải thích cho sức mạnh tiêu dùng của người dân Mỹ trong suốt giai đoạn Fed nâng lãi suất và thắt chặt tiền tệ.
=> Đồng thời đây cũng là lý do khiến tiến trình giảm lạm phát trở lên chậm chạp hơn.
Tuy nhiên, có thể nói rằng tiến trình giảm lạm phát vẫn đang diễn ra – dù tốc độ còn khá chậm đối với CPI cốt lõi và CPI dịch vụ, trừ khi có một cú shock nguồn cung mới xảy ra như cú shock nguồn cung dầu thô những năm 1980.
II. Rủi ro lãi suất và thị trường nợ
Lãi suất và Thị trường nợ
Tuần qua, lợi tức trái phiếu đã biến động theo hướng hoàn toàn ngược lại với hướng mà Fed kỳ vọng khi cắt lãi suất hồi tháng 9:
Lợi tức của các loại trái phiếu đều tăng trở lại bất chấp việc Fed đã cắt lãi suất và các dữ liệu kinh tế tốt bất ngờ trước đó.
Đặc biệt, lợi tức tăng ở tất cả các kỳ hạn (dù mức tăng đối với các trái phiếu trung hạn 1-10Y cao hơn).
Điều này trái ngược với những kỳ vọng của Fed sau khi cắt lãi suất cơ bản:
Fed có thể đã kỳ vọng sẽ cắt lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng (Overnight Bank Funding Rate - OBFR) và lợi tức của các trái phiếu Kho Bạc dưới 2Y sẽ giảm, giúp giảm áp lực cho thị trường nợ với các khoản vay khổng lồ của chính phủ lẫn doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay và năm sau.
Credit spread trung bình của High Yield bond tuần qua do đó lại giảm về mức 2.89% mức thấp nhất kể từ tháng 6/2007 (thời kỳ bắt đầu khủng hoảng tài chính).
Credit spread của High Yield bond là khoảng cách giữa lợi tức trái phiếu của các doanh nghiệp rủi ro cao (High Yield bond) - lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ (loại tài sản nợ an toàn nhất) với cùng thời gian đáo hạn. Đây được coi là phần risk premium của các trái phiếu rủi ro (để bù đắp cho rủi ro nhà đầu tư phải chịu so với việc mua trái phiếu chính phủ an toàn hơn)
Credit spread này giảm phần nhiều là do lợi tức trái phiếu chính phủ tăng đột ngột tuần qua – mà thị trường High Yield bond không kịp phản ứng để điều chỉnh mức risk premium. Mức spread premium này sẽ sớm được điều chỉnh trong những tuần tới.
Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý: việc credit spread của High Yield bond giảm có thể thúc đẩy các doanh nghiệp (với khả năng nợ xấu cao) phát hành nhiều nợ subprime hơn trên thị trường.
Vì sao lợi tức trái phiếu kho bạc tăng dù Fed đã cắt giảm lãi suất?
Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng chứng tỏ một điều khá rõ ràng:
Các nhà đầu tư tổ chức (đối tượng chính mua trái phiếu chính phủ - vốn có nhiều thông tin thị trường hơn) đang lo sợ rủi ro kinh tế như suy thoái, khủng hoảng nợ công
Do vậy, họ đòi hỏi mức lợi tức cao hơn để đánh đổi cho rủi ro mà họ có thể sẽ phải đối mặt.
Có nhiều lý do cho những lo sợ này của họ:
Việc sửa đổi dữ liệu kinh tế chính thức một cách ồ ạt khiến các tổ chức này bắt đầu nghi ngờ về tính chính xác của các dữ liệu kinh tế tốt gần đây.
Nợ công tăng cao khiến rủi ro khủng hoảng nợ cũng tăng lên
Do vậy, họ bỏ qua những dữ liệu kinh tế chính thức này và tin vào các dữ liệu nội bộ, đặc biệt đây là các nhà đầu tư tổ chức luôn có các dữ liệu nội bộ hoặc các bộ phận nghiên cứu kinh tế/thị trường độc lập.
Một vài ví dụ về các dữ liệu từ các tổ chức tư nhân như:
Doanh nghiệp kỳ vọng tiêu dùng sẽ giảm -5% y/y trong mùa mua sắm cho lễ Halloween năm nay — từ Liên đoàn bán lẻ Hoa Kỳ.
Số lượng doanh nghiệp đệ đơn phá sản đang cao nhất trong 1 thập kỷ - trong đó có nhiều doanh nghiệp bán lẻ — Moody’s Rating, Bloomberg.
Các hộ gia đình Mỹ lưu trữ đến 48% tài sản của mình vào chứng khoán - tương tự như đỉnh điểm trước khủng hoảng dotcom năm 2000 – gây lo ngại về bong bóng chứng khoán — Goldman Sachs.
Tất nhiên, rủi ro mà các nhà đầu tư tổ chức lo sợ phía trên là hoàn toàn có thể:
Nhưng trong suốt giai đoạn Fed QT - có nhiều thời điểm mà credit crunch còn khiến thị trường lo sợ nhiều hơn.
Do vậy tuần qua, lợi tức tăng cao trên tất cả các loại trái phiếu cũng một phần do hiệu ứng đám đông và thông tin bị nhiễu loạn:
Một vài đầu tư tổ chức lớn bán ròng trái phiếu khiến thị trường lo sợ và hành động theo hiệu ứng đám đông (herd behavior)
Họ cùng lúc bán ra trái phiếu ồ ạt, đã đẩy lợi tức trái phiếu tăng cao
Tuần qua, các nhà đầu tư bán ròng trái phiếu Kho Bạc Mỹ với con số lớn chưa từng thấy trong tuần qua theo ghi nhận của Bank of America.
KẾT LUẬN
Số liệu CPI một tháng sẽ không phản ảnh được toàn bộ xu hướng:
Do vậy việc CPI cốt lõi tăng nhẹ trở lại hoàn toàn không phải là dấu hiệu của việc lạm phát sẽ tăng trở lại như những gì xảy ra giai đoạn 1980, trừ khi có một cú shock nguồn cung diễn ra khiến giá cả hàng hóa thực sự tăng trở lại.
Tuy vậy, việc CPI dịch vụ siêu cốt lõi (không bao gồm nhà ở) hoàn toàn có xu hướng không giảm có thể sẽ là tác nhân chính khiến cuộc chiến lạm phát của Fed kéo dài hơn.
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa
Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội