Trong phiên giao dịch ngày 28/4, giá dầu giảm gần 1 USD mỗi thùng do những lo ngại xoay quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi giá vàng phục hồi sau khi đã sụt giảm 1,8% trước đó. Giá đồng ghi nhận diễn biến ổn định trong phiên, còn giá quặng sắt tại sàn Đại Liên lại giảm nhẹ.
Dầu giảm do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ
Giá dầu thô ghi nhận mức giảm khoảng 1 USD mỗi thùng trong bối cảnh những lo ngại về kinh tế gia tăng, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây áp lực lên nhu cầu thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4, dầu Brent giảm 1,01 USD, tương đương mức giảm 1,53%, xuống còn 64,79 USD/thùng. Dầu WTI cũng ghi nhận mức giảm 0,97 USD, tương ứng 1,54%, còn 62,05 USD/thùng.
Diễn biến của giá dầu chủ yếu bị chi phối bởi tâm lý nhà đầu tư liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bất chấp các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran cũng như những bất đồng trong nội bộ liên minh OPEC+.
Những tín hiệu trái ngược từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới chức Bắc Kinh về khả năng hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang khiến thị trường lo ngại về nguy cơ suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Một số quốc gia thành viên OPEC+ dự kiến sẽ đề xuất với nhóm việc đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu trong tháng thứ hai liên tiếp, trong cuộc họp diễn ra vào ngày 5/5.
Ngân hàng BNP Paribas dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức khoảng 60 USD/thùng trong quý 2 năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết ông vẫn giữ thái độ hết sức thận trọng về khả năng thành công của các cuộc đàm phán hạt nhân, trong bối cảnh đàm phán giữa Iran và Mỹ tiếp tục diễn ra trong tuần này tại Oman.
Giá vàng phục hồi do lực mua bắt đáy
Giá vàng quay đầu tăng nhẹ nhờ lực mua bắt đáy, trong bối cảnh nhà đầu tư theo dõi sát sao diễn biến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với các số liệu kinh tế mới công bố.
Vàng giao ngay tăng 0,5%, đạt mức 3.335,3 USD/ounce, sau khi trước đó đã giảm 1,8% trong phiên. Vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn New York cũng tăng 1,49% lên 3.347,7 USD/ounce.
Kim loại quý này, vốn thường được coi là kênh trú ẩn an toàn trước những bất ổn chính trị và tài chính, đã lập đỉnh kỷ lục 3.500,05 USD/ounce vào tuần trước khi tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng.
Theo khảo sát của Reuters, đa số các nhà kinh tế cho rằng nguy cơ nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay là rất đáng kể.
Giá đồng ổn định, thị trường tập trung vào căng thẳng Mỹ - Trung
Giá đồng duy trì trạng thái ổn định khi thị trường chờ đợi những động thái mới từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung và những tín hiệu về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc, nền kinh tế đang chịu áp lực từ các biện pháp thuế nhập khẩu của Mỹ.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London LME chỉ biến động nhẹ, duy trì ở mức 9.378 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đồng kỳ hạn trên sàn COMEX (Mỹ) kết phiên với giá 4,8405 USD/lb, tăng nhẹ 0,01%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các cuộc thảo luận với Trung Quốc đang có tiến triển và ông đã trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình, tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận việc các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Vào ngày Chủ Nhật (27/4), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng không xác nhận rằng các cuộc đàm phán về thuế quan đang được tổ chức.
Theo các chuyên gia phân tích, những biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo của chính quyền Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng có thể giúp hạn chế đà suy giảm của giá đồng.
Đà tăng của giá đồng còn được củng cố bởi việc lượng tồn kho tại các kho hàng của sàn Thượng Hải giảm mạnh, cụ thể là giảm 32% trong tuần vừa qua, còn 116.753 tấn.
Giá quặng sắt Đại Liên giảm nhẹ
Giá quặng sắt có xu hướng giảm do lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ cắt giảm sản lượng thép, dù đà giảm bị hạn chế bởi nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép vẫn tăng trưởng.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên khép phiên với mức giảm 0,49%, còn 710,5 CNY (97,32 USD)/tấn.
Trong khi đó, tại Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4 đi ngang ở mức giá 99,85 USD/tấn.
Baoshan Iron & Steel, nhà sản xuất thép niêm yết lớn nhất Trung Quốc, cho biết việc cắt giảm sản lượng thép trên toàn quốc là khả năng có thể xảy ra trong năm nay. Cơ quan hoạch định chính sách quốc gia và Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, cơ quan được nhà nước hậu thuẫn, hiện chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này khi được Reuters liên hệ.
Theo Chủ tịch của Steelhome, một công ty tư vấn trong ngành, nếu sản lượng thép thô của Trung Quốc năm nay giảm 50 triệu tấn so với năm ngoái, cung và cầu thép sẽ quay về trạng thái cân bằng, theo báo cáo đăng trên China Metallurgy News.
Tuy nhiên, giá quặng sắt vẫn nhận được sự hỗ trợ nhờ nhu cầu ngắn hạn phục hồi, khi các nhà máy thép đẩy mạnh sản xuất.
Tại thị trường Thượng Hải, giá thép cây tăng gần 0,61%, thép cuộn cán nóng tăng 0,84%, thép không gỉ nhích 0,31%, trong khi giá dây thép cuộn giảm 0,57%.
Cao su Nhật Bản tăng giá
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do được hỗ trợ bởi các số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc, mặc dù kỳ vọng về việc nguồn cung gia tăng đã phần nào hạn chế đà đi lên.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka kết thúc phiên với mức tăng 0,9%, đạt 291,9 JPY (2,03 USD)/kg.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá cao su giao tháng 9 giảm 0,27%, còn 14.730 CNY (2.018,31 USD)/tấn.
Theo dữ liệu chính thức, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp tại Trung Quốc đã có sự phục hồi trong quý 1/2025, tuy nhiên vẫn đối mặt với nguy cơ chịu thêm áp lực do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giá đường sụt giảm
Giá đường thô khép phiên với mức giảm 0,34 cent, tương đương 1,9%, xuống còn 17,84 cent/lb. Hợp đồng giao tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 30/4. Các nhà giao dịch nhận định rằng khả năng khối lượng giao hàng lớn vào tháng 5, ước khoảng 2 triệu tấn, là rất cao, với phần lớn nguồn cung đến từ khu vực trung nam Brazil. Thông tin này càng củng cố thêm nhận định rằng nguồn cung đường toàn cầu hiện đang dư thừa.
Giá đường trắng cũng giảm 1,7%, còn 505,3 USD/tấn.
Giá cà phê tăng trở lại
Giá cà phê arabica đóng cửa tăng 10,2 cent, tương đương 2,6%, đạt 4,1005 USD/lb, sau khi đã vọt lên mức cao nhất trong 7 tuần tại 4,1130 USD trong phiên ngày 25/4.
Thị trường được củng cố bởi dự báo sản lượng cà phê tại Brazil sẽ sụt giảm trong năm nay, cùng với những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định bất chấp giá bán lẻ gia tăng.
Giá cà phê robusta gần như không thay đổi, duy trì ở mức 5.413 USD/tấn.
Giá ngô giảm, giá đậu tương đi lên
Giá ngô trên sàn Chicago đi xuống do chịu sức ép từ giá lúa mì yếu. Các chuyên gia cho biết thêm rằng tiến độ gieo trồng ngô tại Mỹ cũng góp phần tạo áp lực lên giá.
Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 3-1/4 cent, còn 4,75 USD/giạ.
Ngược lại, giá đậu tương đóng cửa tăng ở các hợp đồng kỳ hạn gần.
Giá đậu tương CBOT nhích lên 3-1/4 cent, đạt 10,62-1/2 USD/giạ.
Trong khi đó, giá lúa mì CBOT giảm mạnh 14 cent xuống còn 5,31 USD/giạ.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 28/4/2025: