Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/6/2025, giá dầu chỉ giảm nhẹ nhưng vẫn dao động quanh mức đỉnh cao nhất trong vòng bảy tuần. Trong khi đó, giá vàng, đồng và thép ghi nhận mức giảm nhẹ. Giá cà phê Robusta suy yếu do nguồn cung tăng lên từ hoạt động thu hoạch đang diễn ra tại Brazil và Indonesia.

Giá dầu điều chỉnh nhẹ quanh đỉnh bảy tuần 

Giá dầu có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở vùng cao nhất trong bảy tuần, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát sao cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cụ thể, dầu Brent lùi 0,3%, còn 66,87 USD/thùng, trong khi WTI giảm 0,5% về mức 64,98 USD/thùng. Trước đó, giá dầu đã đạt mức đỉnh kể từ tháng 4.

Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc bước sang ngày thứ hai tại London, trong khi lo ngại về căng thẳng thuế quan vẫn hiện hữu. Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2025 từ mức 2,7% xuống 2,3%, nguyên nhân chủ yếu do tác động của các chính sách thuế cao và sự bất ổn kinh tế.

Về nguồn cung, Saudi Aramco dự kiến xuất khẩu khoảng 47 triệu thùng dầu sang Trung Quốc trong tháng 7, thấp hơn 1 triệu thùng so với tháng trước. Mặc dù OPEC+ lên kế hoạch tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng tới, song việc duy trì các biện pháp cắt giảm trước đó có thể tiếp tục giữ nguồn cung ở mức hạn chế.

Quan hệ Mỹ - Iran vẫn còn nhiều bất đồng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, trong khi Liên minh châu Âu chuẩn bị thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, nhắm vào nguồn thu từ dầu mỏ và ngành công nghiệp quốc phòng. Nga vẫn là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới tính đến năm 2024.

Theo ước tính, trong tuần kết thúc ngày 6/6, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ có thể đã giảm khoảng 2 triệu thùng – đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp ghi nhận mức sụt giảm, trái ngược với mức tăng trung bình 2,8 triệu thùng trong cùng giai đoạn 5 năm qua.

Vàng đi xuống nhẹ khi giới đầu tư chờ đợi kết quả thương thảo Mỹ - Trung

Giá vàng suy yếu nhẹ do thị trường chờ đợi tín hiệu từ tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, điều có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng toàn cầu và làm giảm sức hút của vàng với vai trò tài sản trú ẩn. Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống mức 3.324,55 USD/ounce, trong khi hợp đồng tương lai vàng tại Mỹ giảm 0,3% còn 3.343,40 USD/ounce.

Chỉ số USD tăng thêm 0,2%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Theo đánh giá của các nhà giao dịch, tâm lý kỳ vọng tích cực từ cuộc đàm phán Mỹ - Trung kết hợp với dữ liệu lạm phát sắp được công bố tại Mỹ đang tạo áp lực giảm lên giá vàng. Một bộ phận nhà đầu tư đang chờ mức điều chỉnh về quanh 3.100 USD/ounce để gia tăng mua vào.

Thị trường bạc tương lai cũng chứng kiến mức giảm 0,4%, xuống còn 36,64 USD/ounce. Bạch kim giảm 0,2% xuống 1.212,5 USD/ounce, sau khi vừa đạt đỉnh kể từ tháng 5 năm 2021. 

Giá đồng sụt giảm vì lo ngại kết quả đàm phán và sức cầu suy yếu

Đồng tiếp tục chịu áp lực khi giảm 0,4% xuống còn 9.757,50 USD/tấn, do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước triển vọng chưa rõ ràng của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến thuế kéo dài sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ kim loại.

Dự trữ đồng tại Sở Giao dịch Kim loại London (LME) tiếp tục giảm 2.000 tấn, chỉ còn 120.400 tấn – tương đương mức giảm một nửa trong vòng ba tháng qua. Trong khi đó, giá đồng kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,5% xuống còn 4,9 USD/pound. Mức chênh lệch giá giữa đồng giao dịch tại Mỹ và LME hiện đạt tới 1.067 USD/tấn, phản ánh kỳ vọng rằng Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu với đồng, sau khi đã áp dụng với nhôm và thép.

Quặng sắt tiếp tục giảm 

Giá quặng sắt giảm sang phiên thứ hai liên tiếp, chủ yếu do lo ngại về sự gia tăng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, sức mua ổn định từ Trung Quốc và kỳ vọng về những bước tiến trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã góp phần hạn chế đà giảm. 

Trên sàn Đại Liên, hợp đồng giao tháng 9 hạ 0,85% xuống còn 698,5 nhân dân tệ/tấn, tương đương khoảng 97,16 USD. Còn hợp đồng tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,3% xuống 91,35 USD/tấn.

Tính đến ngày 8/6, lượng quặng sắt xuất khẩu từ hai quốc gia chủ chốt là Australia và Brazil đã đạt 29,19 triệu tấn – con số cao nhất kể từ tháng 12/2024 và tăng gần 2% so với tuần liền trước. Trong khi đó, sản lượng gang nóng – chỉ số phản ánh rõ nét nhu cầu tiêu thụ quặng – duy trì mức cao, với trung bình 2,42 triệu tấn/ngày, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cao su tại Nhật Bản đi lên 

Hợp đồng cao su tương lai giao dịch tại Nhật Bản đã tăng 2,49% lên mức 296,8 yên/kg, nhờ kỳ vọng rằng vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại London sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 9 cũng ghi nhận mức tăng 1,21%, đạt 13.805 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá cao su butadiene chỉ giảm nhẹ 0,04%.

Tại Thái Lan, giá cao su xuất khẩu tăng 2,67% lên 75,87 baht/kg, nhưng cao su khối lại sụt mạnh 13,25%, còn 60,68 baht/kg. Dù nhu cầu vẫn chưa cải thiện rõ rệt, đồng yên suy yếu cùng với giá dầu tăng đã hỗ trợ thị trường nhờ sự cạnh tranh giữa cao su tự nhiên và cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Tuy vậy, nỗi lo nguồn cung tăng lên sau thời điểm giao mùa (tháng 2 đến tháng 5) đã phần nào kiềm chế đà phục hồi của giá.

Giá lúa mì suy yếu, ngô và đậu tương giữ ổn định

Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tại Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố nâng xếp hạng chất lượng cây trồng, phản ánh khả năng năng suất sẽ tăng. 

Giá hợp đồng lúa mì tháng 7 trên sàn CBOT đã giảm 7,5 cent, chốt ở mức 5,34-1/2 USD/giạ. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tiếp tục duy trì sự ổn định, được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết tích cực tại Mỹ và hy vọng tích cực từ cuộc đàm phán Mỹ - Trung.

Cụ thể, hợp đồng ngô tháng 7/2025 trên sàn CBOT tăng thêm 5,25 cent, đạt 4,38-3/4 USD/giạ, trong khi đậu tương nhích nhẹ 1,75 cent lên 10,57-3/4 USD/giạ, còn dầu đậu tương tăng 0,41 cent, lên mức 47,79 cent/pound.

USDA báo cáo rằng 53% diện tích lúa mì xuân và 54% lúa mì đông hiện có chất lượng từ tốt đến rất tốt, tăng tương ứng 3% và 2% so với tuần trước. Tuy nhiên, chỉ 4% diện tích lúa mì đông đã được thu hoạch, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm là 7%.

Tại Nga – quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì – một số khu vực thuộc vùng Rostov đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, chính quyền Nga vẫn duy trì mục tiêu sản lượng ngũ cốc năm 2025 ở mức 135 triệu tấn, cao hơn so với 130 triệu tấn của năm trước.

Đối với đậu tương, triển vọng tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã giúp hỗ trợ giá, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất trong khi Mỹ đứng thứ hai về xuất khẩu. Dẫu vậy, thời tiết thuận lợi vẫn đang là yếu tố gây sức ép giảm giá đối với cả ngô và đậu tương, khi USDA cho biết 71% diện tích ngô và 68% diện tích đậu tương đang trong tình trạng tốt đến rất tốt.

Cà phê Robusta sụt giá do sản lượng từ Brazil và Indonesia gia tăng

Giá cà phê Robusta trên sàn ICE giảm mạnh khi tiến độ thu hoạch tại Brazil và Indonesia diễn ra thuận lợi, dẫn đến nguồn cung ra thị trường tăng cao. Hợp đồng giao tháng 7 của cà phê Robusta đã giảm 113 USD, tương đương 2,5%, còn 4.409 USD/tấn.

Theo giới thương nhân, nông dân Brazil đang tích cực bán ra cà phê robusta nhờ vụ thu hoạch năm nay diễn tiến tốt. Cùng lúc đó, thị trường cũng ghi nhận lượng cung bổ sung từ Indonesia. Trên sàn ICE, giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm 1,8%, xuống còn 3,5505 USD/pound.

Liên minh hợp tác xã cà phê lớn nhất Brazil – Cooxupe – cho biết tính đến ngày 6/6, nông dân tại quốc gia này đã thu hoạch được 13,7% sản lượng dự kiến cho niên vụ 2025, tăng so với mức 10,1% của tuần trước và tương đương mức cùng kỳ năm ngoái là 13,6%.

Giá đường tiếp tục suy yếu, chạm sát mức thấp nhất trong vòng 4 năm

Giá đường thô ghi nhận mức giảm 1,1%, xuống còn 16,48 cent/pound, chỉ cao hơn một chút so với đáy 4 năm là 16,32 cent được xác lập vào ngày thứ Sáu tuần trước. Sự phục hồi của mùa mưa sớm tại các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc đang giúp cải thiện kỳ vọng sản lượng, từ đó đẩy giá đi xuống.

Tuy nhiên, với lượng vị thế bán khống lớn mà các quỹ đầu cơ đang nắm giữ, giá có thể bật tăng nhanh nếu thị trường xuất hiện hoạt động mua bù lỗ. Trong khi đó, giá đường trắng cũng giảm 1%, xuống còn 467,80 USD/tấn.

Tập đoàn Cristal Union của Pháp – nhà sản xuất đường và ethanol lớn thứ hai tại quốc gia này – công bố lợi nhuận ròng trong niên vụ 2024/25 đã giảm đến 62% do tác động tiêu cực từ giá đường giảm sâu, đồng thời dự báo hoạt động kinh doanh trong năm tài chính hiện tại có thể tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Giá ca cao giảm mạnh khi triển vọng vụ mùa Tây Phi được cải thiện

Trên thị trường London, giá ca cao giảm 3,1% còn 6.601 bảng/tấn, trong khi tại sàn New York, giá ca cao sụt mạnh 11,2% xuống mức 9.030 USD/tấn. 

Ngân hàng Rabobank nhận định thời tiết gần đây tại khu vực Tây Phi – nơi chiếm phần lớn sản lượng cacao toàn cầu – đã có chuyển biến tích cực, và các dự báo cho thấy lượng mưa tiếp tục tăng trong thời gian tới, góp phần nâng cao triển vọng sản lượng cho vụ mùa 2025/26.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 10/6/2025: 

Biến động giá hàng hóa kết phiên 10/6/2025