Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/4, giá vàng và dầu ghi nhận mức giảm mạnh trở lại, trái ngược với diễn biến đi lên của đồng – đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần, cùng với sự gia tăng đồng loạt của khí tự nhiên, quặng sắt, thép, cao su và cà phê.

Giá dầu giảm 2%

Giá dầu suy yếu 2% trong bối cảnh xuất hiện thông tin cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang cân nhắc việc tăng mạnh sản lượng vào tháng 6/2025. Tuy vậy, mức giảm không quá sâu do có báo cáo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ điều chỉnh giảm thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/4, giá dầu Brent giảm 1,32 USD, tương đương với mức giảm 1,96%, còn 66,12 USD/thùng. Đồng thời, dầu WTI mất 1,4 USD tương ứng với 2,2%, xuống còn 62,27 USD/thùng.

Trong phiên, dầu Brent từng chạm ngưỡng 68,65 USD/thùng – mức cao nhất tính từ ngày 4/4/2025 – trước khi có thông tin về quyết định từ phía OPEC+.

Một số quốc gia thành viên của OPEC+ có kế hoạch đề xuất tăng sản lượng dầu lần thứ hai liên tiếp vào tháng 6/2025.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi sản lượng hàng ngày giảm và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiến gần tới ngưỡng cao kỷ lục.

Hợp đồng khí tự nhiên giao tháng 5/2025 trên sàn New York tăng 1,5 cent, tương ứng 0,5%, lên 3,022 USD/mmBTU. Trong phiên liền trước, hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/11/2024 – ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp.

Giá vàng giảm mạnh hơn 3%

Giá vàng giảm hơn 3% từ mức đỉnh lịch sử, khi tâm lý chuộng rủi ro trên thị trường phục hồi sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump không có ý định sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc có tiến triển tích cực.

Giá vàng giao ngay trên sàn LBMA hạ 3% xuống còn 3.281,6 USD/ounce, sau khi từng leo lên mức cao chưa từng có là 3.500,05 USD/ounce trong phiên trước. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng 6/2025 trên sàn New York giảm 3,7%, còn 3.294,1 USD/ounce.

Dù vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá vàng giao ngay vẫn tăng hơn 26%, chủ yếu nhờ lực mua từ các ngân hàng trung ương, mối lo về chiến tranh thương mại và dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư an toàn.

Thị trường tài chính toàn cầu được cải thiện và đồng USD phục hồi sau khi Tổng thống Trump rút lại ý định sa thải Jerome Powell, dù trước đó ông liên tục chỉ trích Chủ tịch Fed vì không điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm.

Giá đồng cao nhất 3 tuần

Giá đồng leo lên mức cao nhất trong ba tuần, khi căng thẳng thương mại toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt, sau phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng nới lỏng thuế nhập khẩu với Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.

Giá đồng giao dịch trên sàn London tăng 0,1% lên mức 9.379 USD/tấn, với thời điểm trong phiên từng chạm mức 9.481,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 3/4/2025. Tính đến nay, giá kim loại đỏ này đã tăng hơn 15% so với mức đáy 17 tháng là 8.105 USD/tấn vào đầu tháng.

Sản lượng đồng tại Trung Quốc – nhà sản xuất đồng tinh luyện lớn nhất thế giới – trong tháng 3/2025 đạt 1,25 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với sàn LME, trên sàn COMEX tại Mỹ, hợp đồng đồng giao tháng 5/2025 kết phiên ở mức giá 4,8435 USD/lb, giảm 0,71% so với phiên trước đó. 

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên cao nhất gần 3 tuần, thép tăng

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng mạnh, đạt gần mức cao nhất trong ba tuần nhờ kỳ vọng vào kết quả tích cực từ các cuộc thương lượng Mỹ - Trung và nhu cầu theo mùa đối với nguyên liệu sản xuất thép tiếp tục cải thiện.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2025 trên sàn Đại Liên tăng 2,11%, lên 727,5 CNY (tương đương 99,73 USD)/tấn. Trước đó, giá từng vọt lên 731 CNY/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 3/4/2025.

Trên sàn Singapore, hợp đồng quặng sắt tháng 4/2025 tăng 0,45% lên mức 100,25 USD/tấn.

Theo Công ty môi giới Galaxy Futures, sản lượng thép tại Trung Quốc vẫn đang trên đà tăng trưởng, cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ từ lĩnh vực xây dựng tiếp tục khởi sắc.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,46%, thép cuộn cán nóng tăng 1,41%, còn thép không gỉ và thép cuộn đều ghi nhận mức tăng 0,39%.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng

Thị trường cao su tại Nhật Bản ghi nhận mức tăng, nhờ kỳ vọng về sự hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới – qua đó làm lu mờ lo ngại về nguồn cung có thể gia tăng.

Giá hợp đồng cao su giao tháng 9/2025 trên sàn Osaka (OSE) tăng 4,6 JPY, tương ứng 1,61%, đạt 289,9 JPY (2,05 USD)/kg.

Cùng thời điểm, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2025 trên sàn Thượng Hải tăng thêm 80 CNY, tức 0,55%, lên mức 14.695 CNY (2.014,37 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su butadiene tháng 5/2025 giao dịch trên sàn Thượng Hải cũng tăng 325 CNY, tương đương 2,96%, đạt 11.295 CNY (1.548,3 USD)/tấn.

Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2025 ghi nhận mức tăng 0,5%, lên 167,8 cent/kg.

Giá cà phê tăng

Giá cà phê arabica giao dịch trên sàn ICE ghi nhận mức tăng mạnh 13 cent, tương đương 3,5%, lên 3,8575 USD/lb.

Song song đó, giá cà phê robusta trên sàn London tăng thêm 100 USD, tương ứng 1,9%, lên 5.331 USD/tấn.

Dự báo cho thấy sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2025/26 có thể sụt giảm từ 3 đến 6,4% so với mùa vụ trước, nguyên nhân đến từ điều kiện thời tiết khô hạn trong năm 2024.

Giá đường giảm

Trên sàn ICE, giá đường thô giảm nhẹ 0,05 cent, tương ứng với mức giảm 0,3%, còn 17,94 cent/lb – chỉ cao hơn mức đáy trong vòng 2,5 năm là 17,51 cent/lb được ghi nhận vào tuần trước.

Trong khi đó, trên sàn London, giá đường trắng giảm 2,5 USD, tương đương 0,5%, xuống còn 503,3 USD/tấn.

Giá đậu tương cao nhất 2 tháng, ngô và lúa mì giảm

Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tháng, được hỗ trợ bởi kỳ vọng quan hệ thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu cải thiện, trong khi giá ngô và lúa mì lại đi xuống.

Tại sàn Chicago, hợp đồng đậu tương tháng 7/2025 tăng 4-1/4 cent, lên mức 10,5-1/4 USD/giạ, sau khi có thời điểm đạt đỉnh kể từ ngày 24/2/2025 trong phiên đầu ngày. Giá ngô giao tháng 5/2025 giảm 3,6 cent, xuống 4,72 USD/giạ; trong khi giá lúa mì giao tháng 7/2025 giảm 6-3/4 cent, còn 5,43-1/2 USD/giạ.

Giá dầu cọ tại Malaysia tiếp đà tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia nối tiếp xu hướng đi lên, được thúc đẩy bởi các hoạt động mua vào nhằm tìm kiếm lợi nhuận, cùng với sự khởi sắc từ thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Hợp đồng dầu cọ tháng 7/2025 trên sàn Bursa Malaysia tăng thêm 71 ringgit, tương đương với mức tăng 1,79%, lên 4.037 ringgit (919,55 USD)/tấn, sau khi từng ghi nhận mức tăng hơn 2% trong phiên giao dịch đầu ngày.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 23/4/2025:

Biến động giá hàng hóa 23/4/2025