Chốt phiên giao dịch ngày 30/4, thị trường ghi nhận giá dầu trải qua mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2021, trong khi giá đồng cũng chứng kiến đợt lao dốc mạnh nhất tính từ tháng 6 năm 2022. Giá quặng sắt tiếp tục xu hướng đi xuống khi đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp, trái lại, giá vàng lại duy trì đà phục hồi với tháng tăng thứ tư liên tục.
Dầu đánh dấu tháng giảm sâu nhất kể từ năm 2021
Giá dầu trượt giảm, khép lại tháng mất giá mạnh nhất trong gần ba năm rưỡi sau khi Saudi Arabia phát đi tín hiệu về khả năng gia tăng sản lượng nhằm mở rộng ảnh hưởng trên thị trường, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu làm suy yếu triển vọng tiêu thụ năng lượng.
Phiên giao dịch ngày 30/4 khép lại với giá dầu Brent giảm 2,22 USD, tương đương 3,51%, xuống còn 61,06 USD/thùng. Dầu WTI cũng giảm mạnh 2,21 USD, tương ứng 3,66%, xuống mức 58,21 USD/thùng.
Tính trong tháng 4, dầu Brent và WTI lần lượt mất 15% và 18%, đánh dấu mức giảm theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2021.
Giá dầu tiếp tục xu hướng giảm sau khi Saudi Arabia – quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – tỏ ý không muốn tiếp tục hỗ trợ thị trường bằng việc cắt giảm nguồn cung và sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp trong thời gian tới. Trước đó, trong tháng 4, Saudi Arabia đã đề xuất tăng sản lượng OPEC+ cao hơn dự báo trong tháng 5.
Một số quốc gia thành viên khác trong nhóm OPEC+ dự iến cũng sẽ đề xuất tăng sản lượng trong tháng 6 – tháng thứ hai liên tiếp. Cuộc họp của nhóm dự kiến diễn ra vào ngày 5/5 để đưa ra quyết định chính thức về chính sách sản lượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế bao trùm lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 2/4, kéo theo hành động đáp trả từ phía Trung Quốc, qua đó châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng tăng trưởng toàn cầu tiếp tục tạo sức ép giảm giá lên thị trường dầu.
Tuy nhiên, việc tồn kho dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm do xuất khẩu tăng cùng với nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu gia tăng đã phần nào làm chậm đà giảm.
Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), lượng dầu thô dự trữ tại Mỹ trong tuần trước đã giảm 2,7 triệu thùng xuống còn 440,4 triệu thùng, trái ngược với dự báo của giới phân tích được Reuters khảo sát, vốn kỳ vọng tăng 429.000 thùng.
Giá vàng suy yếu
Giá vàng giảm nhẹ trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất tăng lên, sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế quý đầu năm tại Mỹ thấp hơn mức dự kiến.
Giá vàng giao ngay lùi nhẹ 0,2% xuống còn 3.308,32 USD/ounce, tuy nhiên vẫn khép lại tháng tăng thứ tư liên tiếp với mức tăng gần 6% trong tháng 4. Trong phiên giao dịch, có thời điểm giá vàng đã rớt hơn 1%. Giá hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 6 của Mỹ đóng cửa giảm 0,4%, xuống mức 3.319,1 USD/ounce.
Dữ liệu công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,3% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để đón đầu chính sách thuế mới của chính quyền Trump.
Vàng – tài sản không mang lại lợi suất – thường được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, đặc biệt là khi lãi suất ở mức thấp. Lần gần nhất, giá vàng đã leo lên mức kỷ lục 3.500,05 USD/ounce vào ngày 22/4.
Đồng lao dốc hơn 3%
Giá đồng sụt giảm hơn 3%, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2022 do dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – và căng thẳng thương mại kéo dài.
Trên sàn kim loại London (LME), giá đồng giao sau ba tháng giảm 3,4%, xuống mức 9.123 USD/tấn. Tính chung cả tháng 4, giá đồng đã mất khoảng 6%.
Tại thị trường Mỹ, giá đồng Comex giảm sâu 5,5%, chốt ở mức 4,61 USD/lb. Áp lực bán tháo tăng mạnh khi giới đầu tư tranh thủ chốt hợp đồng trước những kỳ vọng về việc Mỹ áp thêm thuế nhập khẩu lên mặt hàng đồng.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chịu tác động tiêu cực khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu hạ nhiệt.
Sự lo ngại càng tăng cao sau khi số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã co lại trong quý đầu năm.
Đồng USD tăng giá khiến các kim loại được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng những đồng tiền khác, qua đó tiếp tục gây áp lực lên giá đồng.
Quặng sắt nối dài chuỗi tháng giảm
Giá quặng sắt tiếp tục giảm, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp đi xuống trong bối cảnh khả năng giảm sản lượng thép tại Trung Quốc và nhu cầu nội địa chậm lại trước kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 kết phiên giảm 0,78%, xuống còn 703,5 CNY/tấn (tương đương 96,81 USD/tấn). Trong tháng 4, hợp đồng này đã giảm tổng cộng 3,96%.
Tại sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn gần nhất giảm mạnh 2,90%, xuống mức 96,95 USD/tấn, tương ứng mức giảm gần 5% trong tháng.
Các nhà phân tích trong ngành thép tại Trung Quốc cho biết khả năng cắt giảm sản lượng vẫn hiện hữu, dù chưa có thông báo chính thức nào từ chính phủ, điều này đã gây thêm sức ép lên thị trường nguyên liệu đầu vào như quặng sắt.
Các thị trường tài chính tại Trung Quốc sẽ tạm nghỉ từ ngày 1 đến 5/5 nhân dịp lễ Quốc tế Lao động, giao dịch dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 6/5.
Theo kết quả khảo sát từ các nhà máy, hoạt động sản xuất trong tháng 4 đã sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 tháng, do các biện pháp thuế quan từ chính quyền Trump đã làm gián đoạn hai tháng phục hồi trước đó.
Tại Thượng Hải, thép thanh và thép cuộn cán nóng đều giảm gần 0,4%, dây thép cuộn hạ nhẹ gần 0,2% trong khi thép không gỉ giảm 0,24%.
Giá cao su Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2017
Mặc dù kết thúc phiên trong sắc xanh, giá cao su tại Nhật Bản vẫn ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất trong vòng tám năm do những lo ngại liên quan đến nhu cầu toàn cầu xuất phát từ các chính sách thuế quan của Mỹ, đồng thời các dự báo về nguồn cung cũng tạo thêm áp lực lên thị trường.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 niêm yết tại sàn Osaka kết phiên tăng 0,69%, đạt 293,9 CNY (tương đương 2,06 USD)/kg. Tuy nhiên, xét trong cả tháng, giá hợp đồng này đã sụt giảm tới 15,79%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 năm 2017.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 9 kết thúc phiên với mức giảm 0,99%, còn 14.555 CNY (tương đương 2.003,08 USD)/tấn.
Đường tiếp tục đi xuống
Giá đường thô giao tháng 5, kết thúc hạn hợp đồng trong phiên, đóng cửa giảm 2,10% xuống còn 17,25 cent/pound, sau khi có thời điểm chạm mốc 17,20 cent – mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2022.
Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil trong nửa đầu tháng 4 đạt 731.000 tấn, tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua các ước tính từ giới phân tích.
Theo ước tính từ cơ quan nông nghiệp quốc gia Brazil – Conab – sản lượng đường tại khu vực này trong niên vụ 2025/26 có thể đạt tới 41,8 triệu tấn, tương ứng mức tăng 3,7% so với vụ trước.
Tuy nhiên, Sugar Trading Academy – một công ty chuyên về hàng hóa mềm – lại đưa ra dự báo thận trọng hơn, chỉ cho rằng sản lượng đường khu vực trung nam Brazil trong vụ 2025/26 sẽ ở mức 38,1 triệu tấn.
Giá đường trắng cùng phiên cũng hạ 0,8%, xuống còn 492,8 USD/tấn.
Giá cà phê đi lên
Cà phê arabica ghi nhận mức tăng 0,95 cent, tương đương 0,2%, đạt 4,0075 USD/pound tại thời điểm đóng cửa. Trước đó trong ngày 29/4, giá đã vọt lên mức cao nhất trong hai tháng rưỡi, đạt 4,189 USD.
Đà tăng giá được kích hoạt bởi hoạt động mua vào của các quỹ đầu tư, khi giá vượt qua ngưỡng kháng cự quanh mốc 4 USD/pound.
Cà phê robusta cũng theo xu hướng tích cực, tăng 1,3% lên 5.369 USD/tấn.
Sản lượng xuất khẩu cà phê robusta từ vùng Sumatra của Indonesia trong tháng 3 đạt 22.770,8 tấn, tăng mạnh so với mức 3.947,5 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Đậu tương chạm đáy hai tuần, ngô và lúa mì phục hồi
Giá đậu tương tại Chicago sụt giảm sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng hai tuần do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng xuất khẩu. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất toàn cầu.
Hợp đồng đậu tương CBOT giao tháng 7 đóng cửa giảm 8-1/4 cent, xuống còn 10,44-1/2 USD/giạ, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 16/4.
Lúa mì kết thúc phiên trong sắc xanh nhờ hoạt động mua vào tìm kiếm cơ hội giá thấp. Hợp đồng lúa mì đỏ vụ đông giao tháng 7 trên sàn CBOT tăng 5-1/4 cent, lên mức 5,30-3/4 USD/giạ. Trước đó, giá đã lùi về 5,23-1/4 USD.
Ngô cũng tăng nhờ nhu cầu xuất khẩu từ Mỹ giữ vững đà ổn định.
Hợp đồng ngô CBOT giao tháng 7 khép phiên với mức tăng 5-1/4 cent, lên 4,75-1/2 USD/giạ.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 30/4/2025: