Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5/2025, giá dầu hạ hơn 2% do kỳ vọng vào thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran và mức tồn kho tại Mỹ gia tăng. Giá vàng tăng vượt 1% nhờ đồng USD suy yếu cùng với các số liệu kinh tế kém khả quan từ Mỹ trong khi giá cà phê giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng.
Cà phê robusta chạm đáy một tháng
Hợp đồng cà phê robusta giao dịch kỳ hạn giảm 0,8% xuống còn 4.971 USD/tấn, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng là 4.886 USD/tấn. Thị trường chịu sức ép từ nguồn cung lớn khi vụ thu hoạch mới tại Indonesia và Brazil bắt đầu. Lượng tồn kho trên sàn giao dịch đã tăng lên 47.550 tấn tính đến ngày 14/5, so với 42.250 tấn cuối tháng 4 và 41.130 tấn cùng kỳ năm trước.
Một thương nhân Việt Nam cho rằng việc tồn kho robusta theo dõi bởi ICE phục hồi đã gây áp lực lên giá. Nông dân Brazil – nơi bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 4 – đang bán ra với mức giá chiết khấu đáng kể so với robusta Việt Nam. Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn lại tăng 2,8% lên 3,75 USD/pound.
Tại Việt Nam, giá cà phê nội địa giảm nhẹ, robusta loại 5% đen và vỡ hạt loại 2 được chào bán với mức chiết khấu 80-100 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn LIFFE. Giá cà phê tại Tây Nguyên giao động từ 125.700 đến 126.200 đồng/kg (khoảng 4,85-4,87 USD/kg), giảm so với mức 128.000-129.000 đồng/kg của tuần trước.
Ở Indonesia, giá cà phê robusta Sumatra ghi nhận mức chiết khấu giảm còn 20-70 USD so với hợp đồng kỳ hạn, thấp hơn mức 70-150 USD của tuần trước do nguồn cung từ vụ thu hoạch mới bắt đầu với sản lượng khoảng 1.500 tấn/ngày, dự kiến tăng 5% so với năm trước.
Giá đậu tương sụt giảm mạnh, ngô và lúa mì nhích nhẹ
Hợp đồng tương lai đậu tương tại sàn Chicago giảm sâu sau khi giá dầu đậu tương rơi xuống mức sàn trong ngày, chỉ còn 49,32 cent/pound do lo ngại xoay quanh mục tiêu nhiên liệu sinh học của Mỹ.
Đậu tương giảm còn 10,46-3/4 USD/giạ, sau khi leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7 vào phiên trước nhờ kỳ vọng về tiến triển trong thương mại Mỹ - Trung và các ưu đãi thuế cho nhiên liệu diesel sinh học.
Giá đậu tương trên CBOT chốt phiên giảm 26,5 cent, còn 10,51-1/4 USD/giạ.
Sự kỳ vọng về lệnh ngừng chiến tạm thời trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bị suy yếu khi giới phân tích chờ đợi thêm thông tin chi tiết từ vòng đàm phán.
Giá ngô giao dịch trên CBOT nhích nhẹ 3 cent lên mức 4,48-1/2 USD/giạ, tuy nhiên các hợp đồng kỳ hạn xa lại giảm do điều kiện gieo trồng và sinh trưởng thuận lợi tại các khu vực sản xuất ngô trọng điểm ở Mỹ.
Lúa mì CBOT tăng 8 cent lên 5,32-3/4 USD/giạ khi mức giá thấp thúc đẩy lực mua vào. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu lúa mì trong tuần kết thúc ngày 8/5 đạt 804.800 tấn, vượt kỳ vọng của thị trường. Cuộc khảo sát mùa vụ tại Kansas tuần này cũng chỉ ra năng suất lúa mì cao hơn mức trung bình ở bang trồng nhiều nhất tại Mỹ.
Giá cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp
Thị trường cao su tại Nhật Bản điều chỉnh giảm 0,91%, xuống còn 316,7 yên/kg, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài 10 phiên liên tục do lo ngại xoay quanh quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 9/2025 giảm 0,23% xuống 15.120 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.094,91 USD/tấn). Giá cao su butadiene giao tháng 6/2025 giảm 0,28% còn 12.265 nhân dân tệ/tấn (1.699,34 USD/tấn). Hợp đồng cao su giao tháng 6/2025 trên sàn Singapore cũng mất 0,8%, giao dịch ở mức 175,8 cent/kg.
Giá đường thô đi xuống
Giá đường thô giảm 2,2% xuống còn 17,67 cent/pound. Dù thu hoạch mía tại khu vực Trung-Nam của Brazil khởi động chậm chạp, tiến độ dự kiến sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Các điều kiện trồng mía cho niên vụ 2025/26 tại Brazil tương đối thuận lợi, hỗ trợ kỳ vọng về mức thặng dư toàn cầu khoảng 1,53 triệu tấn trong mùa này, theo công ty tư vấn Datagro.
Một số nhà máy tại Brazil đang theo dõi chênh lệch giá giữa đường và ethanol, và có thể điều chỉnh tỷ lệ sản xuất sang ethanol nếu giá đường tiếp tục xu hướng giảm. Giá đường trắng cũng hạ 2,2% còn 493 USD/tấn.
Giá dầu giảm hơn 2%
Giá dầu toàn cầu sụt giảm mạnh do kỳ vọng Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân, điều này có thể dẫn tới việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt và bổ sung khoảng 800.000 thùng dầu/ngày vào thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 2,36% xuống còn 64,53 USD/thùng, trong khi dầu WTI hạ 2,42% xuống mức 61,62 USD/thùng. Ngoài ra, tồn kho dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng thêm 3,5 triệu thùng trong tuần vừa rồi, tạo thêm áp lực giảm giá.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng mức dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2025 lên thêm 740.000 thùng/ngày, tuy nhiên cho rằng tốc độ tăng sẽ chậm lại vào nửa cuối năm do kinh tế toàn cầu yếu đi và lượng xe điện tiêu thụ gia tăng. Cùng lúc, xuất khẩu dầu từ khu vực Biển Đen được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 1,6–1,7 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Giá vàng tăng hơn 1% nhờ đồng USD yếu
Giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên mức 3.218,89 USD/ounce, sau khi rơi xuống đáy hơn một tháng vào đầu phiên. Hợp đồng tương lai vàng Mỹ đóng cửa tăng 1,2%, lên 3.226,6 USD/ounce. Đồng đô la Mỹ giảm 0,1%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các chỉ số kinh tế Mỹ cho thấy giá sản xuất tháng 4 bất ngờ giảm, doanh số bán lẻ tăng chậm lại và chỉ số giá tiêu dùng tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4. Những diễn biến này làm gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất vào tháng 9. Mức lãi suất thấp hơn thường khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, do đây là tài sản không sinh lời.
Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận ngừng áp thuế trong vòng 90 ngày, các nhà đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng do lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, bạc tương lai tăng 0,7% lên 32,68 USD/ounce và bạch kim tăng 1,5% lên 995,4 USD/ounce.
Giá quặng sắt duy trì quanh mức đỉnh 5 tuần
Hợp đồng quặng sắt tương lai trên sàn Đại Liên (DCE) kết phiên tăng 1,17%, đạt 736,5 nhân dân tệ (102,13 USD)/tấn, gần mức đỉnh kể từ ngày 7/4 khi chạm mốc 738,5 NDT. Trong khi đó, hợp đồng giao tháng 5 trên sàn Singapore giảm nhẹ 0,54% còn 101,05 USD/tấn.
Theo ngân hàng đầu tư CICC, sản lượng thép cán nóng – chỉ số đo lường nhu cầu quặng sắt – được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao nhờ hoạt động xuất khẩu hàng hóa chế tạo mạnh mẽ trong thời gian đình chỉ thuế quan kéo dài 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà tăng của quặng sắt bị hạn chế do số liệu tín dụng tại Trung Quốc gây thất vọng. Khối lượng vay mới trong tháng 4 giảm mạnh hơn kỳ vọng, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài, trong khi tháng 4 thường là thời điểm trầm lắng về tín dụng.
Giá đồng giảm khi kỳ vọng về thỏa thuận thuế Mỹ-Trung mờ nhạt dần
Giá đồng tại sàn London lùi 0,2% về mức 9.587,50 USD/tấn, sau khi tâm lý tích cực về việc tạm ngừng áp thuế 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu phai nhạt, cùng với lo ngại quay lại về triển vọng nhu cầu trong dài hạn. Trước đó, giá đồng đã tăng liên tục 5 phiên và chạm đỉnh 9.664 USD vào ngày 14/5, mức cao nhất kể từ ngày 2/4.
Chuyên gia từ Citi dự báo rằng giá đồng trung bình sẽ giảm từ mức 9.300 USD/tấn trong quý II xuống còn 8.800 USD/tấn trong quý III, do động lực thương mại và sản xuất trong giai đoạn tạm dừng thuế quan sẽ dần yếu đi. Mặc dù có các thỏa thuận giữa hai quốc gia, mức thuế vẫn cao hơn so với trước tháng 4, làm giảm triển vọng tiêu thụ và tăng trưởng kim loại.
Ngoài ảnh hưởng toàn cầu, giá đồng còn được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tại Mỹ, khi khả năng áp thuế nhập khẩu mới khiến giá hợp đồng tương lai trên sàn COMEX cao hơn so với sàn LME. Citi cảnh báo rằng nếu các mức thuế mới được triển khai, lượng tồn kho đồng trong nước tại Mỹ sẽ sụt giảm mạnh, kéo theo sự suy giảm tạm thời của nhu cầu nhập khẩu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, hợp đồng kỳ hạn của kim loại đồng trên sàn COMEX đang ở mức 4,6835 USD/lb, tăng 0,71%.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 15/5/2025: