Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7, giá dầu gần như đi ngang trong khi vàng tăng hơn 1% do lo ngại nợ công và rủi ro chính trị. Ở một diễn biến khác, giá đồng lập đỉnh 3 tháng do nhu cầu tại Trung Quốc.

Giá dầu thô gần như không đổi

Hợp đồng dầu thô tương lai của Mỹ gần như không thay đổi sau phiên giao dịch ngày thứ Ba, dù Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố tồn kho dầu thô nội địa bất ngờ giảm.

Hợp đồng dầu WTI – chuẩn dầu của Mỹ chốt phiên tăng 0,34 USD, tương đương 0,5%, lên 65,45 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 37 cent, tương đương 0,55% lên mức 67,11 USD/thùng. 

Theo API, tồn kho dầu thô Mỹ tăng khoảng 680.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 28/6, trái ngược với mức giảm 4,3 triệu thùng của tuần trước và kỳ vọng giảm khoảng 2,3 triệu thùng.

Tồn kho xăng tăng 1,9 triệu thùng, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất (bao gồm dầu diesel và dầu sưởi) giảm 3,4 triệu thùng.

Báo cáo tồn kho chính thức từ chính phủ Mỹ sẽ được công bố vào 21h30 thứ Tư (giờ Việt Nam).

Vàng tăng hơn 1%

Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn sau khi dự luật cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được Thượng viện thông qua, trước hạn chót ngày 9/7 liên quan đến thuế quan thương mại.

Giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 3.337,42 USD/ounce. Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ tăng 1,3% lên 3.349,8 USD/ounce.

Thượng viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu theo đề xuất của Trump, trong đó cắt giảm một số chương trình dịch vụ xã hội.

“Dự luật này góp phần làm tăng thâm hụt ngân sách lên khoảng 3.000 tỷ USD trong 10 năm tới, đây là yếu tố hỗ trợ giá vàng,” nhà phân tích Edward Meir của Marex nhận định.

Ông nói thêm rằng điều này mang tính lạm phát và sẽ khiến gánh nặng nợ gia tăng, thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.

Vàng – tài sản trú ẩn giá trị – thường hưởng lợi trong môi trường chính trị và kinh tế bất ổn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo rằng một số quốc gia có thể bị áp thuế cao hơn dù đang đàm phán thiện chí, khi thời hạn ngày 9/7 đến gần – thời điểm thuế quan tạm thời 10% có thể tăng trở lại mức 11%-50%.

Nhà đầu tư đang theo dõi dữ liệu việc làm ADP của Mỹ (thứ Tư) và báo cáo bảng lương (thứ Năm) để đánh giá định hướng chính sách của Fed.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nếu không tính yếu tố thuế, lạm phát đang diễn biến đúng kỳ vọng.

Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, tổng cộng 50 điểm cơ bản, bắt đầu từ tháng 9.

Giá bạc kỳ hạn tăng 0,6% lên 36,395 USD/ounce; platinum tăng 1,2% lên mức 1.358,7 USD.

Đồng đạt mức cao nhất trong ba tháng

Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong ba tháng vào thứ Ba do kỳ vọng tăng về nhu cầu tại Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu – nhờ dữ liệu sản xuất mạnh hơn và đồng USD yếu.

Hợp đồng đồng chuẩn trên sàn LME tăng 0,7% lên 9.935 USD/tấn vào lúc 17h08 (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao 9.984 USD – đỉnh kể từ 27/3.

Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc mở rộng trong tháng 6, nhờ số đơn hàng mới tăng giúp nâng sản lượng, theo khảo sát tư nhân.

Đồng USD yếu khiến giá kim loại định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn với người dùng tiền tệ khác, kích thích lực mua từ các quỹ đầu cơ theo mô hình thuật toán.

Lượng hàng tồn kho thấp cũng hỗ trợ giá: kho của LME còn 91.250 tấn, giảm 66% từ giữa tháng 2; tại sàn Thượng Hải là 81.550 tấn, cũng giảm 66% từ đầu tháng 3.

Đậu tương ổn định, lúa mì tăng, ngô giảm

Giá ngô Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục mới vào thứ Ba do điều kiện mùa vụ thuận lợi hơn dự kiến, củng cố triển vọng sản lượng và nguồn cung dồi dào.

Đậu tương gần như đi ngang khi giá dầu đậu tương tăng bù đắp áp lực ban đầu từ thời tiết tốt và điều kiện mùa vụ mạnh mẽ.

Lúa mì tăng trở lại nhờ lực mua kỹ thuật và động thái đóng vị thế bán sau chuỗi phiên giảm.

Các nhà giao dịch tiếp tục theo dõi thời tiết tại Midwest vì nhiệt độ ấm và mưa đúng thời điểm giúp tăng triển vọng năng suất khi ngô bước vào giai đoạn thụ phấn quan trọng.

Báo cáo diện tích gieo trồng từ USDA công bố đầu tuần chỉ có thay đổi nhỏ, trong khi điều kiện cây trồng được đánh giá là tốt nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Hợp đồng ngô tháng 9 CBOT giảm 3-1/4 cent xuống 4,06 USD/giạ, sau khi chạm mức thấp kỷ lục 4,00-1/4 USD. 

Hợp đồng đậu tương tháng 11 tăng nhẹ 1/4 cent lên 10,27-1/4 USD.

Lúa mì tháng 9 tăng mạnh 10-3/4 cent lên mức 5,49 USD/giạ, sau khi ghi nhận 6 phiên giảm trong 7 phiên giao dịch trước đó.

Đường thô tiếp tục giảm giá

Giá đường thô giảm tiếp trong phiên thứ Ba sau đợt đáo hạn hợp đồng tháng 7 yếu, khiến tâm lý thị trường thêm tiêu cực trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và nhu cầu vẫn yếu.

Hợp đồng đường thô giảm 0,5 cent, tương đương 3,1%, còn 15,70 cent/pound.

Tỷ lệ mía dùng để sản xuất đường tại khu vực Trung - Nam Brazil tăng lên 51,5% trong nửa đầu tháng 6, so với 49,7% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sản xuất đường vẫn sinh lời tốt hơn ethanol dù giá gần đây giảm.

Một yếu tố khác khiến giá giảm là do mưa mùa lớn và đến sớm tại Ấn Độ và Thái Lan – có thể giúp tăng sản lượng đường.

Đường trắng giảm 2,2% còn 462,70 USD/tấn.

Giá cà phê diễn biến trái chiều

Cà phê robusta tăng 40 USD, tương đương 1,1%, lên 3.660 USD/tấn, rời xa mức thấp nhất trong một năm ghi nhận tuần trước (3.459 USD).

Ngược lại, cà phê arabica giảm 2,7% còn 2,9195 USD/pound, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng ở 2,88 USD/pound.

Theo trung tâm nghiên cứu Cepea thuộc ĐH Sao Paulo, sương giá tuần trước đã ảnh hưởng đến một số vùng trồng cà phê tại bang Parana của Brazil – tuy là khu vực sản xuất nhỏ, nhưng vẫn gây lo ngại.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết phiên ngày 1/7/2025:

Biến động giá hàng hóa 01/07/2025