Trong phiên giao dịch ngày 3/4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đáp trả, giá dầu lao dốc hơn 6%. Cùng với đó, giá vàng, kim loại cơ bản, quặng sắt, cao su và cà phê cũng đồng loạt suy giảm.
Dầu giảm sâu hơn 6%
Giá dầu lao dốc mạnh sau khi OPEC+ quyết định đẩy nhanh tiến độ dỡ bỏ cắt giảm sản lượng từ đầu tháng 5, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu mới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, dầu Brent giảm 4,81 USD, tương đương 6,42%, xuống còn 70,14 USD/thùng. Dầu WTI cũng mất 4,76 USD, tương đương 6,64%, chốt ở mức 66,95 USD/thùng.
Tại cuộc họp của các Bộ trưởng vào ngày 3/5, OPEC+ đã thống nhất tăng tốc khôi phục nguồn cung dầu ra thị trường, với kế hoạch nâng sản lượng lên 411.000 thùng/ngày trong tháng 5, thay vì mức 135.000 thùng/ngày như kế hoạch trước đó.
Trước thời điểm cuộc họp diễn ra, giá dầu đã giảm 4% khi giới đầu tư lo ngại việc áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên diện rộng, kéo theo rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu và tác động tiêu cực đến nhu cầu năng lượng.
Nhà Trắng xác nhận rằng dầu thô, khí đốt và các sản phẩm lọc dầu sẽ không nằm trong danh sách bị áp thuế mới.
Ngày 2/4, các chuyên gia từ UBS đã điều chỉnh giảm dự báo giá dầu trong giai đoạn 2025-2026 xuống còn 72 USD/thùng, thấp hơn 3 USD/thùng so với mức dự báo trước đó.
Các nhà giao dịch và phân tích thị trường hiện nhận định rằng giá dầu có thể biến động mạnh trong thời gian tới khi chính sách thuế có khả năng thay đổi, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các quốc gia liên quan hoặc các biện pháp trả đũa thương mại.
Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng thêm 6,2 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự báo trước đó của giới phân tích là giảm 2,1 triệu thùng.
Vàng thoái lui sau khi đạt đỉnh lịch sử
Sau khi chạm mức cao kỷ lục, giá vàng giảm hơn 2% do áp lực bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu, xuất phát từ quyết định áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giá vàng giao ngay giảm 0,85%, xuống còn 3.106,99 USD/ounce sau khi lập đỉnh mới tại 3.167,57 USD/ounce trong cùng phiên. Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 4 tại Mỹ đóng cửa với mức giảm 1,4%, xuống 3.121,7 USD/ounce.
Các nhà giao dịch cho rằng áp lực giảm này chủ yếu đến từ hoạt động chốt lời, cũng như tình trạng gọi ký quỹ trên nhiều loại tài sản khác, buộc một số nhà đầu tư phải bán bớt vàng để bù lỗ.
Chính sách thuế quan mới của ông Trump đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chịu áp lực mạnh, làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Kim loại cơ bản giảm giá
Tại London, giá các kim loại cơ bản đồng loạt đi xuống, trong đó đồng chạm mức thấp nhất trong một tháng, do nhà đầu tư lo ngại rằng chính sách thuế mới của Mỹ sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu kim loại suy yếu.
Giá hợp đồng đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 3,3% xuống còn 9.378 USD/tấn, sau khi có thời điểm rơi xuống 9.353 USD – mức thấp nhất kể từ ngày 4/3.
Trước viễn cảnh thuế quan có thể kìm hãm triển vọng tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, ngân hàng Citi dự báo giá đồng có thể giảm xuống 8.500 USD/tấn vào quý 3 năm nay. BNP Paribas cũng đưa ra dự báo tương tự cho quý 2.
Nhà Trắng tuyên bố đồng không nằm trong danh sách chịu thuế mới, vì kim loại này vẫn đang được chính quyền Mỹ xem xét áp thuế riêng biệt. Tương tự, nhôm và thép cũng đã bị áp mức thuế 25% trước đó. Ngoài ra, một số khoáng sản thiết yếu mà Mỹ không thể tự cung ứng cũng sẽ không bị áp thuế bổ sung, bao gồm kẽm và thiếc.
Trên sàn COMEX, hợp đồng tương lai đồng kỳ hạn tháng 5 giảm mạnh 4,21% xuống còn 4,8285 USD/lb.
Quặng sắt giảm do ảnh hưởng từ chính sách thuế mới của Mỹ
Giá quặng sắt sụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng bị áp thuế đối ứng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ theo mùa đối với nguyên liệu sản xuất thép này đã phần nào hạn chế đà giảm sâu.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 giảm 0,32%, xuống còn 788,5 CNY (108,05 USD)/tấn.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tại Singapore cũng giảm 0,84%, còn 101,95 USD/tấn.
Mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp dụng cao hơn so với dự đoán, điều này có thể tạo thêm áp lực lớn đối với thị trường sắt thép.
Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế 34%, đưa tổng mức thuế mới lên đến 54%.
Trong ngày 3/4, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu Washington hủy bỏ ngay các biện pháp thuế quan mới, đồng thời tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nhằm bảo vệ lợi ích của mình.
Dù vậy, tại Trung Quốc, các nhà máy thép đã gia tăng sản lượng để tận dụng mùa cao điểm trong lĩnh vực xây dựng vào tháng 3 và tháng 4, góp phần làm dịu tác động của việc giảm giá quặng sắt.
Về phía nguồn cung, xuất khẩu quặng sắt từ Australia giảm 17% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của mùa bão hiện tại.
Tại thị trường Thượng Hải, giá thép thanh giảm 0,19%, thép cuộn cán nóng giảm 0,63%, thép không gỉ mất 0,92%, trong khi dây thép cuộn tăng nhẹ 0,4%.
Thị trường tài chính Trung Quốc sẽ tạm nghỉ giao dịch vào ngày 4/4 nhân dịp kỳ nghỉ lễ.
Cao su Nhật Bản rơi xuống mức thấp nhất trong ba tuần
Giá cao su tại Nhật Bản lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan mới, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu toàn cầu và gia tăng căng thẳng trong chiến tranh thương mại.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch Osaka khép phiên với mức giảm 3,92%, xuống còn 331,3 JPY (2,26 USD)/kg, tiệm cận mức thấp nhất trong ba tuần là 331,1 JPY.
Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 giảm 3,18%, xuống còn 16.295 CNY (2.232,99 USD)/tấn. Trước đó trong phiên, giá đã chạm mức 16.310 CNY – mức thấp nhất trong vòng bảy tháng, kể từ ngày 6/9/2024.
Các nhà giao dịch dự báo giá cao su sẽ tiếp tục có biến động trong tuần tới, khi thị trường tìm kiếm các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự mới.
Giá gạo Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm
Thị trường gạo Thái Lan chứng kiến mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2022 do tác động của việc áp thuế nhập khẩu mới từ Mỹ và tình trạng dư cung kéo dài. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng tiệm cận mức thấp nhất trong hai năm do nhu cầu giảm sút.
Mỹ áp dụng thuế suất cố định 26% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu từ Ấn Độ, trong khi gạo từ Thái Lan chịu mức thuế 36%, Bangladesh là 37% và Việt Nam lên tới 46%.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức 395 – 400 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Thị trường chịu áp lực từ tình trạng dư cung và tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, khiến nhu cầu sụt giảm đáng kể. Nhiều nhà phân tích nhận định triển vọng của gạo Thái Lan đang trở nên đáng lo ngại.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được niêm yết trong khoảng 392 – 400 USD/tấn, ghi nhận mức thấp nhất trong gần 22 tháng do nhu cầu từ các khách hàng châu Phi chững lại giữa bối cảnh nguồn cung dồi dào. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ dao động trong khoảng 380 – 385 USD/tấn trong tuần này.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm được chào bán trong khoảng 405 – 410 USD/tấn.
Một thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tăng nhẹ nhờ vụ thu hoạch đông xuân sắp kết thúc. Ngoài ra, mức thuế nhập khẩu mới từ Mỹ không có tác động trực tiếp đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Giá cà phê giảm
Trên Sàn giao dịch ICE, cà phê arabica đóng cửa giảm 36 cent, tương đương 0,9%, xuống còn 3,8525 USD/lb, sau khi có thời điểm mất gần 3% trong phiên. Trong khi đó, cà phê robusta tăng 5 USD, tương ứng 0,1%, lên mức 5.371 USD/tấn.
Nguồn cung cà phê robusta tại Việt Nam vẫn ở mức hạn chế trong bối cảnh căng thẳng thuế quan toàn cầu gia tăng, cùng với việc nông dân giữ hàng, hạn chế bán ra. Trong khi đó, giao dịch tại Indonesia khá trầm lắng do kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr.
Với mức thuế quan mới của Mỹ, Việt Nam là một trong những quốc gia đối diện với mức áp thuế cao nhất lên tới 46%. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chính như Brazil và Indonesia chỉ phải chịu thuế lần lượt là 10% và 32%.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý 1 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Ngô đi ngang, lúa mì và đậu tương giảm giá
Giá ngô trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) không có nhiều biến động khi giới đầu tư chờ đợi phản ứng của các nước trước chính sách thuế nhập khẩu mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 5 trên CBOT kết phiên với mức giảm nhẹ 1/4 cent, xuống 4,57-1/2 USD/giạ.
Lúa mì vụ kỳ hạn tháng 5 giảm 3-1/4 cent, giao dịch ở mức 5,36 USD/giạ.
Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 5 đóng cửa với mức giảm 18 cent, xuống 10,11-1/2 USD/giạ.
Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng kết thúc phiên ngày 3/4: