Chốt phiên giao dịch ngày 17/6, giá dầu tăng vượt 4% do xung đột giữa Iran và Israel vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, giá vàng nhích nhẹ, trong khi mặt hàng đường mất khoảng 3%.
Dầu tăng vượt 4%
Giá dầu ghi nhận mức tăng hơn 4% trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel tiếp tục leo thang, dù các cơ sở khai thác và vận chuyển dầu mỏ trọng yếu vẫn không chịu ảnh hưởng lớn.
Kết thúc phiên ngày 17/6, dầu Brent tăng 3,22 USD, tương đương 4,4%, đạt mức 76,45 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI cũng tăng 3,07 USD hay 4,28%, lên mức 74,84 USD/thùng.
Dù các dòng chảy dầu vẫn hoạt động ổn định, Iran đã ngừng một phần sản xuất khí tại mỏ South Pars – nơi nước này hợp tác cùng Qatar – sau vụ không kích của Israel dẫn đến hỏa hoạn tại khu vực này. Israel cũng tiến hành tấn công một cơ sở lưu trữ dầu ở Shahran, Iran.
Theo ông Phil Flynn – chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Price Futures Group, chuỗi không kích liên tiếp giữa hai quốc gia đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị đối với thị trường dầu vốn đang phải đối mặt với tình trạng cân bằng cung cầu chặt chẽ.
Sự cố va chạm giữa hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz – tuyến đường quan trọng vận chuyển dầu – cùng với tình trạng nhiễu sóng điện tử gia tăng trong cuộc xung đột, đã làm nổi bật nguy cơ gián đoạn tuyến hàng hải chiến lược này.
Iran không muốn phong tỏa tuyến đường biển này bởi điều đó sẽ gây thất thoát doanh thu cho nước này, trong khi Mỹ mong muốn giá dầu thấp hơn và kiểm soát lạm phát tốt hơn.
Dù rủi ro gián đoạn vẫn hiện hữu, các dấu hiệu về nguồn cung dồi dào vẫn xuất hiện, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng nhu cầu bị đánh giá suy giảm.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu xuống 20.000 thùng/ngày so với tháng trước, đồng thời nâng dự báo nguồn cung thêm 200.000 thùng/ngày, lên mức tăng 1,8 triệu thùng/ngày.
Vàng giao ngay tăng nhờ vai trò tài sản trú ẩn
Giá vàng tăng nhẹ khi giới đầu tư tìm đến các tài sản an toàn giữa bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế do USD mạnh lên. Trong khi đó, giá bạc tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên mức 3.390,59 USD/ounce. Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ giảm 0,3%, còn 3.406,9 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng 0,8%, khiến giá vàng niêm yết bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông mong muốn “kết thúc thực sự” cuộc khủng hoảng hạt nhân với Iran và hé lộ khả năng cử phái đoàn cấp cao tới quốc gia này trong bối cảnh giao tranh trên không giữa Israel và Iran kéo dài sang ngày thứ năm.
Một cuộc khảo sát do Hội đồng Vàng Thế giới tiến hành cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu dự báo lượng dự trữ vàng của họ sẽ tiếp tục tăng trong vòng 5 năm tới.
Giá bạc kỳ hạn tăng gần 2%, đạt 37,15 USD/ounce – mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2012.
Đồng giảm nhẹ
Giá đồng đi xuống trong bối cảnh các đợt không kích liên tiếp giữa Iran và Israel sang ngày thứ năm làm dấy lên lo ngại bất ổn tại Trung Đông, qua đó gây sức ép đến tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu đối với kim loại công nghiệp. Việc USD mạnh lên cũng góp phần củng cố tâm lý tiêu cực trên thị trường.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn kim loại London (LME) giảm 0,3%, xuống mức 9.677 USD/tấn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm còn giá dầu leo thang, khi cuộc xung đột giữa Israel và Iran khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng lan rộng thành chiến tranh khu vực. Giá dầu cao khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế bị tổn thương và áp lực lạm phát gia tăng.
Ngân hàng Citi dự báo giá đồng có thể giảm về mức 8.800 USD trong quý III nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này.
Tại Mỹ, giá đồng Comex được giao dịch ở mức 4,8090 USD/pound, giảm nhẹ 0,56%. Hiện tại, giá đồng COMEX đang cao hơn gần 900 USD/tấn so với giá đồng LME.
Lo ngại về tình trạng thiếu hụt đồng trên sàn LME khi lượng hàng tồn kho sụt giảm và số lượng lớn lệnh mua đối với hợp đồng gần đã đẩy giá các hợp đồng giao ngay tăng mạnh.
Quặng sắt giảm giá
Giá quặng sắt ít biến động do các nhà đầu tư cân nhắc giữa số liệu kinh tế vĩ mô trái chiều và nhu cầu tiêu thụ thép mạnh mẽ từ Trung Quốc – quốc gia sử dụng lớn nhất thế giới.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), Trung Quốc giữ nguyên tại mức 699 CNY/tấn vào cuối phiên.
Tại Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm 1,01%, còn 92,9 USD/tấn.
Theo các chuyên gia phân tích từ ANZ, giá quặng sắt giảm sau khi các số liệu cho thấy sản lượng thép của Trung Quốc giảm trong tháng 5. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng thép thô của nước này trong tháng 5 giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, còn 86,55 triệu tấn.
Trong một diễn biến khác, dữ liệu chính thức cho thấy giá nhà mới tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 5, nối dài chuỗi suy thoái kéo dài hai năm, bất chấp các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ nhằm vực dậy thị trường bất động sản.
Theo công ty môi giới Galaxy Futures, mặc dù sản lượng từ các lò cao đang ở mức cao, lợi nhuận tích cực khiến các nhà máy thép không có động lực cắt giảm sản lượng.
Dựa trên dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel, tính đến ngày 12/6, khoảng 60% các nhà máy thép sử dụng lò cao tại Trung Quốc báo cáo có lãi. Bên cạnh đó, Mysteel cũng ghi nhận khối lượng quặng sắt vận chuyển vào cảng đã giảm 8,62% so với tuần trước, còn 23,85 triệu tấn tính đến ngày 13/6.
Tại Thượng Hải, giá thép thanh tăng 0,17%, thép cuộn cán nóng nhích 0,13%, trong khi dây thép cuộn và thép không gỉ đều giảm gần 0,5%.
Cao su Nhật Bản tăng do thời tiết bất lợi tại Thái Lan
Giá cao su tại Nhật Bản đi lên khi những lo ngại về điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch ở các vùng sản xuất chủ chốt, làm lu mờ sức mua nguyên liệu từ ngành sản xuất lốp xe ở Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lớn nhất.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn Osaka kết phiên tăng 1,05%, lên mức 297 JPY/kg.
Tại thị trường Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 nhích 0,29%, đạt 13.870 CNY/tấn.
Lượng mưa gia tăng tại các khu vực sản xuất đã ảnh hưởng đến khối lượng nguyên liệu thô trong giai đoạn đầu mùa khai thác. Cơ quan khí tượng Thái Lan – nước dẫn đầu về sản lượng cao su – đã đưa ra cảnh báo về các trận mưa lớn cùng khả năng xảy ra lũ quét trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 23/6.
Đường thô giảm gần 3%
Giá đường thô chốt phiên giảm 0,44 cent, tương đương 2,7%, xuống mức 16,08 cent/pound, sau khi trong ngày 16/6 đã chạm đáy 4 năm tại ngưỡng 15,93 cent.
Theo các nhà giao dịch, làn sóng bán ròng mạnh tay từ giới đầu cơ đang diễn ra, và việc giá năng lượng tăng do cuộc xung đột giữa Israel và Iran cũng không đủ sức hỗ trợ thị trường đường. Trên lý thuyết, chi phí năng lượng cao hơn sẽ khiến các nhà máy chế biến mía tại Brazil chuyển đổi sang sản xuất ethanol – nhiên liệu sinh học làm từ mía – nhiều hơn thay vì đường.
Hãng môi giới Hedgepoint Global Markets nhận định thị trường đường đang trong xu hướng yếu đi do dự báo về hai niên vụ dư thừa liên tiếp ở Ấn Độ, xuất khẩu mạnh từ Thái Lan, trong khi Trung Quốc nhập khẩu một cách dè dặt và các đơn hàng từ Indonesia cùng Bangladesh có dấu hiệu chững lại.
Giá đường trắng giảm 3%, còn 465,3 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê robusta kết phiên giảm 42 USD, tương đương 0,96%, còn 4.319 USD/tấn, sau khi đã xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng tại 4.133 USD/tấn vào tuần trước.
Lượng cung Robusta được cải thiện do vụ thu hoạch tại Brazil – nơi dự kiến có sản lượng cao – đang diễn ra thuận lợi, với điều kiện thời tiết ôn hòa tại những khu vực trọng điểm.
Tại Việt Nam – quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê Robusta – vụ mùa hiện tại gần như đã được tiêu thụ hết, và tình hình vụ mùa mới cho đến nay vẫn khá khả quan.
Giá cà phê arabica hạ 2,3%, còn 3,3245 USD/pound.
Đậu tương và lúa mì tăng giá
Thị trường đậu tương trên sàn Chicago đi lên khi giá dầu thô tăng và những bất định về thời tiết tại khu vực Midwest trong tuần tới tạo thêm động lực hỗ trợ.
Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn CBOT đóng cửa tăng 4-1/4 cent, lên mức 10,74 USD/giạ, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 11 – đại diện cho vụ mùa mới – tăng 7-1/4 cent, đạt 10,67-3/4 USD/giạ.
Giá lúa mì đạt mức cao nhất trong vòng một tuần nhờ tiến độ thu hoạch lúa mì mùa đông tại Mỹ chậm lại, tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ mua để đóng vị thế bán khống trước đó.
Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 7 trên sàn CBOT chốt phiên tăng 12-1/2 cent, lên 5,49 USD/giạ.
Trái ngược, hợp đồng tương lai ngô cùng kỳ hạn giảm 3-1/4 cent xuống còn 4,31 USD/giạ.
Biến động giá hàng hóa kết phiên ngày 17/6/2025: