Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, giá vàng lao dốc 2%, trong khi các mặt hàng như đồng, sắt thép, cao su và đậu tương cũng ghi nhận mức giảm đồng loạt. Giá khí tự nhiên tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng, ngược lại giá cà phê arabica bật tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần qua.

Giá dầu tiếp tục xu hướng tăng  

Giá dầu tiếp tục nhích lên trong phiên, tuy nhiên vẫn ghi nhận mức giảm tính theo tuần, do lo ngại nguồn cung dư thừa và sự thiếu rõ ràng trong tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc gây sức ép lên thị trường.  

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, dầu Brent tăng 23 cent đạt 65,83 USD/thùng, song tính cả tuần vẫn giảm 2,98%. Giá dầu WTI nhích thêm 40 cent lên 63,17 USD/thùng, nhưng giảm 0,91% so với cuối tuần trước.  

Trước đó, đầu tháng này, giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, khi những lo ngại xoay quanh thuế quan khiến nhu cầu toàn cầu bị đe dọa, kéo theo làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính.  

Ngoài ra, nguy cơ nền kinh tế suy yếu có thể làm giảm tiêu thụ, trong khi khả năng nguồn cung gia tăng cũng tạo áp lực. Một số quốc gia thành viên trong khối OPEC+ đã đề xuất tăng sản lượng thêm một tháng nữa vào tháng 6/2025. Bên cạnh đó, nếu xung đột tại Ukraine kết thúc, việc Nga quay lại thị trường có thể tiếp tục làm tăng nguồn cung dầu toàn cầu.  

Giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn ở mức thấp nhất 5 tháng  

Thị trường khí tự nhiên tại Mỹ tiếp tục dao động ở mức thấp nhất trong vòng gần 5 tháng, do các dự báo cho thấy thời tiết sẽ vẫn ôn hòa kéo dài đến giữa tháng 5/2025, khiến nhu cầu cho cả sưởi ấm lẫn làm mát tiếp tục ở mức thấp.  

Giá hợp đồng khí tự nhiên giao tháng 5/2025 trên sàn New York tăng nhẹ 2,5 cent, tương đương 0,85%, lên mức 2,964 USD/mmBTU, gần với đáy thiết lập từ ngày 15/11/2024. Tính cả tuần, giá mặt hàng này đã giảm 8,7%, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, với tổng mức giảm qua 4 tuần lên tới 28%.  

Giá vàng giảm mạnh 2%, bạc cũng đi xuống  

Vàng giảm sâu 2% trong phiên và khép lại tuần giao dịch với mức giảm, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và những tín hiệu tích cực về quan hệ thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu đầu tư vào tài sản trú ẩn như vàng giảm. Việc Trung Quốc miễn thuế cho một số hàng nhập khẩu từ Mỹ càng làm tăng áp lực lên kim loại quý này.  

Giá vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,7% còn 3.292,99 USD/ounce sau khi lao dốc 2% trong đầu phiên. Trong tuần, vàng đã mất 1,2% giá trị. Vàng kỳ hạn giao tháng 6/2025 tại sàn New York cũng giảm 0,93% xuống 34330,2 USD/ounce.  

Bắc Kinh đang xem xét miễn trừ một số sản phẩm nhập từ Mỹ khỏi mức thuế lên đến 125% và đã yêu cầu doanh nghiệp liệt kê những mặt hàng phù hợp. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra tuyên bố nhằm hạ nhiệt căng thẳng thuế quan giữa hai bên.  

Sự tăng giá của đồng USD – ghi nhận tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 3/2025 – cũng làm cho vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua quốc tế.  

Từng được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro trước các bất ổn chính trị và kinh tế, vàng đã đạt đỉnh kỷ lục 3.500,05 USD/ounce và tăng hơn 25% kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu nhờ căng thẳng thương mại và nhu cầu từ ngân hàng trung ương.  

Trong khi đó, bạc kỳ hạn giảm 1,6% còn 33,32 USD/ounce, tuy nhiên vẫn đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.  

Giá đồng giảm  

Giá đồng giảm do đồng USD tăng giá và tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi sự thiếu chắc chắn về nhu cầu, làm lu mờ kỳ vọng tích cực rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tìm ra hướng giải quyết cho căng thẳng thương mại hiện nay.  

Giá đồng giao dịch trên sàn London giảm nhẹ xuống 9.392 USD/tấn. Trước đó trong tuần, kim loại này đã vọt lên mức 9.481,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 3/4/2025 – và ghi nhận mức tăng theo tuần.  

Trên sàn Thượng Hải, giá đồng cũng đi xuống 0,3%, còn 77.440 CNY/tấn, tương đương 10.682,66 USD/tấn.  

Lượng đồng lưu kho tại Thượng Hải trong tuần qua giảm 32% so với tuần trước, cho thấy mức tiêu thụ vẫn ổn định.  

Giá quặng sắt và thép giảm  

Thị trường quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm giá trong phiên, giữa bối cảnh bất ổn trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn ghi nhận mức tăng nhờ nhu cầu ngắn hạn từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ hàng đầu – gia tăng.  

Giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2025 tại sàn Đại Liên giảm 1,87% xuống 709 CNY/tấn, tương đương 97,3 USD/tấn. Tuy nhiên, trong cả tuần, giá vẫn tăng 0,35%.  

Hợp đồng quặng sắt tháng 4/2025 tại sàn Singapore cũng giảm 0,1% xuống còn 99,75 USD/tấn, giảm 0,1% so với tuần trước đó.   

Công ty/giới Hexun Futures cho biết, mức tiêu thụ quặng sắt ngắn hạn tăng cao do các nhà sản xuất thép đang tích cực bổ sung kho dự trữ trước kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.  

Trên thị trường Thượng Hải, thép cây giảm gần 0,5%, thép cuộn cán nóng giảm 0,31%, thép cuộn giảm 1,17% và thép không gỉ mất 0,59%.

Giá cao su tại Nhật Bản đi xuống  

Thị trường cao su tại Nhật Bản ghi nhận xu hướng giảm trong phiên, đồng thời đánh dấu tuần sụt giảm thứ sáu liên tiếp, do kỳ vọng sản lượng tăng lên đã làm lu mờ tác động tích cực từ việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ hàng đầu – có dấu hiệu hạ nhiệt.  

Hợp đồng cao su giao tháng 10/2025 tại sàn Osaka (OSE) giảm 0,7 JPY, tương ứng 0,24%, xuống còn 289,3 JPY/kg (tương đương 2,02 USD). Tính chung cả tuần, giá mặt hàng này đã giảm 0,55%.  

Ở chiều ngược lại, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2025 tại sàn Thượng Hải tăng 120 CNY, tức 0,82%, đạt mức 14.720 CNY/tấn (tương đương 2.020,48 USD).  

Giá cao su butadiene kỳ hạn tháng 5/2025 cũng ghi nhận mức tăng 175 CNY, tương đương 1,57%, lên 11.335 CNY/tấn (tương đương 1.555,85 USD).  

Trong khi đó, giá hợp đồng cao su giao tháng 5/2025 trên sàn Singapore giảm 0,7%, còn 168,1 cent/kg.  

Giá cà phê arabica đạt đỉnh 7 tuần  

Giá cà phê arabica trên sàn ICE tiếp tục đi lên, vươn tới mức cao nhất trong vòng bảy tuần, nhờ những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ đang được cải thiện hơn so với dự đoán trước đó.  

Giá hợp đồng cà phê arabica trên sàn ICE tăng 0,55 cent, tương ứng 0,14%, lên mức 3,99 USD/pound – mức cao nhất kể từ bảy tuần trở lại đây.  

Trong khi đó, giá cà phê robusta trên thị trường London giảm 12 USD, tương ứng 0,2%, xuống còn 5.415 USD/tấn.  

Giá đường tăng  

Thị trường đường ghi nhận xu hướng tăng trong phiên, khi giá đường thô trên sàn ICE tăng thêm 0,23 cent, tương đương 1,3%, lên mức 18,16 cent/pound.  

Cùng lúc, giá đường trắng trên sàn London cũng tăng 8,9 USD/tấn, tương ứng 1,8%, đạt 513,7 USD/tấn.  

Giá đậu tương sụt giảm, trong khi ngô và lúa mì tăng nhẹ  

Trên sàn Chicago, giá đậu tương đi xuống sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đứng ngoài quan sát thị trường và Trung Quốc phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về diễn biến đàm phán thuế quan giữa hai nước.  

Cụ thể, hợp đồng đậu tương giao tháng 7/2025 giảm 3,6 cent, còn 10,59-1/4 USD/giạ, sau khi chạm đỉnh cao nhất kể từ ngày 5/2/2025 trong đầu phiên giao dịch.  

Giá lúa mì cùng kỳ hạn nhích nhẹ 1/2 cent lên mức 5,44 USD/giạ, trong khi giá ngô tăng 1/2 cent, đạt 4,77-1/2 USD/giạ.  

Giá dầu cọ Malaysia bật tăng  

Giá dầu cọ tại Malaysia quay đầu tăng, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài ba tuần liên tiếp, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các loại dầu thực vật khác đã thúc đẩy tâm lý thị trường.  

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 7/2025 trên sàn Bursa Malaysia tăng 22 ringgit, tương đương 0,55%, lên mức 4.058 ringgit/tấn (tương đương 928,6 USD). Tính chung cả tuần, giá dầu cọ đã tăng tổng cộng 2,09%.