Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, giá vàng đã tăng cao lên gần mức kỷ lục, trong khi các mặt hàng như cà phê, đồng có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, dầu thô lại quay đầu giảm mạnh chỉ sau một phiên tăng giá. 

Giá dầu lao dốc hơn 3%

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu đã giảm mạnh hơn 2 USD/thùng, xóa sạch mức tăng đạt được ở phiên trước đó, khi giới đầu tư bắt đầu xem xét lại thông tin Mỹ sẽ tạm hoãn áp dụng mức thuế toàn diện và đồng thời chuyển sự chú ý sang những diễn biến leo thang trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hợp đồng dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 2,28 USD, tương đương với mức sụt giảm 3,7%, chốt phiên tại 60,07 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng mất 2,15 USD, tương đương 3,3%, lùi về 63,33 USD/thùng.

Vào cùng ngày, Nhà Trắng đã tiết lộ với báo chí rằng tổng mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã chạm ngưỡng 145%. Đáp lại, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế mới lên tới 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Theo công ty tư vấn Ritterbusch and Associates, việc thuế suất tăng cao đối với Trung Quốc có thể sẽ khiến nước này giảm đáng kể lượng dầu thô mua từ Mỹ. Dữ liệu từ hãng phân tích vận chuyển Kpler cho thấy, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 3 chỉ đạt 112.000 thùng mỗi ngày, giảm mạnh so với con số 190.000 thùng mỗi ngày cùng kỳ năm ngoái.

Giá vàng gần đỉnh lịch sử

Trong bối cảnh đồng USD suy yếu và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, giá vàng đã tăng gần 3% vào thứ Năm, thiết lập mức cao nhất mọi thời đại khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong tài sản trú ẩn.

Vàng giao ngay tăng mạnh 2,6% và chốt phiên ở mức 3.160,82 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mốc lịch sử 3.171,49 USD trong phiên. Hợp đồng vàng kỳ hạn giao tháng 6/2025 ghi nhận mức tăng 3,2%, đóng cửa ở 3.177,5 USD.

Theo dữ liệu công bố hôm thứ Năm, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng áp lực lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt sau quyết định tăng gấp đôi thuế suất với Trung Quốc từ phía Tổng thống Trump.

Sau khi số liệu lạm phát được công bố, thị trường đã gia tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 6. Thậm chí, các dự báo cho rằng Fed có thể hạ lãi suất chính sách tới một điểm phần trăm vào cuối năm nay.

Giá quặng sắt đảo chiều tăng trở lại

Giá quặng sắt đã hồi phục trong phiên thứ Năm sau chuỗi ngày giảm mạnh, khi những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ thúc đẩy kỳ vọng về các chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn hơn từ Bắc Kinh nhằm đối phó với tác động tiêu cực của mức thuế mới.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 giao dịch trên Sàn hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã tăng 3,06% lên 707 nhân dân tệ/tấn, tương đương 96,30 USD, sau khi lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn nửa năm vào ngày hôm trước.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 4 cũng ghi nhận mức tăng 1,83%, lên 99,05 USD/tấn, với thời điểm trong phiên đạt tới 99,5 USD.

Các chuyên gia phân tích từ ING nhận định rằng những lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể là động lực thúc đẩy Trung Quốc công bố thêm các gói kích thích mạnh mẽ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và duy trì nhu cầu tiêu thụ quặng sắt.

Đồng tăng trở lại

Giá đồng cùng với một số kim loại cơ bản khác đã phục hồi đáng kể trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, song song với sự cải thiện của các loại tài sản rủi ro sau thông tin Mỹ sẽ trì hoãn việc áp dụng phần lớn các mức thuế trong vòng 90 ngày tới.

Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước đợt tăng giá này bởi cùng lúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định nâng gấp đôi mức thuế đối với Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.

Hợp đồng đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên với mức tăng ấn tượng 3,8%, đạt 8.939 USD/tấn.

Tại Mỹ, hợp đồng kim loại đồng giao tháng 5/2025 kết phiên tăng 3,4% lên mức 4,3365 USD/lb. 

Ngoài ra, xu hướng suy yếu của đồng USD trong cùng phiên cũng là yếu tố hỗ trợ thêm cho đà phục hồi của nhóm kim loại cơ bản trên thị trường quốc tế.

Cao su bật tăng mạnh

Thị trường cao su tại Nhật Bản đã chứng kiến mức tăng đáng kể trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm dừng áp dụng thuế trong vòng 90 ngày đã mang lại sự an tâm cho giới đầu tư.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn Osaka (OSE) đã ghi nhận mức tăng 14,7 yên, tương đương với 5,2%, lên mức 298,1 yên/kg, tương ứng 2,04 USD.

Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 9 cũng tăng thêm 470 nhân dân tệ, đạt 14.975 nhân dân tệ/tấn, tương đương khoảng 2.041 USD.

Giá cà phê đi lên

Tuyên bố vào cuối ngày thứ Tư của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông sẽ trì hoãn việc thực hiện nhiều mức thuế quan, đã khiến Liên minh châu Âu cũng tạm ngưng các biện pháp trả đũa đang được lên kế hoạch, qua đó thúc đẩy đà tăng giá của cà phê.

Giá cà phê Robusta tăng thêm 64 USD/tấn, tương ứng mức tăng 1,3%, lên 4.937 USD/tấn, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong bốn tháng vào phiên trước. Đồng thời, cà phê Arabica cũng tăng 0,3% lên mức 3,416 USD/lb, phục hồi từ mức đáy của 2 tháng rưỡi trong phiên trước đó.

Đậu tương duy trì đà tăng

Giá đậu tương tương lai trên sàn Chicago tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cung cầu hàng tháng. Việc Mỹ cùng Liên minh châu Âu đồng thời tạm hoãn một số mức thuế cũng giúp làm dịu bớt những lo ngại liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Mỹ.

Cùng với đậu tương, giá ngô cũng ghi nhận xu hướng tăng, trong khi lúa mì có dấu hiệu giảm sau công bố dữ liệu từ USDA.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất tăng 16-1/4 cent, lên 10,29 USD/giạ. Ngô tăng thêm 9 cent lên 4,83 USD/giạ, chạm đỉnh kể từ ngày 27 tháng 2 trong đầu phiên. Ngược lại, lúa mì CBOT giảm 4-1/4 cent còn 5,38 USD/giạ.

USDA đã điều chỉnh giảm lượng dự trữ ngô năm 2024-25 xuống còn 1,47 tỷ giạ, so với mức 1,54 tỷ đưa ra hồi tháng 3. Về phần đậu tương, con số dự trữ nội địa được ước tính là 375 triệu giạ, thấp hơn mức 380 triệu của tháng trước đó.

Gạo giảm do lo ngại thuế quan

Giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á tiếp tục suy yếu trong bối cảnh nhu cầu chậm lại, đặc biệt giá gạo Thái Lan rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2021. Nhiều khách hàng đã tạm ngừng mua vào và chờ đợi tình hình bất ổn do tranh chấp thương mại và thuế quan trở nên rõ ràng hơn.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm còn 390 USD/tấn, thấp hơn so với mức 395-400 USD ghi nhận trong tuần trước, đánh dấu mức giá thấp nhất trong vòng hơn ba năm.

Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm được chào bán ở mức từ 388 đến 394 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 22 tháng, trong bối cảnh nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu lại trầm lắng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 399 USD/tấn trong ngày thứ Năm, giảm so với khoảng giá 405-410 USD/tấn của tuần trước.

Giá cacao sụt giảm

Giá cacao giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm sau khi tập đoàn chocolate và cacao toàn cầu Barry Callebaut công bố kết quả kinh doanh kém hơn mong đợi.

Tập đoàn Thụy Sĩ này đã cắt giảm dự báo doanh số bán hàng hàng năm, viện dẫn nguyên nhân là do sự biến động giá cacao ở mức chưa từng có. Thông tin này đã khiến cổ phiếu của Barry Callebaut lao dốc hơn 20%, mức giảm lớn nhất trong một ngày trong lịch sử giao dịch của công ty.

Trên thị trường London, giá cacao giảm 110 bảng, tương đương 1,8%, về mức 5.989 GBP/tấn. Trong khi đó, tại sàn New York, giá cacao cũng lao dốc 2,9%, còn 8.074 USD/tấn.

Biến động giá một số hàng hóa quan trọng kết thúc phiên ngày 10/04/2025:

Biến động giá hàng hóa kết phiên 10/04/2025