Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5/2025, giá dầu quay đầu giảm sau khi số liệu cho thấy tồn kho tại Mỹ tăng mạnh hơn so với dự đoán, làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng do tâm lý lạc quan về triển vọng thương mại được cải thiện.
Giá dầu sụt giảm do tồn kho tại Mỹ vượt kỳ vọng
Giá dầu giảm trong bối cảnh báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố lượng dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng mạnh mẽ trong tuần trước, vượt xa dự đoán của thị trường và làm dấy lên mối lo về nguy cơ dư cung. Dầu Brent hạ 0,54 USD, tương đương mức giảm 0,81%, xuống còn 66,09 USD/thùng; trong khi đó, dầu WTI giảm 0,52 USD, tức giảm 0,82%, chốt ở mức 63,15 USD/thùng.
Theo số liệu do EIA công bố, dự trữ dầu thô tại Mỹ đã tăng thêm 3,5 triệu thùng, lên tổng cộng 441,8 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng giảm 1,1 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích. Trước đó, Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng ghi nhận mức tăng dự trữ lên tới 4,3 triệu thùng. Trong cùng kỳ, lượng dầu thô nhập khẩu ròng hàng ngày của Mỹ tăng thêm 422.000 thùng.
Cùng thời điểm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ triển vọng tăng trưởng nguồn cung từ các quốc gia không thuộc OPEC+ trong năm 2025, dù liên minh này vẫn tiếp tục nâng sản lượng. Diễn biến này càng làm gia tăng quan ngại rằng thị trường có thể đối mặt với tình trạng cung vượt cầu trong thời gian tới.
Đồng thời, sự phục hồi của đồng USD trong phiên cũng tạo thêm áp lực lên giá dầu, bởi đồng bạc xanh mạnh lên khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác.
Giá vàng chạm mức thấp nhất trong hơn một tháng do kỳ vọng thương mại cải thiện
Giá vàng sụt giảm mạnh hơn 2%, rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/4 trong bối cảnh tâm lý lạc quan về quan hệ thương mại Mỹ - Trung gia tăng, thúc đẩy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư và khiến họ rút vốn khỏi các kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Vàng giao ngay giảm 2%, còn 3.181,62 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm đáy trong phiên tại 3.174,62 USD. Hợp đồng vàng kỳ hạn của Mỹ khép phiên với mức giảm 1,8%, xuống còn 3.188,3 USD/ounce.
Theo nhận định của giới phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận về việc cắt giảm đáng kể thuế quan, đồng thời tạm hoãn các biện pháp leo thang trong vòng 90 ngày, đã gây ra một đợt điều chỉnh mang tính kỹ thuật trên thị trường vàng. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang chuẩn bị xúc tiến các thỏa thuận thương mại tiềm năng với ba quốc gia là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đó, vàng từng chạm đỉnh lịch sử ở mức 3.500,05 USD/ounce hồi tháng trước, và tính từ đầu năm đến nay vẫn ghi nhận mức tăng 21,3%. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, xu hướng điều chỉnh có thể tiếp diễn với các vùng hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo được xác định ở các mốc 3.136, 3.073 và 3.000 USD/ounce, theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích kỹ thuật.
Thị trường hiện đang theo dõi sát sao báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ dự kiến công bố vào thứ Năm, trong bối cảnh dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới công bố thấp hơn dự kiến đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các mặt hàng kim loại quý khác cũng đồng loạt giảm theo xu hướng chung: giá bạc giảm 2%% xuống 32,445 USD/ounce và bạch kim giảm 1,1% về 981,2 USD/ounce.
Giá quặng sắt đạt đỉnh hơn 5 tuần nhờ kỳ vọng tích cực từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung
Giá quặng sắt kỳ hạn tăng mạnh, lên mức cao nhất trong hơn 5 tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giảm thuế, tạo động lực cho kỳ vọng về giải pháp lâu dài cho xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên sàn giao dịch Đại Liên (DCE), hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2025 tăng 1,81%, đạt 732,5 nhân dân tệ (tương đương 101,51 USD)/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức đỉnh kể từ ngày 7/4 là 736,5 nhân dân tệ. Trong khi đó, hợp đồng giao tháng 5/2025 trên sàn Singapore cũng tăng 1,5% lên 101,6 USD/tấn, mức cao nhất tính từ ngày 4/4 đến nay.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ xuống còn 10%, bắt đầu áp dụng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 15/5. Phía Mỹ cũng đồng thời hạ thuế suất còn tối thiểu 30% đối với các lô hàng giá trị thấp từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông sẵn sàng gặp gỡ trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thống nhất các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận.
Bên cạnh yếu tố chính sách, nguồn cung cũng đang chịu tác động khi công ty khai thác quặng Shougang Hierro Peru – nhà cung cấp lớn cho Trung Quốc – buộc phải ngừng hoạt động sau sự cố sập một phần cơ sở hạ tầng tại cảng. Thời gian sửa chữa dự kiến kéo dài từ 4 đến 5 tháng, khiến công ty mẹ tại Trung Quốc buộc phải tăng cường thu mua quặng trên thị trường giao ngay nhằm đảm bảo sản xuất, theo nhận định từ các chuyên gia trong ngành.
Giá đậu tương đạt đỉnh gần 10 tháng, ngô và lúa mì cũng ghi nhận đà tăng
Tại Sàn Giao dịch Chicago (CBOT), hợp đồng tương lai đậu tương đã tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua, nhờ sự hỗ trợ từ thỏa thuận ngừng chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng với đề xuất kéo dài chính sách tín dụng thuế đối với nhiên liệu sinh học tại Mỹ – những yếu tố góp phần củng cố kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ.
Đây là phiên tăng giá thứ năm liên tiếp của đậu tương, phản ánh tác động tích cực từ quyết định tạm hoãn áp thuế cao trong thời gian 90 ngày giữa Washington và Bắc Kinh. Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao khả năng Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất toàn cầu – có thể nối lại các đơn hàng nông sản từ Mỹ như một phần trong tiến trình đàm phán. Dù vậy, vẫn tồn tại sự dè dặt về triển vọng thị trường sau khi thời gian hoãn áp thuế kết thúc, đặc biệt khi thời điểm đó trùng với mùa thu hoạch đậu tương và ngô tại Mỹ.
Kết phiên, hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất trên CBOT tăng thêm 5,25 cent, đạt mức 10,77-3/4 USD/giạ, sau khi có lúc leo lên 10,82 USD – mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Trước đó trong tuần, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) gây bất ngờ khi đưa ra dự báo lượng tồn kho đậu tương tính đến ngày 1/9/2026 sẽ thấp hơn so với dự kiến. Đồng thời, một đề xuất tại Hạ viện Mỹ về việc kéo dài tín dụng thuế nhiên liệu sạch 45Z đến hết năm 2031 cũng tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường, vì có thể thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu đậu tương trong lĩnh vực sản xuất diesel tái tạo.
Trong diễn biến liên quan, giá lúa mì giao dịch tại CBOT đã tăng thêm 7,5 cent, lên mức 5,24-3/4 USD/giạ, trong khi ngô ghi nhận mức tăng 3 cent, đạt 4,45-1/2 USD/giạ.
Các nhà đầu tư hiện đang hướng sự chú ý tới báo cáo doanh số xuất khẩu nông sản hàng tuần từ Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 15/5, cũng như báo cáo từ Hiệp hội Xử lý Hạt có Dầu Quốc gia (NOPA), trong đó được kỳ vọng sẽ cho thấy khối lượng ép đậu tương tại Mỹ trong tháng 4 đạt mức cao kỷ lục cho cùng kỳ.
Giá cao su tại Nhật tăng phiên thứ 10 liên tiếp
Tại Nhật Bản, giá cao su kỳ hạn tiếp tục tăng phiên thứ 10 liên tiếp, được hỗ trợ bởi những tín hiệu tích cực từ thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 10/2025 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) tăng 1,43% lên 319,6 yên/kg. Trên thị trường Thượng Hải (SHFE), hợp đồng giao tháng 9/2025 cũng tăng 1,6%, lên mức 15.235 nhân dân tệ/tấn.
Kỳ vọng về sự phục hồi tiêu thụ cao su trong các ngành sử dụng hạ nguồn – đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô – đã hỗ trợ giá đi lên, mặc dù nguồn cung có dấu hiệu cải thiện dần. Mùa thu hoạch cao su đang bắt đầu và sản lượng đang tăng lên, nhưng Thái Lan thông báo sẽ hoãn thời điểm thu hoạch thêm một tháng, yếu tố có thể khiến giá cao su tiếp tục được hỗ trợ trong ngắn hạn.
Giá ca cao duy trì gần đỉnh 2,5 tháng; đường và cà phê giảm giá mạnh
Giá ca cao hiện vẫn được giao dịch gần mức cao nhất trong 2,5 tháng, nhờ tâm lý lo ngại về triển vọng vụ mùa tại Bờ Biển Ngà – quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng ca cao.
Trên sàn London, hợp đồng ca cao giao sau gần như không đổi ở mức 7.077 bảng/tấn, sau khi chạm mức 7.207 bảng – cao nhất kể từ cuối tháng 2 – trong phiên liền trước. Trong khi đó, tại New York, giá ca cao giảm nhẹ 32 USD, tương đương 0,3%, còn 9.919 USD/tấn, sau khi từng đạt đỉnh 10.045 USD trong phiên giao dịch hôm thứ Ba.
Theo đánh giá từ các nhà giao dịch, những lo ngại xoay quanh sản lượng thấp của vụ giữa năm tại Bờ Biển Ngà đã đóng vai trò hỗ trợ giá. Ngoài ra, những ước tính ban đầu về số trái ca cao trên cây cho vụ chính 2025/26 cho thấy khả năng sản lượng hồi phục mạnh là không cao.
Lượng ca cao tồn kho được ghi nhận trên các sàn giao dịch hiện vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 55.680 tấn tính đến ngày 13/5, giảm mạnh so với con số 80.480 tấn của cùng kỳ năm trước.
Giá đường thô giao sau giảm 0,16 cent, tương ứng với mức giảm 0,9%, xuống còn 18,06 cent/pound, sau khi đã đạt mức cao nhất trong một tháng là 18,29 cent ở phiên trước đó. Dù vậy, một số nhà giao dịch cho biết dữ liệu từ hiệp hội công nghiệp UNICA của Brazil cho thấy sản lượng đường tại khu vực Trung – Nam nước này thấp hơn so với dự đoán – yếu tố từng nâng đỡ giá trong thời gian qua.
Tuy nhiên, công ty tư vấn Datagro đánh giá triển vọng vụ mía tại Brazil nhìn chung vẫn khả quan và sản lượng nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng sắp tới. Giá đường trắng theo đó cũng giảm 1,2%, xuống còn 503,90 USD/tấn. Đáng chú ý, sản lượng đường thô hàng năm của Cuba được dự báo sẽ giảm xuống dưới mức 200.000 tấn trong năm 2025 – thấp nhất kể từ thế kỷ XIX.
Giá cà phê Arabica giảm mạnh 11,55 cent, tương đương mức sụt giảm 3,1%, còn 3,648 USD/pound, do điều kiện thời tiết thuận lợi tại Brazil đang làm gia tăng kỳ vọng về sản lượng cà phê tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Cà phê Robusta cũng chứng kiến đà giảm 2,3%, lùi về mức 5.010 USD/tấn.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 14/5/2025: