Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu tăng vọt lên mức đỉnh trong vòng hai tuần, trong khi vàng lao dốc hơn 2%, quặng sắt ghi nhận mức tăng vượt 3%, còn cà phê Arabica xuống mức thấp nhất trong ba tuần trở lại đây. 

Dầu tăng mạnh

Giá dầu bật tăng khoảng 1,5%, lên mức đỉnh hai tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng thuận tạm ngừng áp dụng thuế bổ sung trong vòng 90 ngày, tạo kỳ vọng mới về khả năng kết thúc xung đột thương mại và nâng đỡ tâm lý giới đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 1,05 USD (tương đương 1,6%) lên mức 64,96 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ nhích 93 cent (khoảng 1,5%) lên 61,95 USD/thùng – đây là ngưỡng đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/4 đối với cả hai loại dầu.

Tập đoàn Aramco của Saudi Arabia cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay sẽ giữ ở mức ổn định, và có thể gia tăng nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại lâu dài. Trong khi đó, Iraq có kế hoạch giảm lượng dầu xuất khẩu xuống còn khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và 6 năm 2025.

Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân giữa Mỹ và Iran, cùng với tiến trình hòa giải giữa Nga và Ukraine. Nếu các bên đạt được thỏa thuận, lượng dầu từ Iran – quốc gia đứng thứ ba trong OPEC – và từ Nga – nước sản xuất dầu lớn thứ hai toàn cầu trong năm 2024 – có thể gia tăng. Tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, Thủ tướng Modi cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu Pakistan tiếp tục các cuộc tấn công, làm gia tăng căng thẳng chính trị trong khu vực.

Vàng mất hơn 2% giá trị

Giá vàng giảm sâu khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư tăng lên sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm thời về cắt giảm thuế trong 90 ngày. Vàng giao ngay trượt 3% còn 3.225,28 USD/ounce vào lúc 15:44 GMT, trong khi hợp đồng tương lai vàng tại Mỹ giảm mạnh 3,5% và đóng cửa tại 3.228 USD/ounce.

Theo thỏa thuận vừa đạt được, thuế nhập khẩu của Mỹ với hàng Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống còn 30%, trong khi Bắc Kinh cũng hạ mức thuế áp với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%. Thỏa thuận tạm thời này khiến đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng qua, còn thị trường chứng khoán toàn cầu có diễn biến tích cực – hai yếu tố gây áp lực lên vàng.

Một chuyên gia tại BullionVault cho rằng đà tăng kéo dài trước đó của vàng khiến mặt hàng này trở nên dễ bị tổn thương nếu tâm lý thị trường chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nếu xuất hiện thêm bất ổn, vàng vẫn có khả năng hồi phục.

Theo nhận định từ Kitco, mức kháng cự gần nhất của giá vàng hiện ở ngưỡng 3.250 USD, tiếp theo là 3.275 USD.

Nhà đầu tư đang theo dõi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến được công bố ngày 13/5 để dự đoán động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Ngoài ra, các chỉ số khác sẽ được công bố trong tuần gồm giá sản xuất (PPI) và doanh thu bán lẻ.

Các kim loại quý khác cũng ghi nhận sụt giảm: giá bạc tương lai giảm 0,9% xuống còn 32,6 USD/ounce trong khi bạch kim tương lai giảm mạnh 2,6% xuống còn 975,6 USD.

Quặng sắt bật tăng trên 3%

Giá quặng sắt tương lai tăng mạnh sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc – đồng ý cắt giảm đáng kể thuế thương mại và tạm hoãn các biện pháp áp thuế trong vòng 90 ngày. Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, mức thuế sẽ được hạ hơn 100 điểm phần trăm, chỉ còn 10%.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), hợp đồng quặng sắt tháng 9 – loại giao dịch phổ biến nhất – tăng 3,16%, khép phiên tại 718,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 99,63 USD), là mức cao nhất kể từ ngày 7/5. 

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 5 kết phiên tăng mạnh 1,98%, tương đương 1,95 USD lên mức 100,45 USD/tấn. 

Theo các nhà phân tích, mức cắt giảm thuế lớn hơn dự báo đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhu cầu về quặng vẫn ổn định khi các lò luyện thép tiếp tục vận hành nhờ biên lợi nhuận tốt. Khảo sát từ Mysteel cho thấy sản lượng gang nóng trung bình mỗi ngày – một chỉ báo quan trọng về mức tiêu thụ quặng – đạt 2,46 triệu tấn vào ngày 8/5, là mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2023.

Dữ liệu từ Steelhome cho biết, giá quặng vận chuyển bằng đường biển hiện đã giảm khoảng 11% so với đỉnh 107 USD/tấn ghi nhận trong tháng 2. Dù vậy, thị trường vẫn có nhiều biến động do nhà đầu tư lo ngại về chính sách thuế của Mỹ và khả năng Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép thô.

Các nguyên liệu thô khác phục vụ sản xuất thép trên sàn DCE cũng quay đầu tăng: giá than luyện cốc tăng 0,68%, giá coke tăng 0,75%. Trong khi đó, trên Sàn giao dịch Thượng Hải, thép cây tăng 1,52%, thép cuộn cán nóng tăng 1,51%, thép dây tăng 1,39% và thép không gỉ tăng 1,34%.

Giá ngô CBOT biến động

Giá ngô giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) ghi nhận diễn biến trái chiều. Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm dừng áp thuế cùng với báo cáo khả quan từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hỗ trợ thị trường, tuy nhiên dự báo về vụ mùa bội thu tại Mỹ đã hạn chế đà tăng của giá.

Nông dân tại Mỹ đang mở rộng diện tích trồng ngô và thu hẹp diện tích trồng đậu tương so với năm trước nhằm né tránh tác động từ các biện pháp thuế và tối ưu hóa lợi nhuận. Hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ vẫn duy trì mạnh nhờ giá cả cạnh tranh và nguồn cung hạn chế từ thị trường Brazil.

USDA ước tính lượng tồn kho ngô tại Mỹ tính đến ngày 1/9/2025 đạt mức 1,415 tỷ giạ, thấp hơn con số 1,465 tỷ giạ được đưa ra trong báo cáo tháng 4 và dưới mức dự báo 1,443 tỷ giạ của các chuyên gia phân tích. Dự kiến đến ngày 1/9/2026, tồn kho sẽ tăng lên mức 1,8 tỷ giạ, thấp hơn mức 2,02 tỷ giạ theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters.

Hợp đồng ngô giao tháng 7/2025 hạ 1,6 cent, còn 4,48 USD/giạ. Các hợp đồng tương lai nông sản khác cũng ghi nhận mức sụt giảm tương đối. Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 7/2025 ghi nhận mức giảm 6,4 cent, xuống còn 5,15 USD/giạ. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp hợp đồng này ghi nhận sụt giảm. 

Trái ngược lại, hợp đồng tương lai đậu tương tiếp tục tăng mạnh. Kết phiên ngày 12/5, đậu tương CBOT đang được giao dịch ở mức giá 10,71 USD/giạ, tăng 19,4 cent. 

Cà phê Arabica thấp nhất 3 tuần, giá đường và cacao sụt giảm

Giá cà phê Arabica giao kỳ hạn trên sàn ICE sụt xuống mức thấp nhất trong vòng ba tuần khi điều kiện thời tiết tại Brazil diễn biến thuận lợi, làm tăng kỳ vọng về một vụ thu hoạch dồi dào, đồng thời giá đường cũng giảm theo.

Giá cà phê Arabica giảm 14,8 cent, tương đương mức giảm 3,8%, xuống còn 3,7295 USD/pound, sau khi chạm đáy 3 tuần tại mốc 3,7295 USD/pound. Sự cải thiện trong dự báo mùa vụ tại Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới – đã tạo áp lực lên thị trường. Trên sàn London, giá cà phê Robusta cũng giảm mạnh 3,3% xuống mức 5.082 USD/tấn. 

USDA đã nâng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025/26 của Brazil lên mức 65,51 triệu bao loại 60kg, tăng so với ước lượng 62,45 triệu bao trước đó. Ngoài ra, sản lượng cà phê của Honduras và Uganda cũng được kỳ vọng sẽ gia tăng.

Giá đường thô giảm 0,08 cent, tương đương 0,4%, xuống mức 17,70 cent/pound, sau đợt tăng nhờ sự hỗ trợ từ diễn biến tích cực của thị trường năng lượng. Tại Brazil, sản lượng đường có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng hạn hán kéo dài từ năm ngoái.

Trên sàn New York, giá cacao giảm 97 USD/tấn, tương ứng mức giảm 1,1%, xuống còn 9.090 USD/tấn. Trong khi đó, cacao trên sàn London tăng 1,2%, đạt 6.753 bảng Anh/tấn.

Giá cao su Nhật Bản đi lên

Giá cao su giao kỳ hạn tại Nhật Bản gia tăng nhờ những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giúp củng cố tâm lý lạc quan của giới đầu tư và giảm thiểu sự bất ổn của thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng cao su giao tháng 10 trên Sàn Giao dịch Osaka (OSE) tăng vọt 8,3 yên, tương đương 2,8%, đạt mức 309,5 yên/kg. Trong khi đó, hợp đồng cao su tháng 9 giao dịch trên Sàn SHFE Thượng Hải giảm 0,7%, còn 14.605 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.018 USD). Trên Sàn SICOM Singapore, hợp đồng giao tháng 6 giảm 0,6%, xuống còn 171,3 cent Mỹ/kg.

Khối lượng nhập khẩu cao su thiên nhiên và tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm 10% so với tháng trước. Dự trữ cao su tại các kho của Sở SHFE ghi nhận giảm nhẹ 0,1% so với kỳ báo cáo trước.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 12/5/2025: