Chốt phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu và vàng đồng loạt sụt hơn 1%, trong khi giá đồng và quặng sắt đi lên nhờ tác động từ các số liệu kinh tế Trung Quốc.

Giá dầu giảm do thông tin Iran muốn ngừng chiến sự với Israel

Giá dầu giảm 1 USD/thùng trong phiên đầy biến động sau khi xuất hiện các nguồn tin cho rằng Iran đang muốn chấm dứt cuộc xung đột với Israel, làm tăng khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và giảm bớt lo ngại về sự gián đoạn trong nguồn cung dầu thô từ khu vực Trung Đông.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, dầu Brent hạ 1 USD, tương đương giảm 1,35%, xuống còn 73,23 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI mất 1,21 USD/thùng, tức giảm 1,66%, còn 71,77 USD/thùng.

Theo tiết lộ từ hai quan chức Iran và ba nguồn tin trong khu vực, Iran đã nhờ Qatar, Saudi Arabia và Oman vận động Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép với Israel nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, để đổi lại sự linh hoạt của Tehran trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân. Trước đó, tờ Wall Street Journal cũng từng đưa tin về việc Iran đang tìm cách đạt thỏa thuận ngừng chiến.

Cuối tuần trước, giá dầu đã bật tăng hơn 7% khi Israel bắt đầu tiến hành không kích Iran, cho rằng Tehran đang đến gần việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cả hai quốc gia đã thực hiện các đợt không kích nhằm vào nhiều mục tiêu, bao gồm cả các cơ sở năng lượng, tuy nhiên những điểm xuất khẩu dầu trọng yếu vẫn chưa bị tổn hại.

Hiện Israel vẫn chưa tấn công đảo Kharg – trung tâm xuất khẩu dầu chính của Iran, và nếu khu vực này bị nhắm đến, giá dầu có thể vượt mốc 90 USD/thùng.

Theo thông báo từ lực lượng hải quân, trong những ngày qua, tình trạng gây nhiễu hệ thống định vị trên các tàu thương mại tại khu vực eo biển Hormuz và vùng Vịnh đã trở nên phổ biến hơn, ảnh hưởng tới việc di chuyển của tàu thuyền trong khu vực.

Khoảng 1/5 tổng lượng dầu tiêu thụ toàn cầu – tương đương từ 18 đến 19 triệu thùng dầu, sản phẩm ngưng tụ và nhiên liệu mỗi ngày – được vận chuyển qua eo biển chiến lược này.

Iran, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hiện sản xuất khoảng 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu cùng sản phẩm nhiên liệu hàng ngày.

Theo nhận định từ các chuyên gia phân tích và theo dõi OPEC, lượng công suất dự phòng mà các quốc gia trong nhóm OPEC+ có thể khai thác thêm đủ để bù đắp cho bất kỳ sự gián đoạn nào tương đương với sản lượng của Iran.

Vàng lao dốc hơn 1%

Giá vàng giảm hơn 1% khi nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sau khi giá kim loại quý này tăng lên mức đỉnh 8 tuần, trong bối cảnh giới giao dịch đang tập trung theo dõi tình hình căng thẳng giữa Iran – Israel và chờ đợi cuộc họp chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vàng giao ngay lùi 1,2%, xuống còn 3.392,86 USD/ounce, sau khi vươn lên mức cao nhất kể từ ngày 22/4 trong phiên. Trước đó, giá vàng đã tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước. Vàng kỳ hạn tháng 8 tại Mỹ giảm 1%, chốt ở mức 3.417,3 USD/ounce.

Iran đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump ép Israel phải dừng bắn như một biện pháp duy nhất để chấm dứt cuộc không kích kéo dài suốt bốn ngày. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định quốc gia của ông đang “trên con đường giành chiến thắng”.

Giá đồng tăng nhờ kỳ vọng về nhu cầu từ Trung Quốc

Giá đồng tăng sau khi số liệu cho thấy mức chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc cải thiện, làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu sử dụng kim loại tại quốc gia này sẽ tăng mạnh.

Hợp đồng đồng giao sau ba tháng trên sàn London tăng 0,7%, đạt mức 9.708 USD/tấn – đánh dấu mức tăng 20% so với thời điểm chạm đáy hồi tháng 4, vốn là mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Dù sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 6 tháng vào tháng 5, các nhà đầu tư vẫn chú ý tới số liệu bán lẻ khả quan vượt kỳ vọng.

Tại sàn Thượng Hải, giá hợp đồng đồng cũng tăng 0,5%, lên mức 78.700 CNY/tấn.

Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế đối với mặt hàng đồng – giống như chính sách áp dụng cho thép và nhôm trước đó – đã khiến giá đồng tại thị trường Mỹ tăng mạnh và thu hút lượng đồng từ các khu vực khác chảy về Mỹ nhằm tận dụng mức giá hấp dẫn.

Đồng Comex tại Mỹ tăng 0,4%, đạt 4,836 USD/lb, khiến mức chênh lệch giữa đồng Comex và đồng LME giảm xuống còn 949 USD/tấn từ mức 969 USD trước đó.

Tồn kho đồng tại sàn LME tiếp tục giảm thêm 7.300 tấn, còn lại 107.325 tấn – đây là mức thấp nhất trong hơn một năm, tương đương với mức giảm hơn 60% trong vòng bốn tháng gần đây.

Ngoài ra, việc đồng USD giảm cũng hỗ trợ thị trường kim loại cơ bản khi khiến giá hàng hóa định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sử dụng ngoại tệ khác.

Tuy vậy, diễn biến leo thang giữa Iran và Israel đã phần nào kìm hãm tâm lý lạc quan trên thị trường.

Giá quặng sắt tăng nhờ nhu cầu từ ngành thép Trung Quốc

Giá quặng sắt có xu hướng đi lên do nhu cầu từ các nhà máy sản xuất thép, dù lo ngại về chính sách thuế quan từ Mỹ đã hạn chế phần nào đà tăng.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên (DCE), Trung Quốc, kết phiên tăng 0,21% lên 704,5 CNY/tấn (tương đương 98,11 USD).

Tại sàn Singapore, giá hợp đồng giao tháng 7 giữ nguyên ở mức 93,85 USD/tấn.

Theo số liệu từ hãng tư vấn Mysteel, tính đến ngày 12/6, khoảng 60% lò cao sản xuất thép ở Trung Quốc báo lãi. Sản lượng thép trung bình mỗi ngày – chỉ báo chính để đo nhu cầu quặng – vẫn duy trì ở mức cao khoảng 2,42 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 13/6.

Tuy nhiên, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, gây bất ngờ cho các chuyên gia phân tích và buộc ngành sản xuất phải điều chỉnh giảm sản lượng trong năm, phù hợp với mục tiêu kiểm soát công suất của chính phủ.

Cùng lúc, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng sản xuất chậm nhất trong 6 tháng, dù doanh số bán lẻ vẫn tăng.

Về thương mại, một loạt mặt hàng điện tử gia dụng nhập khẩu – như máy rửa bát, máy giặt, tủ lạnh,… – sẽ phải chịu mức thuế thép 50% từ ngày 23/6 theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Thượng Hải, thép cây tăng 0,98%, thép cuộn cán nóng nhích 1,07%, dây thép cuộn tăng 0,15%, trong khi thép không gỉ giảm nhẹ 0,08%.

Giá cao su tăng do lo ngại gián đoạn nguồn cung

Thị trường cao su Nhật Bản biến động trong biên độ hẹp khi giới đầu tư cân nhắc giữa nhu cầu yếu từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ hàng đầu – và tình trạng mưa lớn tại các vùng sản xuất chính, làm dấy lên nỗi lo về sự thiếu hụt nguồn cung.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka chốt phiên với mức tăng 1,7 JPY, tương đương 0,58%, đạt 293,9 JPY (2,04 USD)/kg.

Tại sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9 tăng thêm 95 CNY, tức 0,69%, lên mức 13.910 CNY mỗi tấn.

Lượng mưa tại những khu vực sản xuất trọng điểm như Hải Nam và Vân Nam đã làm gián đoạn tiến độ thu hoạch mủ cao su.

Trong khi đó, nhu cầu từ các doanh nghiệp đang suy giảm do rơi vào thời điểm thấp điểm trong năm, dẫn đến việc thu mua nguyên liệu thô cũng sụt giảm theo.

Giá đường thô phục hồi sau khi chạm đáy 4 năm

Giá đường thô tăng 0,39 US cent, tương đương 2,4%, lên 16,52 US cent/pound, sau khi trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm tại 15,93 US cent.

Mùa mưa tại Ấn Độ đã bắt đầu hoạt động trở lại sau hơn hai tuần gián đoạn và dự kiến sẽ mở rộng sang các khu vực trung tâm của đất nước trong tuần này, giúp xoa dịu đợt nắng nóng kéo dài ở các vùng đồng bằng trồng ngũ cốc phía bắc.

Các nhà môi giới cho biết sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil trong nửa cuối tháng 5 đạt 2,95 triệu tấn, cao hơn so với dự đoán và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Một cuộc khảo sát do S&P Global Commodity Insights thực hiện cho thấy sản lượng đường trong cùng giai đoạn tăng 4,7%, đạt 2,84 triệu tấn.

Giá đường trắng tăng 3,1%, lên mức 479,8 USD mỗi tấn.

Giá cà phê giảm

Cà phê robusta ghi nhận mức giảm 77 USD, tương đương 1,7%, chốt ở mức 4.361 USD/tấn. Trong tuần trước, giá mặt hàng này đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng, ở mức 4.250 USD/tấn.

Theo các nhà giao dịch, nguồn cung được cải thiện nhờ vào vụ thu hoạch robusta tại Brazil, nơi được dự báo sẽ có một vụ mùa đạt sản lượng cao.

Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết tiến độ thu hoạch cà phê cho niên vụ 2025/26 tại Brazil đã tăng lên mức 35% trong tuần qua, dù vẫn thấp hơn mức cùng thời điểm năm 2024, trong khi tỷ lệ tiêu thụ so với sản lượng vẫn tương đương năm trước ở mức 22%.

Cà phê arabica giảm 1,7%, chốt ở mức 3,4025 USD/pound.

Giá đậu tương giữ ổn định, trong khi lúa mì đi xuống

Trên sàn Chicago, giá đậu tương dao động từ ổn định đến tăng nhẹ khi dầu đậu tương tăng trần phiên thứ hai liên tiếp. Đà tăng được thúc đẩy bởi các đề xuất pha trộn nhiên liệu sinh học tại Mỹ được công bố trong tuần trước, dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu dầu đậu tương. Trong khi đó, giá lúa mì giảm do áp lực từ tiến độ thu hoạch lúa mì mùa đông tại Mỹ và thiếu các yếu tố hỗ trợ thị trường.

Hợp đồng đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa đi ngang tại 10,69-3/4 USD/bushel, sau khi trước đó đã đạt mức cao nhất trong một tháng là 10,79-1/4 USD. 

Trong khi đó, hợp đồng lúa mì tháng 7 trên sàn CBOT hạ 7-1/4 US cent, còn 5,36-1/2 USD/bushel. Hợp đồng tương lai ngô cùng kỳ hạn cũng giảm giá, kết phiên ở mức 434,6 cent/giạ, giảm 2,19%. 

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kế phiên ngày 16/6/2025: 

Biến động giá hàng hóa 16/6/2025