Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu chạm mức đỉnh trong vòng hai tuần, trong khi bạc tiếp tục duy trì quanh ngưỡng cao nhất gần bảy tháng. Trái lại, vàng giảm sâu gần 1%, giá cao su rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một năm và đường thô chạm đáy thấp nhất trong bốn năm trở lại đây.

Giá dầu đạt đỉnh hai tuần

Dầu mỏ tăng giá 2% lên mức cao nhất trong vòng hai tuần, được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng địa chính trị kéo dài giữa Nga và Ukraine, cùng với việc Mỹ có khả năng duy trì các lệnh trừng phạt áp đặt lên hai quốc gia thành viên OPEC+ là Nga và Iran trong thời gian tới.

Khép lại phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu Brent tăng 1 USD, tương đương 1,5%, đạt mức 65,63 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI ghi nhận mức tăng 89 cent, tức 1,4%, lên 63,41 USD/thùng.

Nga – một trong những thành viên của nhóm OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh – giữ vị trí quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới vào năm 2024, chỉ sau Hoa Kỳ.

Về phía Iran – một nước thành viên khác thuộc OPEC – quốc gia này đã từ chối đề xuất thỏa thuận hạt nhân từ phía Mỹ, điều có thể mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Iran hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC, xếp sau Saudi Arabia và Iraq tính đến năm 2024.

Giá vàng giảm mạnh gần 1%

Giá vàng lao dốc gần 1% sau khi trước đó từng chạm đỉnh trong vòng gần bốn tuần, do sức ép từ việc đồng USD mạnh lên, giữa bối cảnh giới đầu tư giữ thái độ thận trọng trước cuộc điện đàm dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vàng giao ngay trên thị trường LBMA giảm 0,9% xuống còn 3.352,3 USD/ounce, sau khi vươn lên mức cao nhất kể từ ngày 8/5/2025 trong phiên giao dịch đầu ngày. Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 8/2025 trên Sàn New York cũng giảm 0,6%, đóng cửa ở mức 3.377,1 USD/ounce. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng đã tăng 28%.

Đồng USD tăng 0,5% so với mức thấp nhất trong một tháng vào đầu phiên, khiến giá vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.

Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời điểm bất ổn về chính trị và kinh tế, thường có xu hướng tăng trưởng tốt trong môi trường lãi suất thấp.

Trong khi đó, giá bạc giao tháng 7 trên sàn COMEX giảm 0,18% xuống còn 34,635 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,72% lên mức 1070,9 USD/ounce. 

Giá đồng giữ vững đà ổn định

Thị trường đồng giao dịch ổn định trong bối cảnh sự không chắc chắn xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ đã làm lu mờ ảnh hưởng của số liệu sản xuất tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – vốn thấp hơn dự kiến.

Hợp đồng đồng giao sau ba tháng trên Sàn kim loại London tăng nhẹ 0,1%, đạt mức 9.622,5 USD/tấn.

Trên Sàn Comex, giá đồng giảm 0,5% còn 4,8340 USD/pound, sau khi đã tăng lên mức 4,9495 USD/pound trong phiên trước đó – cao nhất kể từ ngày 3/4/2025 – bởi những lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu lên 50% đối với các mặt hàng thép và nhôm.

Đà tăng của giá đồng bị kìm hãm bởi thông tin hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc sụt giảm lần đầu trong tám tháng, cùng với sự gia tăng mạnh của đồng USD.

Giá quặng sắt tiếp tục đi xuống

Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá quặng sắt tiếp tục sụt giảm, chạm mức thấp nhất gần hai tháng do lo ngại nhu cầu suy yếu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch tăng gấp đôi thuế nhập khẩu thép, kết hợp với dữ liệu sản xuất kém tích cực từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2025 trên sàn Đại Liên lùi 1,14%, xuống còn 695,5 CNY/tấn (tương đương 96,69 USD). Trong phiên, giá từng giảm về 690,5 CNY – mức thấp nhất kể từ ngày 10/4/2025.

Trên sàn Singapore, giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 6/2025 giảm 0,78%, còn 95,35 USD/tấn.

Vào cuối tuần trước, ông Trump đã công bố kế hoạch nâng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm lên gấp đôi – đạt 50% – gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất thép trên toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng.

Số liệu chính thức cũng cho thấy, hoạt động công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5/2025 sụt giảm lần đầu tiên trong tám tháng, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp suy yếu.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,18%, thép cuộn cán nóng giảm 1,04%, thép không gỉ hạ 0,59%, trong khi thép cuộn giữ nguyên mức giá không đổi.

Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất trong vòng một năm

Giá cao su tại thị trường Nhật Bản trượt xuống đáy hơn một năm, do áp lực từ nhu cầu suy yếu đối với nguyên liệu sản xuất lốp xe tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ hàng đầu – trong khi nguồn cung dự kiến gia tăng khi bước vào giai đoạn cao điểm khai thác mủ.

Hợp đồng cao su giao tháng 11/2025 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 3,9 JPY, tương đương 1,34%, còn 287 JPY/kg (2,01 USD). Trong phiên, giá từng lùi xuống mức 280 JPY/kg – đây là mức thấp nhất kể từ ngày 13/2/2024.

Ngược lại, tại sàn Singapore, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6/2025 ghi nhận mức tăng 0,6%, đạt 158,5 cent/kg.

Giá cà phê đi xuống

Tại thị trường London, giá cà phê robusta giảm 41 USD, tương ứng mức giảm 0,9%, còn 4.435 USD/tấn.

Cùng thời điểm, giá cà phê arabica trên sàn ICE cũng giảm 1%, giao dịch ở mức 3,4085 USD/pound.

Giá đường thô chạm mức thấp nhất trong bốn năm qua

Đường thô trên sàn ICE đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ bốn năm trở lại đây, nguyên nhân là do kỳ vọng năng suất cây trồng tại khu vực châu Á được cải thiện, góp phần củng cố xu hướng giảm giá gần đây.

Giá giao dịch đường thô trên sàn ICE dao động nhẹ ở mức 16,9 cent/pound, sau khi có thời điểm chạm 16,66 cent/pound – mức thấp nhất trong vòng 4 năm – ở phiên giao dịch sớm.

Trong khi đó, giá đường trắng trên sàn London tăng 0,6% lên 473,7 USD/tấn.

Đậu tương và ngô tăng giá, lúa mì giảm nhẹ

Giá đậu tương trên Sở giao dịch Chicago đã bật tăng từ mức đáy bảy tuần, nhờ được hỗ trợ bởi giá dầu thô tăng mạnh, kéo theo giá dầu đậu tương đi lên.

Cụ thể, hợp đồng đậu tương giao tháng 7/2025 tăng 7-1/4 cent, tương đương 0,7%, lên mức 10,4-3/4 USD/giạ. Hợp đồng dầu đậu tương cùng kỳ hạn cũng nhích thêm 0,53 cent, tức 1,2%, lên 46,81 cent/pound. 

Giá ngô giao tháng 7/2025 tăng nhẹ 1/4 cent, đạt 4,38-1/2 USD/giạ. Ngược lại, giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 3 cent, còn 5,36 USD/giạ.

Giá dầu cọ Malaysia đi lên

Tại Malaysia, giá dầu cọ tăng trở lại, theo đà đi lên của các loại dầu thực vật trên sàn Đại Liên, cùng với động thái Ấn Độ cắt giảm thuế nhập khẩu cơ bản đối với dầu thực vật thô, tạo lực đẩy thị trường.

Giá hợp đồng dầu cọ giao tháng 8/2025 trên sàn Bursa Malaysia tăng 56 ringgit, tương đương 1,44%, lên mức 3.934 ringgit/tấn (tương đương 927,83 USD).

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 3/6/2025: