Phiên giao dịch ngày 25/9 ghi nhận giá dầu giảm hơn 2% do những lo ngại về nguồn cung tại Libya đã giảm bớt và nhu cầu yếu. Trong khi đó vàng lập kỷ lục mới, quặng sắt đạt mức cao nhất trong 3 tuần, cao su lên mức đỉnh trong 13 năm, còn đường, cà phê và các loại ngũ cốc khác đồng loạt tăng.
Dầu giảm trên 2%
Giá dầu giảm mạnh hơn 2% do sự lo lắng về gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya dịu đi và nhu cầu giảm vẫn tiếp diễn dù Trung Quốc đã đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế mới nhất.
Dẫu vậy, việc dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm cùng với những căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông đã tạo ra một số động lực hỗ trợ giá dầu.
Kết thúc phiên 24/9, dầu thô Brent giảm 1.71 USD, tương ứng giảm 2.27%, xuống còn 73.46 USD/thùng. Tương tự, dầu WTI cũng giảm 1.87 USD, tức giảm 2.61%, xuống 69.69 USD/thùng.
Các bên tại Libya đã ký kết một thỏa thuận liên quan đến quy trình bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương, một bước quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ, điều đã tác động đến sản lượng và xuất khẩu dầu tại Libya.
Dù ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ tiền tệ vào ngày 24/5, đây là biện pháp mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng các nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng cần có thêm sự hỗ trợ tài chính để thúc đẩy hoạt động kinh tế của nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo rằng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 4.5 triệu thùng, xuống còn 413 triệu thùng, lớn hơn rất nhiều so với dự báo giảm 1.4 triệu thùng từ các chuyên gia trong một khảo sát của Reuters. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm trong tuần trước.
Vàng lập đỉnh mới
Giá vàng tiếp tục tăng, đạt mức kỷ lục do kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự yếu đi của đồng USD.
Vàng giao ngay tăng 0.2% lên mức 2,662 USD/ounce, sau khi đạt mức đỉnh 2,670.43 USD. Vàng kỳ hạn tháng 12 của Mỹ chốt phiên tăng 0.3%, đạt 2,684.7 USD/ounce.
USD vẫn duy trì ổn định gần mức thấp nhất trong vòng 14 tháng so với rổ tiền tệ, làm cho vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Fed đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần trước và giới đầu tư dự đoán khả năng 59% rằng lãi suất sẽ tiếp tục bị cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 11. Nhờ vào chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương và những vấn đề địa chính trị, giá vàng đã tăng 29% trong năm 2024.
Giá đồng ổn định sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tuần
Giá đồng giữ vững sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tuần, do đồng USD tăng giá và sự hỗ trợ yếu đi từ các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu.
Hợp đồng đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME tăng 0.2% lên 9,817.5 USD/tấn, sau khi đạt 9,913 USD trước đó trong phiên – mức cao nhất kể từ ngày 15/7.
Các biện pháp của ngân hàng trung ương Trung Quốc, như hạ chi phí vay cho các ngân hàng và bơm thêm tiền vào nền kinh tế, đã giúp giảm bớt gánh nặng trả nợ thế chấp cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng những biện pháp này khó có thể giải quyết hoàn toàn các vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc.
Quặng sắt tăng lên mức cao nhất 3 tuần
Giá quặng sắt đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần, nhờ một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ mới từ Trung Quốc và nguồn cung toàn cầu giảm đã hỗ trợ thị trường.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 4.19%, đạt 709 CNY (101.02 USD)/tấn, và đã đạt đỉnh 730.5 CNY trong phiên – mức cao nhất từ ngày 2/9.
Giá quặng sắt tại Singapore cũng tăng 1.7%, đạt 96.35 USD/tấn.
Cao su Nhật Bản chạm đỉnh 13 năm
Giá cao su tại Nhật Bản đã leo lên mức cao nhất trong 13 năm, nhờ thông báo về các biện pháp kích thích bổ sung của chính phủ Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2025 trên sàn Osaka đóng cửa tăng 2 JPY, tương đương tăng 0.52%, lên 387 JPY (2.69 USD)/kg, sau khi đạt đỉnh 400 JPY trong phiên – mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2011.
Đường tiếp tục tăng
Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 chốt phiên tăng 0,3 cent, tương ứng tăng 1.3%, lên 23.42 US cent/lb, sau khi chạm mức cao nhất trong 7 tháng ở mức 23.57 US cent.
Dự kiến nhà xuất khẩu đường hàng đầu Brazil sẽ trải qua một trong những giai đoạn giữa vụ dài nhất trong nhiều thập kỷ do hạn hán lịch sử và cháy rừng lan rộng, gây ảnh hưởng đến chiến lược của các nhà đầu cơ bán khống đường thô trong thời gian dài.
Cà phê tăng giá
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 kết phiên tăng 1.3 cent, tức 0.5%, lên mức 269.1 UScent/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong 13 năm ở mức 271.2 UScent. Các nhà phân tích cho rằng thời tiết khô hạn tại Brazil đang là mối lo ngại chính, làm giảm triển vọng sản lượng năm tới.
Hợp đồng cà phê Robusta giao tháng 11 kết phiên ở mức 5,446 USD/tấn, tăng 2.5%.
Lúa mì, đậu tương, và ngô đều tăng giá
Lúa mì kỳ hạn trên sàn CBOT chốt phiên tăng 11 cent lên mức 5.89 USD/giạ, hồi phục sau đợt giảm trước đó nhờ lo ngại về triển vọng mùa vụ tại Nga và Ukraine.
Hợp đồng đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 tăng 11 cent, đạt 10.53 USD/giạ, trong khi ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 3 cent, lên 4.15 USD/giạ.
Tổng hợp giá các loại hàng hóa quan trọng ngày 26/9: