Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, thị trường hàng hóa chứng kiến giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục và dầu thô tăng mạnh. Trong khi đó, các mặt hàng như đồng, quặng sắt, cao su và cà phê đều ghi nhận sụt giảm.
Giá dầu tăng gần 3%
Giá dầu tăng mạnh, chạm mức cao nhất trong vòng 5 tuần, do lo ngại nguồn cung có thể bị ảnh hưởng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế mới lên Nga và có động thái quân sự đối với Iran.
Kết thúc phiên ngày 31/3, dầu thô Brent tăng 2,01 USD, tương đương 2,76%, lên mức 74,77 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 2,12 USD, tương đương 3,1%, lên 71,48 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 24/2 và mức cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 20/2. Chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI thu hẹp xuống còn 3,02 USD/thùng, mức thấp nhất tính từ tháng 7/2024.
Theo Reuters, các cuộc đàm phán liên quan đến việc nối lại xuất khẩu dầu của người Kurd thông qua đường ống Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp bế tắc do vấn đề thanh toán và hợp đồng chưa được làm rõ.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ đã thông báo cho tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol rằng giấy phép xuất khẩu dầu từ Venezuela của công ty sẽ bị đình chỉ. Repsol hiện đang thương thảo với chính phủ Mỹ để tìm giải pháp tiếp tục hoạt động tại Venezuela.
Sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 1 đã giảm 305.000 thùng/ngày, xuống còn 13,15 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hoạt động sản xuất trong tháng 3 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một năm nhờ lượng đơn hàng mới gia tăng.
Tại Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu, lạm phát trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo, củng cố thêm quan điểm rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tiếp tục hạ lãi suất. Việc lãi suất giảm sẽ giúp chi phí vay thấp hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.
Giá vàng vượt mốc 3.100 USD/ounce
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, vượt ngưỡng 3.100 USD/ounce và đạt mức cao kỷ lục mới. Nỗi lo về tác động của thuế quan lên lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, giúp vàng có quý tăng mạnh nhất kể từ năm 1986.
Vàng giao ngay tăng 1%, lên 3.116,94 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt đỉnh 3.128,06 USD/ounce. Trong khi đó, vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn New York tăng 1,2%, đóng cửa ở mức 3.150,30 USD/ounce.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố mức thuế quan mới vào ngày 2/4, trong đó thuế áp lên ô tô sẽ có hiệu lực từ ngày 3/4.
Từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng khoảng 18%, sau khi tăng hơn 27% trong năm 2024. Đà tăng này được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng, hoạt động mua vào mạnh từ các ngân hàng trung ương, cùng với dòng tiền đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và những yếu tố khác.
Giá đồng chạm mức thấp nhất trong hai tuần
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần, do lo ngại về việc Mỹ sẽ áp thuế mới trong tuần này. Tuy nhiên, mức giảm của đồng phần nào được hạn chế nhờ dữ liệu sản xuất tích cực từ Trung Quốc.
Hợp đồng đồng giao sau ba tháng trên sàn London giảm 0,9%, xuống còn 9.704 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức 9.679,5 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 12/3.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày Chủ nhật rằng thuế quan dự kiến sẽ được áp dụng lên tất cả các quốc gia, khiến thị trường chứng khoán và tài chính lao dốc.
Tuy nhiên, dữ liệu công bố ngày 31/3 cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng một năm.
Từ đầu năm đến nay, giá đồng trên sàn London đã tăng 11%, trong khi đồng Comex tại Mỹ tăng mạnh 27%.
Hợp đồng đồng Comex giảm 1,9%, xuống còn 5,03 USD/lb, thu hẹp mức chênh lệch giữa đồng Comex và đồng LME xuống còn 1.387 USD/tấn, so với mức 1.565 USD/tấn trước đó.
Giá quặng sắt giảm do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc
Thị trường quặng sắt chịu áp lực giảm giá do lo ngại về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc khi các nhà máy thép cắt giảm sản lượng.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên (DCE) giảm 1,47%, xuống còn 773 CNY (106,59 USD)/tấn. Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng thép trong nước để kiểm soát tình trạng dư cung.
Dù chưa có thông báo chính thức, nhiều nhà sản xuất thép đã tự nguyện giảm công suất, qua đó làm suy yếu nhu cầu đối với quặng sắt.
Bên cạnh đó, áp lực từ căng thẳng thương mại toàn cầu do chính sách thuế mới của Mỹ cũng đang gây tác động tiêu cực đến thị trường.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh giảm 1,03%, thép cuộn cán nóng mất 0,79%, thép dây giảm 0,79% và thép không gỉ giảm 0,85%.
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp tục xu hướng giảm
Thị trường cao su Nhật Bản khép lại tháng thứ hai liên tiếp đi xuống, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp thuế mới đối với ngành ô tô và các lĩnh vực liên quan, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn Osaka kết thúc phiên với mức giảm 0,2 JPY, tương đương 0,1%, xuống còn 349 JPY (2,3 USD)/kg. Tính chung cả tháng, giá cao su đã giảm 3,2% và ghi nhận mức giảm 6,8% trong cả quý, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp đi xuống.
Trong khi đó, giá cao su giao tháng 5 trên sàn Thượng Hải giảm 295 CNY, xuống còn 16.560 CNY (2.284 USD)/tấn, trong khi lượng dự trữ cao su tại sàn này không có nhiều biến động đáng kể.
Giá đường thô chạm mức thấp nhất gần 3 tuần
Thị trường đường thô tiếp tục suy yếu, kết thúc phiên với mức giảm 0,1 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 18,86 cent/lb. Trước đó, giá có thời điểm chạm 18,72 cent/lb, đánh dấu mức thấp nhất trong gần 3 tuần qua.
Theo các nhà giao dịch, vụ thu hoạch mía tại khu vực Trung Nam Brazil đang diễn ra thuận lợi hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường vẫn khá trầm lắng. Hiện thị trường đang theo dõi xem liệu nhu cầu có gia tăng sau khi tháng Ramadan kết thúc hay không.
Giá đường trắng gần như đi ngang ở mức 534,9 USD/tấn.
Thị trường cà phê đi xuống
Giá cà phê arabica giảm nhẹ, kết thúc phiên với mức giảm 0,2 cent, tương đương 0,1%, xuống còn 3,7975 USD/lb.
Theo các chuyên gia, thị trường vẫn tập trung vào vụ thu hoạch sắp tới tại Brazil. Các dự báo từ hợp tác xã Co-Op Cooxupe và nhà môi giới Marex cho thấy sản lượng năm nay có thể tương đương với năm 2024.
Năm ngoái, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến người trồng cà phê tại Brazil, khiến cây trồng suy kiệt và đẩy giá cà phê toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, một số nông dân đã đầu tư vào hệ thống tưới tiêu, kỳ vọng sẽ đạt năng suất tốt hơn trong năm nay.
Giá cà phê robusta cũng giảm 1,27%, xuống còn 5.269 USD/tấn.
Giá đậu tương đi xuống, trong khi ngô và lúa mì đồng loạt tăng
Giá đậu tương trên sàn Chicago chịu áp lực giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cho thấy lượng dự trữ đậu tương tăng, trong khi diện tích trồng trọt dự kiến sẽ bị thu hẹp.
Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 5 trên sàn CBOT đóng cửa giảm 8-1/4 cent, xuống còn 10,14-3/4 USD/giạ.
Ngược lại, giá ngô tăng sau khi USDA dự báo diện tích trồng ngô trong năm 2025 có thể tăng 5%, đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm. Dù vậy, lượng dự trữ ngô giảm so với năm ngoái, đúng như các chuyên gia phân tích đã dự đoán.
Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 5 trên CBOT kết thúc phiên với mức tăng 4 cent, lên 4,57-1/4 USD/giạ.
Thị trường lúa mì cũng ghi nhận xu hướng đi lên sau khi USDA cho biết diện tích trồng lúa mì trong năm 2025 có thể thấp hơn dự báo của các chuyên gia.
Hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 5 trên CBOT tăng 8-3/4 cent, lên mức 5,37 USD/giạ.
Biến động giá một số nhóm hàng hóa quan trọng kết thúc phiên ngày 31/3: