Trong phiên giao dịch ngày 29/4, giá dầu giảm khoảng 2%, chạm mức thấp nhất trong vòng hai tuần, trong khi giá vàng cũng giảm gần 1% do lo ngại về căng thẳng thương mại đã lắng dịu.
Dầu giảm gần 2%
Trong phiên giao dịch ngày 29/4, giá dầu thô giảm khoảng 2%, xuống mức thấp nhất trong vòng hai tuần, do các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần trước khả năng OPEC+ sẽ nâng sản lượng, đồng thời lo ngại rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và làm giảm tốc độ tiêu thụ nhiên liệu.
Kết phiên, giá dầu Brent giảm 1,51 USD, tương đương 2,3%, xuống còn 63,28 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 1,63 USD, tức 2,6%, xuống 60,42 USD/thùng.
Cả hai loại dầu thô này cùng rơi xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 10/4.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng chính sách thuế nhập khẩu cứng rắn của ông Trump đối với hàng hóa nước ngoài đang khiến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay tăng cao.
Trung Quốc – quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các mức thuế – đã đáp trả bằng việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ, góp phần làm leo thang cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Nhiều nhà phân tích đã điều chỉnh giảm mạnh các dự báo liên quan đến nhu cầu tiêu thụ và giá dầu.
Tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại mà chính quyền Trump khơi mào đã lan rộng tới giới doanh nghiệp, khi công ty giao hàng UPS tuyên bố cắt giảm 20.000 nhân sự để tiết kiệm chi phí, trong khi hãng sản xuất ô tô General Motors cũng rút lại các dự báo trước đó.
Một số thành viên thuộc liên minh OPEC+ được cho là sẽ đề xuất tăng tốc độ nâng sản lượng trong tháng 6 tới, đánh dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp.
Theo các số liệu chính thức và thông tin thu thập bởi Reuters, Kazakhstan – quốc gia thành viên của OPEC+ – đã nâng xuất khẩu dầu trong quý I lên 7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng tăng thêm từ đường ống Caspi.
Các chuyên gia phân tích cho biết, tuần trước, các công ty năng lượng của Mỹ có thể đã bổ sung khoảng 500.000 thùng dầu vào kho dự trữ quốc gia. Nếu được xác nhận, đây sẽ là tuần thứ năm liên tiếp dự trữ dầu tăng, so với mức tăng 7,3 triệu thùng của cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 3,2 triệu thùng trong giai đoạn 2020–2024.
Vàng giảm khi căng thẳng thương mại lắng dịu
Giá vàng đã suy yếu gần 1% do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời hạ nhiệt, khiến nhu cầu tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn sụt giảm. Thêm vào đó, các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao loạt số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố trong tuần này nhằm định hướng kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống còn 3.315,84 USD/ounce, trong khi hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 6 tại Mỹ đóng cửa giảm 0,4%, đạt 3.333,6 USD/ounce.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết một số đối tác thương mại lớn đã đề xuất các giải pháp “rất tích cực” nhằm tránh bị Mỹ áp thuế. Ông cũng nhấn mạnh rằng các động thái gần đây từ phía Trung Quốc – trong đó có việc miễn trừ thuế trả đũa với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ – là tín hiệu tích cực thể hiện thiện chí làm dịu căng thẳng giữa hai bên.
Giá đồng tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc trước kỳ nghỉ lễ
Thị trường đồng ghi nhận mức tăng giá trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh trước kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động, kết hợp với tình trạng nguồn cung eo hẹp tại một số khu vực và đồng nhân dân tệ tăng giá.
Hợp đồng đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5%, lên mức 9.423 USD/tấn, tuy nhiên vẫn chưa thể vượt qua ngưỡng kháng cự kỹ thuật 9.489 USD/tấn.
Hợp đồng tương lai đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn COMEX kết phiên tăng 0,66% lên mức 4,8725 USD/lb.
Chuyên gia chiến lược cấp cao về kim loại cơ bản của công ty môi giới Marex, ông Alastair Munro, dự báo lượng đồng tồn kho tại Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) sẽ tiếp tục sụt giảm trong báo cáo sắp được công bố vào ngày 30/4.
Tại các kho hàng thuộc sàn Comex, lượng dự trữ đồng đã tăng 40% kể từ đầu tháng đến nay. Nguyên nhân là do Washington đang xem xét áp đặt thuế nhập khẩu mới đối với đồng, khiến mức chênh lệch giá giữa sàn Comex và LME mở rộng lên mức cao bất thường là 1.443 USD/tấn.
Chênh lệch giữa giá đồng giao ngay trên sàn LME và giá hợp đồng kỳ hạn ba tháng cũng giãn ra, đạt mức 25 USD/tấn, cao hơn so với mức trừ lùi 16,5 USD một tuần trước đó.
Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế, lượng cung vượt cầu trên thị trường đồng toàn cầu năm nay được ước tính sẽ tăng lên 289.000 tấn, so với con số 138.000 tấn của năm ngoái, và có khả năng tiếp tục mở rộng trong năm tới.
Quặng sắt Đại Liên tăng nhờ nhu cầu nội địa của Trung Quốc phục hồi
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng do nhu cầu ngắn hạn tại Trung Quốc khởi sắc, mặc dù mức tăng bị kiềm chế bởi các tuyên bố trái ngược nhau từ Mỹ và Trung Quốc về tiến trình đàm phán thương mại.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên với mức tăng 0,28%, đạt 709 CNY (tương đương 97,49 USD)/tấn.
Trên sàn Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 4 kết phiên với mức giá 99,85 USD/tấn, không thay đổi so với phiên trước đó.
Theo công ty tư vấn Mysteel, giá nhập khẩu quặng sắt tại các cảng Trung Quốc đã nhích nhẹ trong ngày 28/4 do hoạt động bổ sung hàng tồn kho vẫn diễn ra trước kỳ nghỉ lễ Lao động kéo dài 5 ngày.
Lượng kim loại nóng – chỉ số thường được sử dụng để phản ánh nhu cầu quặng sắt – tăng 42.300 tấn so với tháng trước, đạt mức 2,4435 triệu tấn, cao hơn 156.300 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn chịu áp lực cắt giảm lượng tồn kho quặng sắt trong bối cảnh tình hình bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài.
Ngoài ra, kết quả khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng nhà máy tại Trung Quốc nhiều khả năng đã suy giảm trong tháng 4, khi tác động từ gói thuế của ông Trump khiến hai tháng phục hồi trước đó bị gián đoạn.
Về phía nguồn cung, tổng lượng quặng sắt xuất khẩu từ Australia và Brazil trong tuần qua tăng 13,2% so với tuần trước, đạt 27,6 triệu tấn, theo dữ liệu của Mysteel.
Tại thị trường nội địa Trung Quốc, giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 1,2%, thép cuộn cán nóng giảm 1,26%, trong khi thép không gỉ tăng 0,16% và dây thép cuộn tăng 0,4%.
Giá cà phê suy yếu
Trong phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê arabica giảm mạnh 10,25 cent, tương đương mức giảm 2,5%, chốt ở mức 3,998 USD/pound sau khi từng đạt đỉnh cao nhất trong vòng 2,5 tháng tại 4,1890 USD.
Theo giới giao dịch, việc giá phá vỡ vùng kháng cự quan trọng quanh mốc 4 USD/pound đã kích thích làn sóng mua vào theo phân tích kỹ thuật, trong khi mưa lớn tại Colombia đang làm dấy lên lo ngại về triển vọng thu hoạch cà phê niên vụ 2025/26.
Cà phê robusta cũng chịu áp lực điều chỉnh khi giá giảm 2,1%, chốt phiên ở mức 5.298 USD/tấn.
Giá đường tiếp tục xu hướng giảm
Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 5 – sẽ đáo hạn vào ngày 30/4 – giảm 1,2%, đóng cửa ở mức 17,62 cent/pound.
Tình trạng nhu cầu yếu kém trên thị trường giao ngay làm dấy lên khả năng khối lượng giao hàng lớn đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 5, có thể lên đến hai triệu tấn.
Tại Brazil, bất chấp sản lượng mía niên vụ hiện tại giảm so với cùng kỳ năm trước, ngành đường vẫn có thể ghi nhận sản lượng kỷ lục trong năm 2025/26 nhờ các yếu tố thị trường đang diễn biến thuận lợi.
Giá đường trắng ghi nhận mức giảm 1,7%, khép phiên ở mức 496,8 USD/tấn.
Đậu tương, ngô và lúa mì cùng giảm giá
Giá đậu tương và ngô trên sàn giao dịch Chicago đồng loạt giảm trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, chủ yếu do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn cùng với việc nông dân Mỹ đang tích cực mở rộng diện tích gieo trồng.
Hợp đồng đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 chốt phiên với mức giảm 9-3/4 cent, xuống còn 10,52-3/4 USD/giạ.
Ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 15 cent, đạt 4,6 USD/giạ khi kết thúc giao dịch.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai lúa mì giao tháng 7 giảm 5,4 cent xuống còn 5,25 USD/giạ.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 29/4/2025: