Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/06/2025, tâm lý lạc quan về tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu vọt lên mức cao nhất trong nhiều tuần, đồng thời thúc đẩy giá vàng cùng giá đồng tăng theo.

Giá dầu vươn lên mức cao nhất trong nhiều tuần

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh, chạm mức cao nhất trong nhiều tuần do sự suy yếu của đồng USD và kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại London sẽ góp phần cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu, từ đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Trong đó, dầu Brent ghi nhận mức tăng 0,57 USD, tương đương 0,9%, lên 67,04 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 28/4. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,71 USD, tương đương 1,1%, đạt 65,29 USD/thùng và có lúc lên tới 65,38 USD/thùng – mức chưa từng thấy kể từ ngày 4/4.

Chỉ số USD suy yếu 0,3% khiến dầu trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác. Trong tuần trước, dầu Brent tăng 4% còn dầu WTI tăng 6,2% nhờ tâm lý tích cực xoay quanh triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tác động từ khả năng OPEC+ có thể nâng sản lượng trong tháng tới bị lu mờ bởi kỳ vọng vào kết quả tích cực từ đàm phán Mỹ - Trung. Theo khảo sát từ Reuters, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 5 đạt 26,75 triệu thùng/ngày, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng trước đó. Ả Rập Xê Út là nước dẫn đầu về mức tăng sản lượng, trong khi Iraq cắt giảm mạnh nhằm bù đắp lượng sản xuất vượt hạn ngạch từ các tháng trước.

Giá vàng nhích nhẹ

Giá vàng tăng nhẹ nhờ đồng USD suy yếu cùng kỳ vọng từ cuộc gặp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại London. Vàng giao ngay tăng 0,8%, lên 3.335,02 USD/ounce, trong khi giá hợp đồng vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,2%, đạt 3.354,9 USD/ounce. Sự suy giảm 0,3% của chỉ số USD đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư sở hữu ngoại tệ khác.

Cuộc gặp giữa đại diện hai nước diễn ra sau khi căng thẳng thương mại tạm thời lắng xuống vào tháng trước. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu đàm phán mang lại kết quả tích cực, giá vàng có thể giảm nhẹ, song vẫn nhận được sự hỗ trợ từ triển vọng kinh tế ảm đạm, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất và kỳ vọng lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, xung đột tại Ukraine tiếp tục là yếu tố kích thích nhu cầu đối với vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Trung Quốc cũng đang tăng cường tích trữ vàng trong tháng thứ bảy liên tiếp.

Các kim loại quý khác cũng ghi nhận đà tăng: hợp đồng tương lai bạch kim tiếp tục tăng mạnh 4% lên mức 1.214,5 USD/ounce – mức cao nhất kể từ tháng 5/2021; trong khi bạc tăng 1,8% lên mức 36,795 USD.

Giá đồng tăng nhờ kỳ vọng đàm phán thương mại và lượng tồn kho giảm

Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1%, lên mức 9.787 USD/tấn, khi giới đầu tư kỳ vọng vào tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời ghi nhận lượng tồn kho giảm mạnh, bất chấp dữ liệu xuất khẩu không mấy tích cực từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất toàn cầu.

Lượng đồng tồn kho tại LME giảm 10.000 tấn, xuống còn 122.400 tấn – mức giảm hơn 50% kể từ tháng 2. Ngoài ra, thêm 67.800 tấn đã được đăng ký rút khỏi kho, phần lớn trong số này dự kiến sẽ được vận chuyển sang Mỹ, nơi giá đồng cao hơn đáng kể do lo ngại về khả năng áp thuế nhập khẩu.

Xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, do tác động từ các chính sách thuế quan của Mỹ. Lượng đồng và sản phẩm đồng nhập khẩu trong cùng kỳ tại Trung Quốc giảm 16,9% so với năm trước và giảm 2,5% so với tháng 4, chỉ còn 427.000 tấn. Mức chênh lệch giá đồng tại cảng Dương Sơn giảm xuống còn 41 USD/tấn – thấp nhất trong vòng ba tháng, giảm mạnh từ đỉnh 103 USD hồi đầu tháng.

Giá của các kim loại công nghiệp khác biến động không đồng đều: nhôm tăng 1,2% lên 2.480 USD/tấn; thiếc tăng 1,1% lên 32.710 USD; chì nhích nhẹ 0,3% lên 1.989 USD; trong khi kẽm và nickel lần lượt giảm 0,5%. Đồng USD yếu cũng góp phần hỗ trợ xu hướng tăng của giá hàng hóa.

Giá quặng sắt giảm nhẹ

Giá quặng sắt kỳ hạn điều chỉnh giảm nhẹ sau khi dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc làm suy yếu tâm lý thị trường. Tuy vậy, kỳ vọng vào đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn đóng vai trò là lực đỡ, giúp giới hạn đà giảm.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt tháng 9/2025 giao dịch trên sàn Đại Liên (DCE) giảm 0,71%, xuống còn 703 nhân dân tệ/tấn, tương đương khoảng 97,83 USD. Trên sàn Singapore, hợp đồng tháng 6/2025 cũng giảm 0,52%, chốt ở mức 95,60 USD/tấn.

Trong tháng 5, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần hai năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục đi xuống – phản ánh những áp lực kéo dài từ khủng hoảng bất động sản và căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 4,9% so với tháng trước, khi các nhà máy thép có xu hướng cẩn trọng hơn do lo ngại về nhu cầu yếu theo chu kỳ mùa vụ. Tuy nhiên, lượng tồn kho quặng tại các cảng biển giảm cùng với sản lượng gang nóng duy trì ở mức cao đã cho thấy nhu cầu ổn định, qua đó hạn chế đà giảm của giá.

Giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép biến động trái chiều: than luyện cốc tăng nhẹ 0,13%, trong khi coke giảm 1,22%.

Tại sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép dao động trong biên độ hẹp: thép cây và thép cuộn cán nóng gần như không thay đổi; dây thép giảm 0,66%; thép không gỉ lùi 0,47%.

Giá lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt suy yếu

Giá lúa mì tại Mỹ sụt giảm khoảng 2%, chịu áp lực từ yếu tố mùa vụ khi hoạt động thu hoạch lúa mì vụ đông ở khu vực Bắc Bán cầu đang khởi động. Đồng thời, điều kiện thời tiết thuận lợi tại Mỹ đã tạo điều kiện tích cực cho mùa vụ, gây áp lực lên giá ngô và đậu tương, khiến các mặt hàng này nhìn chung cũng giảm.

Kết phiên giao dịch ngày 9/6, hợp đồng lúa mì giao tháng 7/2025 trên Sàn Chicago (CBOT) giảm 12,6 cent, xuống còn 5,42 USD/giạ, khép lại chuỗi ba phiên tăng liên tiếp. Giá ngô kỳ hạn tháng 7 giảm 9 cent xuống còn 4,33 USD/giạ. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 7 giảm nhẹ 1,2 cent, xuống 10,56 USD/giạ. 

Các quỹ đầu cơ tạm ngừng việc mua vào lúa mì sau đợt mua bù bán khống vào tuần trước. Trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cập nhật về tiến độ mùa vụ, thị trường kỳ vọng khoảng 8% diện tích trồng lúa mì vụ đông của Mỹ đã được thu hoạch.

Tại Nga – quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì – công ty tư vấn Sovecon đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng lúa mì trong năm 2025 thêm 1,8 triệu tấn, đạt mức 82,8 triệu tấn, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.

USDA báo cáo xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần trước đạt 1,657 triệu tấn – vượt mức kỳ vọng của thị trường. Dù vậy, do Brazil đã bắt đầu thu hoạch vụ ngô thứ hai, triển vọng xuất khẩu ngô từ Mỹ có thể sẽ chịu cạnh tranh đáng kể.

Giá cao su Nhật Bản suy giảm sau ba phiên tăng liên tiếp 

Sau ba phiên tăng giá liên tiếp, giá cao su giao sau tại Nhật Bản quay đầu giảm, trong bối cảnh đồng USD mất giá trước thềm cuộc gặp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại London.

Tại Sở Giao dịch Osaka (OSE), hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11/2025 hạ 4,7 yên, tương ứng giảm 1,6%, xuống mức 289,6 yên/kg.

Trên Sàn Thượng Hải (SHFE), hợp đồng cao su giao tháng 9/2025 giảm 35 nhân dân tệ, tương đương 0,26%, còn 13.660 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, hợp đồng cao su butadiene giao tháng 7/2025 tăng nhẹ 25 nhân dân tệ, đạt 11.275 nhân dân tệ/tấn.

Tại Thái Lan, giá cao su tấm hun khói và cao su khối ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,08% và 6,39%, lên 73,9 baht và 69,95 baht mỗi kg.

Tỷ giá USD giảm 0,3% so với đồng yen, xuống mức 144,39, sau khi ghi nhận mức tăng 0,9% trong phiên cuối tuần trước. Đồng yên mạnh hơn khiến các hàng hóa niêm yết bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Giá cao su tự nhiên thường diễn biến theo giá dầu, bởi sự cạnh tranh với cao su tổng hợp – sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thông thường, cây cao su có sản lượng thấp trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5, trước khi bước vào mùa thu hoạch chính kéo dài đến tháng 9.

Trên Sàn Giao dịch Singapore (SICOM), hợp đồng giao tháng 7/2025 được giao dịch lần cuối ở mức 160,6 cent/kg, giảm nhẹ 0,2%.

Giá ca cao đi ngang sau đợt tăng mạnh; cà phê và đường tiếp tục đi lên

Trên sàn ICE, giá ca cao giữ mức ổn định sau khi tăng gần 5% trong tuần trước, do động thái chốt lời từ giới đầu cơ trong bối cảnh có dự báo sẽ xuất hiện mưa tại khu vực Tây Phi. Trong khi đó, giá cà phê và đường tăng nhờ nhu cầu mua mới và nguồn cung thắt chặt tại một số quốc gia.

Hợp đồng ca cao London giảm nhẹ 0,3% còn 6.623 bảng Anh/tấn, trong khi giá ca cao giao dịch tại New York giảm 0,8% xuống 10,174 USD/tấn. Các quỹ đầu cơ đã giảm vị thế mua ròng tại New York và London lần lượt là 2.303 và 4.066 hợp đồng tính đến ngày 3/6. Mặc dù mưa được dự báo sẽ xuất hiện ở Tây Phi trong tuần này, tuy nhiên đất đai vẫn khô, cho thấy điều kiện phát triển cây trồng còn chưa thuận lợi.

Theo đánh giá từ công ty StoneX, các dự báo sơ bộ cho niên vụ 2025/26 cho thấy sản lượng ca cao tại Bờ Biển Ngà có thể chỉ đạt mức 1,8 triệu tấn – thấp hơn nhiều so với trung bình 2,2 triệu tấn – hàm ý khả năng thiếu hụt có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà tính từ đầu vụ đến ngày 8/6 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá đường thô tăng 1,1% lên 16,67 cent/pound sau khi chạm đáy 4 năm trong phiên trước đó. Đường trắng tăng 1,5% lên 472,4 USD/tấn. Tình hình mùa vụ tại Ấn Độ và Thái Lan được cải thiện nhờ mưa đến sớm và có cường độ lớn. Tại Brazil, tiến độ thu hoạch mía được đẩy nhanh sau thời gian thời tiết khô ráo. Tuy nhiên, giá đường vẫn chịu áp lực từ hoạt động bán phòng ngừa rủi ro giao hàng trễ hạn của các nhà máy tại Thái Lan.

Giá cà phê Robusta bật tăng mạnh 1,85%, lên mức 4.522 USD/tấn, sau khi từng chạm đáy trong vòng 9,5 tháng vào tuần trước. Arabica cũng ghi nhận mức tăng 1% lên 3,6155 USD/pound. Đà phục hồi gần đây một phần đến từ việc lượng cà phê arabica tồn kho trên sàn ICE giảm mạnh – với mức giảm 95.000 bao chỉ trong vòng một tuần. Dù vậy, nguồn cung dồi dào từ các nước xuất khẩu lớn như Brazil và Việt Nam vẫn đang tạo áp lực giảm giá đối với thị trường.

Công ty Cazarini cảnh báo rằng nếu tốc độ rút hàng khỏi kho tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu cung tạm thời. Trong khi đó, theo tư vấn từ Archer, nông dân Brazil đang tích cực bán robusta để bù đắp chi phí trong giai đoạn thu hoạch.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 09/06/2025:

Biến động giá kết phiên ngày 9/6/2025