Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/7, giá dầu thô tăng mạnh hơn 2% sau khi giảm mạnh vào thứ Năm, vàng tiếp đà tăng trong khi nông sản giảm giá trước kỳ vọng nguồn cung dồi dào trong vụ tới.
Dầu thô bật tăng hồi phục
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên thứ Sáu sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường đang thắt chặt hơn so với những gì thể hiện, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi các đợt áp thuế của Mỹ và khả năng bị trừng phạt thêm đối với Nga.
Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn chốt phiên tăng 1,72 USD, tương đương 2,5%, lên 70,36 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ tăng 1,88 USD, tương đương 2,8%, lên 68,45 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3%, còn WTI tăng khoảng 2,2%.
IEA nhận định thị trường dầu toàn cầu có thể đang thắt chặt hơn so với bề ngoài, với nhu cầu được hỗ trợ bởi hoạt động lọc dầu mùa hè đạt đỉnh để phục vụ nhu cầu du lịch và sản xuất điện.
Hợp đồng Brent giao tháng 9 đang giao dịch cao hơn khoảng 1,20 USD so với hợp đồng tháng 10.
"Thị trường bắt đầu nhận ra rằng nguồn cung đang thiếu hụt," Phil Flynn – chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group – nhận định.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động trong tuần thứ 11 liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 7/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Tuy nhiên, bất chấp sự thắt chặt tạm thời trên thị trường, IEA vẫn nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung trong năm nay, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu, ám chỉ thị trường có thể chuyển sang trạng thái dư cung.
Giá vàng tăng trước những lo ngại về thuế quan
Giá vàng tăng 1% lên mức cao nhất trong một tuần vào thứ Sáu khi nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng cuộc chiến thương mại toàn cầu bằng việc công bố loạt thuế quan mới.
Giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 3.372,60 USD/ounce. Hợp đồng vàng kỳ hạn Mỹ tăng 1,1% lên 3.364 USD.
Chứng khoán toàn cầu giảm sau khi ông Trump gia tăng áp lực thuế lên Canada, tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 35% đối với hàng nhập khẩu vào tháng tới và có kế hoạch áp thuế đồng loạt 15% đến 20% với hầu hết các đối tác thương mại còn lại.
Tuần này, ông Trump cũng đã công bố áp thuế 50% lên đồng nhập khẩu và áp mức tương tự với hàng hóa từ Brazil.
“Chúng ta đang ở trong một môi trường mà yếu tố bất định đang quay lại thị trường và vàng nhận được lực mua trú ẩn,” Aakash Doshi, trưởng bộ phận chiến lược vàng toàn cầu tại State Street Global Advisors cho biết.
“Tôi cho rằng biên độ giao dịch trong quý 3 sẽ dao động từ 3.100 đến 3.500 USD. Nửa đầu năm đã rất mạnh mẽ, và hiện tại thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh.”
Giá đồng giảm trước lo ngại nhu cầu tại Mỹ yếu đi do thuế quan
Giá đồng giảm trong phiên thứ Sáu khi các nhà đầu tư lo ngại mức thuế 50% đối với kim loại này sẽ làm suy yếu nhu cầu tại Mỹ, đồng thời giới đầu cơ tiến hành chốt lời.
Hợp đồng đồng giao sau ba tháng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) kết phiên giảm 0,6% xuống còn 9.644,03 USD/tấn, thấp hơn so với mức đỉnh ba tháng 10.020,50 USD đạt được vào ngày 2/7.
Hợp đồng này đang trên đà giảm khoảng 2% trong tuần – tuần giảm thứ hai liên tiếp.
“Với mức thuế trừng phạt tại Mỹ như hiện nay, nhu cầu chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực,” Carsten Menke – chuyên gia phân tích tại Julius Baer ở Zurich nhận định.
“Yếu tố khác là hoạt động chốt lời từ các nhà đầu cơ, những người trước đây từng rất lạc quan,” ông nói thêm.
Menke dự đoán giá đồng LME sẽ quay trở lại mức 9.000 USD/tấn hoặc thấp hơn.
Giá đồng Mỹ được đẩy lên cao trong vài tháng gần đây do kỳ vọng về thuế quan, sau thông báo điều tra thuế nhập khẩu hồi tháng Hai.
Giá COMEX cũng bị đè nặng bởi lượng tồn kho dư thừa khi các thương nhân đã tranh thủ vận chuyển gần như đủ lượng đồng cho cả năm vào Mỹ trong nửa đầu năm để tránh mức thuế.
Nhà đầu tư cũng đang loay hoay với các bất định như mặt hàng đồng nào sẽ bị đánh thuế và liệu có quốc gia nào được miễn trừ hay không.
Quặng sắt hướng tới tuần tăng giá thứ ba liên tiếp
Giá quặng sắt kỳ hạn tăng trong phiên thứ Sáu và đang hướng đến tuần tăng thứ ba liên tiếp, nhờ kỳ vọng rằng việc Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu – mạnh tay trấn áp cuộc chiến giá sẽ mở đường cho một đợt cải cách mới nhằm kiểm soát tình trạng dư thừa công suất ngành thép.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc chốt phiên ban ngày tăng 1,8% lên 764 nhân dân tệ (106,56 USD)/tấn – mức cao nhất trong ba tháng.
Hợp đồng quặng sắt chuẩn giao tháng 8 trên Sàn Giao dịch Singapore kết phiên ngày thứ Sáu tăng 0,49% lên 99,50 USD/tấn.
Cả hai hợp đồng chuẩn đã tăng hơn 3,5% trong tuần này.
Tâm lý thị trường kim loại đen chủ yếu được hỗ trợ bởi các biện pháp hạn chế sản xuất vì lý do môi trường tại trung tâm sản xuất thép lớn – thành phố Đường Sơn – và kỳ vọng vào các cải cách phía cung, theo Jiang Mengtian – chuyên gia phân tích trưởng tại công ty tư vấn Horizon Insights.
“Thị trường thép hưởng lợi lớn nhất, thể hiện qua giá hợp đồng tương lai tăng mạnh và hoạt động tích trữ hàng từ người tiêu dùng đầu cuối, điều này đã góp phần đẩy giá quặng sắt tăng,” Jiang cho biết.
Giá quặng sắt tăng bất chấp nhu cầu yếu hơn.
Nông sản giảm giá trước kỳ vọng nguồn cung dồi dào
Hợp đồng ngô kỳ hạn trên Sàn Giao dịch Chicago (CBOT) đã chạm mức thấp kỷ lục trong phiên thứ Sáu, trong khi giá đậu tương cũng giảm do kỳ vọng thời tiết thuận lợi sẽ giúp mùa vụ tại Mỹ đạt sản lượng cao, theo các nhà phân tích.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố báo cáo hàng tháng với ước tính năng suất không thay đổi so với tháng 6, nhưng giới giao dịch dự đoán con số này sẽ tăng nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi.
Mùa vụ lớn tại Mỹ sẽ bổ sung vào sản lượng lớn của đối thủ xuất khẩu là Brazil.
“Sắp tới sẽ có nhiều mưa trên khắp nước Mỹ, kèm theo nhiệt độ mát hơn,” ông Chuck Shelby, môi giới tại công ty Risk Management Commodities cho biết. “Điều đó đang hướng chúng ta đến một mùa ngô bội thu.”
Hợp đồng ngô giao tháng 9 chốt phiên giảm 3-1/4 cent còn 3,96 USD/giạ, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2024.
Đậu tương CBOT kết phiên giảm 6-1/2 cent còn 10,07-1/4 USD/giạ và giao dịch gần mức thấp ba tháng đạt được hôm thứ Năm.
Lúa mì CBOT chốt phiên giảm 9-1/2 cent còn 5,45 USD/giạ, dù trước đó trong phiên đã có lúc chạm mức cao nhất trong một tuần.
Giá đậu tương còn chịu thêm áp lực từ việc USDA nâng dự báo lượng tồn kho đậu tương trước vụ thu hoạch năm sau cao hơn so với kỳ vọng, theo các nhà phân tích.
Cà phê Robusta tiếp tục giảm sâu
Giá cà phê arabica chạm mức cao nhất trong 10 ngày vào thứ Sáu khi giới đầu tư tập trung vào khả năng Brazil sẽ trả đũa nếu chính quyền ông Trump thực hiện mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ nước này. Tuy nhiên, giá đã quay đầu giảm vào cuối phiên.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm thứ Sáu cho biết ông muốn tìm giải pháp ngoại giao cho mối đe dọa thuế quan từ Mỹ, nhưng tuyên bố sẽ đáp trả tương ứng nếu thuế có hiệu lực vào ngày 1/8.
Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ là khách hàng lớn nhất và cũng là quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất toàn cầu. Khoảng 33% lượng cà phê tiêu thụ tại Mỹ có nguồn gốc từ Brazil.
Nguồn tin thương mại cho biết nếu mức thuế mới được thực thi từ ngày 1/8, xuất khẩu cà phê của Brazil sang Mỹ gần như sẽ bị đình trệ, và Mỹ khó có thể tìm nguồn thay thế với khối lượng và giá tương tự.
Ngoài yếu tố giá tại Mỹ, các chuyên gia nhận định thuế quan của Brazil sẽ có tác động tăng giá ngắn hạn đối với hợp đồng cà phê giao dịch trên sàn ICE – được coi là chỉ báo giá toàn cầu – vì sẽ tạo ra nhu cầu với lượng hàng dự trữ được chứng nhận tại sàn.
Giá cà phê tương lai trên ICE thường tăng khi lượng tồn kho giảm, bởi điều đó báo hiệu nguồn cung đang khan hiếm.
Hợp đồng cà phê arabica trên ICE New York chạm đỉnh 10 ngày tại 2,9760 USD/pound – tiếp nối mức tăng 1,3% hôm thứ Năm – nhưng sau đó quay đầu giảm 1,3 cent, tương đương 0,5%, còn 2,865 USD/pound.
Tốc độ thu hoạch nhanh tại Brazil được các nhà môi giới trích dẫn là một yếu tố khiến giá giảm trở lại.
Cà phê robusta giao dịch tại London tiếp tục yếu, giảm 3,1% xuống còn 3.216 USD/tấn. Hợp đồng này đã mất 13% trong tuần và chạm đáy một năm vào thứ Sáu.
“New York đang phản ánh nhu cầu sở hữu hàng tồn kho cà phê tại Mỹ. Đợt bật tăng này còn nhỏ và có thể tiếp diễn mạnh hơn,” ông Alberto Peixoto, giám đốc tại công ty môi giới và tư vấn AP Commodities cho biết.
Tuy nhiên, về dài hạn, các chuyên gia nhận định thuế quan Mỹ áp lên Brazil có thể mang tính tiêu cực đối với giá cà phê toàn cầu, vì điều đó có thể khiến lượng cung ra thị trường quốc tế tăng lên.
Ở các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp khác giao dịch trên ICE, đường thô tăng 1,9% lên 16,57 cent/pound, trong khi đường trắng gần như không đổi ở mức 483,70 USD/tấn.
Thị trường nhìn chung không mấy bận tâm với lời đe dọa áp thuế 50% của ông Trump lên Brazil, vì nước này không xuất khẩu nhiều đường sang Mỹ.
Ca cao London gần như không đổi ở mức 5.239 bảng Anh/tấn, trong khi cacao New York tăng 1,5% lên 8.177 USD/tấn.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 11/7/2025: