Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/02/2025, giá dầu trượt xuống mức thấp nhất trong hai tháng do lượng tồn kho nhiên liệu tại Mỹ gia tăng, cùng với những tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, giá vàng suy yếu nhẹ khi giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi dữ liệu lạm phát PCE của Mỹ được công bố.

Giá dầu chạm đáy hai tháng 

Giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong hai tháng khi lượng tồn kho nhiên liệu tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, những tín hiệu khả quan về tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tiếp tục gây sức ép lên thị trường dầu mỏ.  

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 0,59%, còn 75307 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ cũng mất 0,45%, xuống còn 68,62 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2024.  

Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong khi lượng dầu thô dự trữ giảm, tồn kho xăng và dầu chưng cất lại bất ngờ tăng.  

Các chuyên gia phân tích đánh giá, những bước tiến trong đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga, qua đó làm giảm bớt rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu. Ngoài ra, Mỹ và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận về khai thác khoáng sản, được xem là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình chấm dứt xung đột.  

Giá vàng suy yếu nhẹ khi nhà đầu tư chờ dữ liệu lạm phát PCE của Mỹ  

Giá vàng giảm nhẹ sau đà tăng mạnh gần đây, khi giới đầu tư hướng sự chú ý đến dữ liệu lạm phát của Mỹ sắp được công bố và các kế hoạch thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump.  

Lúc 18:49 GMT, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 2.912,51 USD/ounce. Trong khi đó, hợp đồng vàng tương lai tại Mỹ tăng 0,4%, lên 2.930,60 USD/ounce. Trước đó, vàng đã chạm mức cao kỷ lục 2.956,15 USD/ounce vào thứ Hai do lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu.  

Hôm thứ Ba, ông Donald Trump đã chỉ đạo tiến hành điều tra về khả năng áp thuế nhập khẩu đối với kim loại đồng nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa, đặc biệt trong các ngành xe điện, quân sự và lưới điện.  

Nếu lạm phát cao hơn dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất, điều này sẽ có lợi cho vàng vì kim loại quý thường được xem là tài sản phòng ngừa lạm phát.  

Năm ngoái, Fed đã thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất, tổng cộng 75 điểm cơ bản. Thị trường hiện dự đoán Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất 54 điểm cơ bản trong năm nay, tương đương hai đợt hạ 25 điểm, với khoảng 20% khả năng xảy ra thêm một đợt cắt giảm nữa.  

Frank Watson, chuyên gia phân tích tại Kinesis Money, nhận định rằng chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ có vai trò then chốt trong việc định hướng xu hướng của vàng, do họ đã trở thành nhân tố quan trọng trong nhu cầu thị trường những năm gần đây.  

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tương lai tăng 1,4% lên mức 32,27 USD/ounce và bạch kim kỳ hạn tăng nhẹ 0,74% lên mức 976,6 USD/ounce. 

Giá đồng tại Mỹ tăng mạnh khi ông Trump thúc đẩy kế hoạch áp thuế  

Giá đồng tại Mỹ tăng vọt sau khi Tổng thống Donald Trump tiến thêm một bước trong việc xem xét áp thuế nhập khẩu kim loại này. Bên cạnh đó, tình trạng mất điện tại Chile cũng góp phần hỗ trợ giá đồng.  

Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn COMEX tăng mạnh lên mức 4,518 USD/pound trong phiên trước khi chốt ở mức tăng 1,31%, tương đương 4,54 USD/pound. Trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME), giá đồng nhích 0,4%, lên 9.439,50 USD/tấn.  

Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết mức chênh lệch giá giữa Comex và LME phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp Mỹ có thể đối mặt nếu thuế quan được áp dụng. Khoảng cách giá giữa hai sàn đã nới rộng lên 681 USD/tấn, so với 580 USD/tấn vào ngày hôm trước.  

Trước đó, ông Trump đã tuyên bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu đồng và đến ngày thứ Ba, ông tiếp tục ra lệnh điều tra về thuế suất đối với kim loại này – một vật liệu quan trọng trong sản xuất xe điện, thiết bị quân sự, lưới điện và hàng tiêu dùng.  

Dù lượng tồn kho đồng đang tăng, sự cố mất điện diện rộng tại Chile cũng đóng vai trò hỗ trợ giá. Dữ liệu cho thấy lượng tồn kho trên Comex đã hơn gấp đôi trong vòng năm tháng qua, đạt 96.760 tấn. Trong khi đó, số lượng đồng rút khỏi kho LME trong tuần qua lên tới 85.400 tấn, và một phần trong số này có thể được vận chuyển sang Mỹ.  

Giá quặng sắt tại Đại Liên tiếp tục đi xuống do triển vọng xuất khẩu thép Trung Quốc suy yếu  

Giá quặng sắt kỳ hạn tiếp tục giảm phiên thứ ba liên tiếp, khi những lo ngại về triển vọng xuất khẩu thép của Trung Quốc gia tăng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.  

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) chốt phiên giảm 0,98%, còn 812 nhân dân tệ/tấn (111,86 USD). Trong phiên, hợp đồng này đã chạm mức 803 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/02/2025.  

Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt chuẩn tháng 3/2025 giảm 0,22%, xuống còn 105,8 USD/tấn vào lúc 07:08 GMT.  

Tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tác động tiêu cực đến giá quặng sắt. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ nhằm siết chặt các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực chiến lược, kéo theo sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào thứ Ba.  

Ngoài ra, Việt Nam vừa công bố quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc cũng có động thái tương tự với thép tấm Trung Quốc. Những biện pháp này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thép của Trung Quốc, tạo thêm áp lực lên giá quặng sắt.  

Về sản xuất, sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc trong tháng qua tăng 0,8%, lên 2,151 triệu tấn. Sản lượng trung bình toàn ngành cũng ghi nhận mức tăng 4,2%, đạt 2,037 triệu tấn.  

Trên Sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE), giá thép có sự điều chỉnh nhẹ. Thép cây (rebar) tăng 1,24%, thép cuộn cán nóng nhích 1,18%, dây thép tăng 0,57%, trong khi thép không gỉ giảm 0,3%.

Giá cà phê Arabica chạm mức thấp nhất ba tuần, cacao tiếp tục tăng mạnh  

Thị trường cà phê Arabica tiếp tục chứng kiến đà suy giảm, đạt mức thấp nhất trong vòng ba tuần, trong khi giá cacao tăng mạnh mẽ.  

Cà phê Arabica giảm 0,7 cent (tương đương 0,19%) xuống 3,7520 USD/pound, sau khi chạm mức đáy ba tuần là 3,6630 USD/pound. Theo các nhà giao dịch, sự điều chỉnh này là điều dễ đoán khi thị trường đã ghi nhận mức tăng đáng kể trong những tuần đầu năm 2025, thậm chí chạm mức kỷ lục 4,2995 USD/pound trong tháng này. Theo phân tích từ Sucden Financial, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng giá sẽ tiếp tục suy yếu trong ngắn hạn. Trong khi đó, cà phê Robusta ít biến động hơn, duy trì ở mức 5.410 USD/tấn.  

JDE Peet’s, một trong những công ty hàng đầu trong ngành cà phê, báo cáo lợi nhuận năm 2024 vượt kỳ vọng, nhưng dự kiến lợi nhuận năm 2025 có thể giảm nhẹ do chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng.  

Trái lại, thị trường cacao New York ghi nhận mức tăng ấn tượng 389 USD (tương đương 4,42%), lên 9.194 USD/tấn, phục hồi đáng kể từ mức đáy ba tháng là 8.308 USD/tấn vào đầu tuần. Dù có sự bứt phá này, giá cacao vẫn giảm khoảng 16% kể từ đầu năm 2025. Trong khi đó, cacao London cũng tăng mạnh 4,47%, đạt 7.357 bảng Anh/tấn.  

Giá đường quay đầu giảm  

Thị trường đường chứng kiến đà giảm sau chuỗi ngày tăng giá trước đó. Giá đường thô giảm 0,82 cent (tương đương 3,8%) xuống còn 20,64 cent/pound, sau khi chạm mức cao hai tháng là 21,57 cent/pound trong phiên trước.  

Các nhà giao dịch cho biết hợp đồng đường kỳ hạn tháng 3/2025 sắp đáo hạn vào thứ Sáu, trong khi mức chênh lệch giá giữa hợp đồng tháng 3 và tháng 5 đã thu hẹp từ 1,43 cent xuống còn 1,19 cent. Đường trắng cũng giảm 1,6%, xuống còn 554,70 USD/tấn.  

Đà tăng giá trong thời gian qua phần lớn do điều kiện thời tiết khô hạn tại Brazil, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, sản lượng đường tại Ấn Độ – nhà sản xuất lớn thứ hai toàn cầu – cũng thấp hơn dự báo. Theo Rabobank, thời tiết tại Brazil có thể tiếp tục khô hạn trong hai tuần tới, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.  

Giá cao su tại Nhật Bản giảm do đồng yên mạnh và lo ngại thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ  

Thị trường cao su tại Nhật Bản tiếp tục giảm phiên thứ ba liên tiếp, khi đồng yên mạnh hơn và những quan ngại về thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ gây áp lực lên giá.  

Hợp đồng cao su giao tháng 8/2025 trên sàn TOCOM giảm 7 yên (tương đương 1,9%) xuống còn 361 yên/kg (tương đương 2,42 USD/kg), sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/1/2025 ở 359,2 yên/kg.  

Tại Trung Quốc, hợp đồng cao su giao tháng 5/2025 trên Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 295 nhân dân tệ (1,65%) xuống còn 17.600 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.424,74 USD/tấn). Trong khi đó, hợp đồng cao su butadien giao tháng 2/2025 lại tăng nhẹ 95 nhân dân tệ (0,69%) lên 13.810 nhân dân tệ/tấn (1.902,60 USD/tấn). Trên Sàn Giao dịch Singapore (SICOM), hợp đồng cao su tháng 3/2025 giảm 1,3% xuống 200 cent/kg.  

Đồng USD tăng 0,3% lên 149,41 yên, khiến các tài sản định giá bằng yên trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su. Theo báo cáo từ Tonghuashun Information, nguồn cung cao su tự nhiên đang trong giai đoạn sản xuất thấp, góp phần hỗ trợ giá.  

Ngũ cốc và đậu tương tại Chicago giảm do chốt lời cuối tháng và lo ngại về thuế quan  

Giá các mặt hàng ngũ cốc và đậu tương trên Sàn Chicago giảm do động thái chốt lời từ các nhà giao dịch, đồng thời thị trường theo dõi sát sao tác động của thuế quan mới của Mỹ đối với Mexico và Canada.  

Kết thúc phiên, hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất giảm 7 cent xuống còn 10,41 USD/giạ. Hợp đồng ngô kỳ hạn phổ biến nhất giảm 1 cent, còn 4,78 USD/giạ. Hợp đồng lúa mì giảm 8 cent, xuống mức 5,79-3/4 USD/giạ.  

Tổng thống Donald Trump vào thứ Tư cho biết có khả năng trì hoãn thuế quan thêm một tháng, từ ngày 4/3 dời sang 2/4.  

Ngoài ra, mùa thu hoạch đậu tương tại Nam Mỹ được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục, làm gia tăng áp lực nguồn cung lên thị trường.  

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sẽ công bố dự báo diện tích trồng trọt vào thứ Năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, diện tích trồng ngô có thể tăng, trong khi diện tích trồng đậu tương nhiều khả năng sẽ giảm.

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng sáng ngày 27/2: 

Biến động giá kết phiên ngày 26/2/2025