Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6/2025, tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu tại khu vực Trung Đông, thúc đẩy làn sóng mua vàng phòng ngừa rủi ro, qua đó khiến giá dầu và vàng đồng loạt bật tăng mạnh.
Giá dầu bật tăng 7% do xung đột vũ trang giữa Israel và Iran
Giá dầu ghi nhận mức tăng mạnh 7% do lo ngại rằng căng thẳng giữa Israel và Iran có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung dầu từ Trung Đông. Giá dầu Brent khép phiên ở 74,23 USD/thùng (tăng 7,02%), còn WTI đóng cửa tại 72,98 USD/thùng (tăng 7,26%). Trong phiên, cả hai loại dầu đều có lúc vọt tăng hơn 13–14%, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm.
Israel đã thực hiện các đợt không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân và đầu não quân sự của Iran, trong khi Iran phóng tên lửa vào Tel Aviv. Mặc dù các nhà máy lọc dầu chưa bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng những lo ngại về an ninh tại eo biển Hormuz – nơi vận chuyển khoảng 18–19 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 1/5 nhu cầu dầu toàn cầu – đang gia tăng. Hiện Iran đang sản xuất khoảng 3,3 triệu thùng/ngày và xuất khẩu trên 2 triệu thùng.
Các chuyên gia nhận định nếu tình hình leo thang, các cơ sở năng lượng có thể trở thành mục tiêu tiếp theo, làm gián đoạn nguồn cung trong khu vực.
Giá vàng tăng mạnh do nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn an toàn
Giá vàng tăng vọt khi giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn sau khi Israel tiến hành không kích lãnh thổ Iran, làm gia tăng lo ngại về khả năng xung đột khu vực lan rộng. Vàng giao ngay nhích 1,3% lên 3.428,10 USD/ounce, tiến sát mốc kỷ lục 3.500,05 USD được ghi nhận hồi tháng 4, và đã tăng tổng cộng gần 4% trong tuần. Giá hợp đồng tương lai vàng Mỹ cũng tăng 1,5%, đạt 3.452,80 USD khi đóng cửa.
Theo các nhà phân tích, bất ổn chính trị cùng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hạ lãi suất sau loạt dữ liệu lạm phát yếu là yếu tố chính hỗ trợ giá vàng. Goldman Sachs đưa ra dự báo giá vàng có thể đạt mốc 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025 và lên tới 4.000 USD vào giữa năm 2026. Tuy vậy, giá quá cao khiến nhu cầu vàng vật chất tại khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, sụt giảm rõ rệt.
Các kim loại quý khác có diễn biến trái chiều: bạc tăng 0,17% lên mức 36,355 USD, trong khi bạch kim giảm mạnh 5% sau đà tăng mạnh trước đó.
Kim loại công nghiệp và đồng suy yếu
Giá đồng cùng nhiều kim loại công nghiệp khác giảm do đồng USD lên giá và tâm lý phòng ngừa rủi ro sau khi Israel tiến hành không kích quy mô lớn vào Iran.
Trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng lùi 0,5% còn 9.653 USD/tấn, sau khi có lúc chạm đáy 9.532 USD – thấp nhất kể từ ngày 3/6.
Đồng Comex của Mỹ cũng hạ 0,43%, giao dịch ở mức 4,8145 USD/pound.
Theo các chuyên gia, hoạt động bán ra của các quỹ giao dịch thuật toán là yếu tố chính gây áp lực, trong khi một số nhà đầu tư tại Trung Quốc tranh thủ gom hàng khi giá giảm.
Giá nhôm tại thị trường Trung Quốc tăng 0,4% lên mức 20.425 nhân dân tệ/tấn do nhu cầu nội địa cao và lượng tồn kho tại Sở Giao dịch Thượng Hải giảm mạnh còn 110.001 tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 2, mất 54% so với cuối tháng 3.
Một số kim loại khác ghi nhận giảm điểm: nhôm LME lùi 0,5%, chì giảm 0,3%, kẽm hạ 0,6%. Trong khi đó, niken và thiếc nhích nhẹ 0,3%.
Quặng sắt sụt giá do tác động từ chính sách thuế mới của Trump
Giá quặng sắt giảm phiên thứ hai liên tiếp và đang hướng đến một tuần đi xuống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 50% đối với nhiều mặt hàng thép từ ngày 23/6.
Hợp đồng giao tháng 9/2025 trên sàn Đại Liên lùi 0,14%, còn 703 nhân dân tệ/tấn (tương đương 97,90 USD), ghi nhận mức giảm 0,7% trong tuần.
Trên sàn Singapore, hợp đồng tháng 7/2025 tăng nhẹ 0,16%, chốt ở mức 94,0 USD/tấn.
Dù đây chủ yếu là phản ứng tâm lý và chưa gây ảnh hưởng rõ nét tới thị trường thép Trung Quốc trong ngắn hạn, nhu cầu quặng sắt vẫn được duy trì nhờ sản lượng gang nóng trung bình đạt khoảng 2,42 triệu tấn/ngày trong tuần kết thúc ngày 12/6. Dự báo cho thấy xuất khẩu thép Trung Quốc năm 2025 sẽ tăng 1,2% lên 112 triệu tấn, trong khi tiêu dùng nội địa có thể giảm 1%.
Tại các thị trường nguyên liệu khác, giá than luyện cốc và than cốc đi lên nhẹ, trong khi thép tại sàn Thượng Hải biến động trái chiều; riêng mặt hàng thép cuộn trơn tăng 0,27%.
Đậu tương và dầu đậu tương bật tăng mạnh
Giá dầu đậu tương Mỹ tăng kịch biên độ trong khi đậu tương vươn lên mức đỉnh ba tuần sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công bố kế hoạch tăng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học vượt ngoài dự báo của giới đầu tư.
Hợp đồng dầu đậu tương tháng 7/2025 trên sàn CBOT tăng thêm 3 cent, đạt 50,61 cent/pound. Giá đậu tương tăng vọt 27,5 cent, lên mức 10,69-3/4 USD/giạ.
EPA đề xuất nâng sản lượng tiêu thụ nhiên liệu sinh học trong hai năm tới, đồng thời hạn chế nhập khẩu, làm dấy lên kỳ vọng rằng dầu đậu tương trong nước sẽ được sử dụng rộng rãi hơn cho sản xuất diesel sinh học. Điều này hỗ trợ nhu cầu ép đậu tương tại Mỹ trong giai đoạn 2026 đến 2027.
Hợp đồng ngô giao tháng 7 trên sàn CBOT kết phiên với mức tăng 6 cent, lên 4,44-1/2 USD/giạ, trong khi hợp đồng lúa mì tháng 7 (mã WN25) tăng 17-1/4 cent, lên 5,43-3/4 USD/giạ.
Tính trong cả tuần, giá lúa mì vẫn giảm 2% do sức ép từ hoạt động thu hoạch đang diễn ra tại các nước thuộc Bắc bán cầu. Trong khi đó, đề xuất mới không điều chỉnh hạn ngạch ethanol nên gần như không ảnh hưởng tới nhu cầu ngô dùng cho sản xuất nhiên liệu.
Cao su tăng giá nhờ giá dầu thô vọt mạnh
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản và Trung Quốc đồng loạt đi lên khi xung đột giữa Israel và Iran làm giá dầu thô bật tăng hơn 7%. Hợp đồng cao su tháng 11/2025 trên sàn Osaka tăng 0,45%, đạt 292,2 yên/kg; trong khi hợp đồng giao tháng 9/2025 trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 13.860 CNY/tấn. Mặt hàng cao su butadien cũng tăng thêm 0,7%.
Việc giá dầu leo thang đã kéo giá cao su tự nhiên tăng theo do sự cạnh tranh với cao su tổng hợp – sản phẩm được tinh chế từ dầu mỏ. Tại sàn giao dịch Singapore, giá cao su tháng 7 tăng 1,9%, lên mức 163 cent Mỹ/kg.
Cà phê tăng giá, đường giảm về mức thấp nhất hơn 4 năm
Hợp đồng cà phê Arabica kết phiên ngày 13/6 tăng 0,2% lên mức 346 cent/lb, trong khi giá cà phê Robusta tăng 0,93% lên mức 4.438 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đường thô cũng giảm 0,9% còn 16,13 cent/pound – mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021, dù giá dầu tăng mạnh sau xung đột giữa Israel và Iran.
Thị trường đường vẫn trong trạng thái tiêu cực do thời tiết thuận lợi tại Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Tại Thái Lan, diện tích mía vụ 2025/26 dự báo tăng hơn 8% so với mùa vụ trước.
Giá cacao giảm đáng kể do nguồn cung được cải thiện từ Nigeria và một số nước ngoài khu vực Tây Phi. Cacao London giảm 2,6%, xuống còn 6.432 bảng/tấn; cacao New York mất 3,1%, còn 8.952 USD/tấn.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 13/6/2025: