Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, 7/4/2025, thị trường hàng hóa chứng kiến đà giảm mạnh trên diện rộng, diễn biến này diễn ra trong bối cảnh xu hướng giảm bao trùm các thị trường tài chính toàn cầu, khi tâm lý lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng do căng thẳng leo thang từ cuộc chiến thương mại.

Dầu giảm 2%, chạm đáy gần bốn năm

ong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu trượt 2% và xuống mức thấp nhất kể từ gần bốn năm trở lại đây, khi thị trường lo ngại rằng các mức thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu năng lượng.

Cụ thể, dầu Brent giảm 1,37 USD, tương ứng 2,1%, còn 64,21 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ cũng hạ 1,29 USD, tức 2,1%, về mức 60,70 USD/thùng.

Tuyên bố từ Mỹ về khả năng áp thêm thuế đối với Trung Quốc đã đẩy cả hai loại dầu về mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021, sau khi cả hai đã mất khoảng 11% giá trị trong tuần trước.

Theo Goldman Sachs, nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới đã tăng lên mức 45%, khiến ngân hàng này phải điều chỉnh giảm dự báo giá dầu. Tương tự, cả Citi và Morgan Stanley đều hạ mức kỳ vọng đối với giá dầu Brent trong thời gian tới, trong khi JPMorgan dự báo khả năng suy thoái tại Mỹ và toàn cầu là 60%.

Vàng lao dốc hơn 2%

Trong phiên thứ Hai, giá vàng sụt hơn 2% khi dòng vốn đầu tư chuyển sang đồng USD – được xem là tài sản an toàn – giữa bối cảnh thuế quan mới của Mỹ làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn giữ quan điểm tích cực với vàng trong môi trường kinh tế nhiều bất ổn.

Vàng giao ngay kết thúc phiên ở mức 2.963,19 USD/ounce, giảm 2,4% sau khi chạm đáy gần một tháng tại 2.955,89 USD vào đầu phiên. Hợp đồng vàng giao tháng 6/2025 giảm 2% còn 2.973,60 USD/ounce.

Đồng bạc xanh tăng giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt, thoát khỏi đáy sáu tháng ghi nhận tuần trước. Đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong phiên khi các chỉ số lớn đồng loạt đi xuống, sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo có thể nâng mức thuế lên 50% nếu Trung Quốc không rút lại các biện pháp trả đũa.

Cùng thời điểm, Nhà Trắng phủ nhận các thông tin cho rằng ông Trump đang cân nhắc hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với các nước, ngoại trừ Trung Quốc.

Quặng sắt xuống đáy hơn hai tuần

Giá quặng sắt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ quặng sắt hàng đầu thế giới – tiếp tục leo thang.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc, hợp đồng giao tháng 5 giảm 3,36% xuống còn 762,5 nhân dân tệ (tương đương 104,31 USD) mỗi tấn. Trong phiên, có thời điểm giá xuống còn 754 nhân dân tệ – mức thấp nhất kể từ ngày 21 tháng 3.

Tại sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2025 cũng mất 2,8% còn 97,8 USD/tấn, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng là 96,4 USD.

Công ty môi giới Galaxy Futures nhận định rằng các cú sốc từ bên ngoài, đặc biệt từ chính sách thuế mới của Mỹ, sẽ tạo áp lực lên giá quặng sắt trong ngắn hạn.

Đồng và nhôm tiếp tục xu hướng giảm

Thị trường kim loại cơ bản tại London đóng cửa trong sắc đỏ vào ngày thứ Hai, trong đó giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 16 tháng, giữa những lo ngại về nhu cầu suy yếu cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu khi xung đột thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Giá đồng chuẩn kỳ hạn ba tháng tại Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,5%, xuống còn 8.734,5 USD/tấn.

Cùng chiều, giá nhôm trên sàn LME cũng giảm 0,4%, chốt phiên ở mức 2.369,5 USD/tấn. Ngân hàng Citi đã hạ mức dự báo giá đồng và nhôm trong khoảng thời gian 0 đến 3 tháng tới lần lượt còn 8.000 USD và 2.200 USD/tấn, đồng thời cho biết không loại trừ khả năng các mức giá này sẽ được hiện thực hóa ngay trong tuần tới.

Tại New York, hợp đồng tương lai đồng COMEX giao tháng 5/2025 giảm 4,91% xuống còn 4,186 USD/lb. 

Cao su rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm

Thị trường cao su tại Nhật Bản chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong hơn bốn năm qua khi loạt thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành chính thức có hiệu lực, làm căng thẳng thương mại toàn cầu thêm trầm trọng và làm giảm triển vọng tiêu thụ.

Trên Sàn giao dịch Osaka (OSE), hợp đồng cao su giao tháng 9 kết thúc phiên giảm 26,7 yên, tương đương 8,33%, còn 294 yên (2,02 USD)/kg, ghi nhận mức sụt giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 4 tháng 11 năm 2020.

Trong khi đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 995 nhân dân tệ, tương ứng 6%, còn 15.580 nhân dân tệ (2.132,46 USD)/tấn.

Một nhà giao dịch cao su tại Singapore nhận định rằng thị trường hiện rơi vào trạng thái “hoảng loạn bán tháo do tâm lý bất ổn”, đồng thời nhấn mạnh rằng những biến động gần đây của giá cao su chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố chính trị thay vì các yếu tố cơ bản hay kỹ thuật.

Cà phê lao dốc mạnh

Giá cà phê sụt giảm đáng kể trong phiên đầu tuần khi tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục đè nặng lên nhà đầu tư, nhất là khi Tổng thống Donald Trump không có dấu hiệu rút lại các biện pháp thuế quan toàn diện đã chính thức được thực thi vào cuối tuần trước.

Hợp đồng cà phê Robusta kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 316 USD, tương đương 6,2%, xuống còn 4.796 USD/tấn, sau khi có thời điểm giảm sâu xuống 4.752 USD – mức thấp nhất trong hơn bốn tháng. Giá cà phê Arabica cũng giảm 5,7% xuống 3,448 USD/lb, trước đó đã chạm đáy hai tháng tại 3,3860 USD.

Indonesia – quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu Robusta – hiện đang đối mặt với mức thuế 32% khi xuất khẩu sang Mỹ. Cùng lúc đó, Brazil – nước dẫn đầu về xuất khẩu Arabica và cũng là nhà xuất khẩu Robusta lớn thứ hai – bị áp thuế ở mức 10%.

Ngô, đậu tương và lúa mì đồng loạt tăng giá

Giá ngô và đậu tương tại Chicago tăng trở lại trong bối cảnh thị trường đón nhận thông tin mới về thuế quan cùng với những lo ngại liên quan đến thời tiết. Lúa mì cũng đi lên sau khi có dự báo thời tiết khô hạn sẽ ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất chính tại Mỹ.

Hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Chicago tăng thêm 6 cent, đạt mức 9,83 USD/giạ, sau khi rơi xuống đáy kể từ ngày 20 tháng 12 trong phiên trước đó.

Trong khi đó, giá ngô tăng 4-1/4 cent lên mức 4,64-1/2 USD/giạ và giá lúa mì cũng tăng thêm 7-1/2 cent lên 5,36-1/2 USD/giạ.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết thúc phiên ngày 7/4/2025: 

Biến động giá hàng hóa phiên ngày 7/4/2025