Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10/2024, giá dầu thô đã tăng 3% khi Iran tấn công tên lửa vào Israel, kéo theo giá vàng tăng 1% do nhu cầu trú ẩn an toàn sau cuộc tấn công. Trong khi đó, giá đồng và nhôm đã phục hồi nhưng lượng mua ít khiến giá ca cao và cà phê giảm. Ở một diễn biến khác, đồng Yên suy yếu và kinh tế châu Á yếu kém khiến giá cao su Nhật Bản tăng lên. Cùng với đó, thị trường Trung Quốc bắt đầu bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 1 tuần.
Dầu thô tăng gần 3%
Giá dầu đã tăng khoảng 3% trong phiên ngày hôm qua, sau khi bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào Israel nhằm trả đũa chiến dịch của nước này đối với đồng minh Hezbollah ở Lebanon.
Kết phiên, giá dầu Brent tăng 1.86 USD, hay 2.6% lên mức 73.56 USD/thùng. Giá dầu thô WTI ở mức 69.83 USD, tăng 2.4%, hay 1.66 USD.
Chiến lược gia rủi ro chính trị độc lập Clay Seigle cho biết nhiều khả năng “Israel sẽ không ngần ngại tấn công quân sự nhằm vào Iran, đe dọa nguồn tài sản dầu mỏ của nước này”. Điều này xảy ra có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung nhiên liệu lên đến hơn 1 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, lực lượng Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm tấn công khiến ít nhất 1 trong 2 tài bị hư hại ngoài khơi cảng Hodeidah trên Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thuyền quốc tế gần Yemen đã được bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái để thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine.
Trước khi sự kiện Iran tấn công Israel xảy ra, thị trường dầu thô đang được giao dịch gần mức thấp nhất trong hai tuần khi triển vọng nguồn cung tăng lên trong khi nhu cầu vẫn ảm đạm.
Hội đồng Bộ trưởng của các quốc gia thành viên OPEC+ sẽ nhóm họp vào 2/10 để xem xét tình hình thị trường. Hiện không có dự kiến nào về thay đổi chính sách. OPEC+ dự kiến sẽ bắt đầu tăng sản lượng dầu thô lên 180,000 thùng/tháng kể từ tháng 12.
Bên cạnh đó, khả năng nguồn cung dầu từ Lybia được phục hồi đè nặng lên thị trường vào đầu phiên thứ Ba khi quốc hội miền đông nước này đã phê chuẩn đề cử thống đốc ngân hàng trung ương mới, giúp chấm dứt cuộc tranh chấp làm giảm sản lượng dầu của quốc gia này.
Giá vàng tăng hơn 1% do nhu cầu trú ẩn an toàn sau cuộc tấn công của Iran vào Israel
Giá vàng thế giới tăng hơn 1% khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao do lo ngại về xung đột ở Trung Đông leo thang sau vụ Iran bắn tên lửa đạn đạo vào Israel.
Vàng giao ngay đã tăng 1% lên 2,661.63 USD/ounce lúc 17:40 GMT, sau khi chạm đỉnh lịch sử 2,685.42 USD vào thứ Năm tuần trước. Giá vàng kỳ hạn Mỹ cũng tăng 0.9% lên 2,690.3 USD.
Trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, vàng được xem là kênh đầu tư an toàn.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm, khiến vàng không sinh lợi trở nên hấp dẫn hơn.
Giá bạc giao ngay tăng 0.7% lên 31.36 USD/ounce, bạch kim tăng 1.2% lên 987.70 USD, trong khi palladium giảm 0.6% xuống 994.50 USD.
Giá đồng và nhôm phục hồi nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc
Giá đồng và nhôm tăng sau các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc. Giá đồng LME kỳ hạn 3 tháng tăng 1.5% lên 9,972 USD/tấn, trong khi nhôm tăng 1.3% lên 2,644.5 USD. Do thị trường Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 1-7/10, khối lượng giao dịch giảm sút.
Lúa mì tăng do hạn hán và căng thẳng địa chính trị; giá ngô theo sau
Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago tăng do căng thẳng địa chính trị gia tăng và nguồn cung từ Biển Đen có dấu hiệu thắt chặt.
Giá ngô kỳ hạn tăng lên mức cao mới trong 3 tháng nhờ sự hỗ trợ từ lúa mì và giá dầu leo thang. Trong khi đó, giá đậu tương CBOT hầu như không thay đổi.
Hợp đồng lúa mì CBOT tăng 15 cent lên 5.99 USD/giạ, sau khi đạt mức cao nhất kể từ 17/6 ở 6.02-1/2 USD/giạ.
Giá ngô CBOT tăng 4-1/4 cent lên 4.29 USD/giạ, sau khi chạm 4.32-3/4 USD/giạ, mức cao nhất kể từ ngày 28/6. Đậu tương kết thúc phiên tăng 1/4 cent lên 10.57-1/4 USD/giạ.
Ngoài yếu tố địa chính trị, giá lúa mì còn được thúc đẩy bởi thông tin giá xuất khẩu lúa mì Nga tăng trong tuần qua, bất chấp tốc độ vận chuyển nhanh hơn và dấu hiệu về vụ mùa nhỏ hơn dự kiến của Ukraine.
Giá ca cao và cà phê giảm do hoạt động mua bán chậm chạp
Giá ca cao kỳ hạn tại New York giảm do giao dịch chậm chạp, trong khi giá cà phê cũng giảm do dự báo mưa ở Brazil.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 12 tại New York giảm 683 USD, tương đương 8.8%, xuống còn 7,039 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất từ giữa tháng 5. Hợp đồng này đã giảm 6.8% vào thứ Hai.
Thời tiết thuận lợi ở Bờ Biển Ngà và Ghana đang giúp cải thiện triển vọng vụ mùa, đồng thời kiểm soát đà tăng giá của ca cao trong năm nay.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 6.1 cent, tương đương 2.3%, xuống còn 264.15 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tuần trước. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 1% xuống 5,445 USD/tấn.
Các đại lý nhận định giá cà phê đang điều chỉnh do kỳ vọng về những cơn mưa rất cần thiết cho các vùng sản xuất hàng đầu ở Brazil.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 2.2% lên 22.97 cent/lb, nhưng vẫn cách xa mức đỉnh trong 7 tháng qua. Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 0.9% lên 582.80 USD/tấn.
Giá cao su Nhật Bản tăng nhờ đồng yên yếu và các biện pháp kích thích kinh tế ở châu Á
Giá cao su kỳ hạn Nhật Bản tăng nhờ đồng yên yếu hơn và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi dữ liệu kinh tế yếu trên toàn châu Á.
Hợp đồng cao su giao tháng 3 tăng 8.8 yên, tương đương 2.18%, chốt ở mức 412.1 yên (2,85 USD)/kg.
Hoạt động sản xuất nhà máy tại châu Á suy yếu trong tháng 9 do nhu cầu từ Trung Quốc giảm và sự bất ổn kinh tế toàn cầu, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 9, kéo niềm tin của các chủ nhà máy xuống gần mức thấp kỷ lục. Tại Nhật Bản, hoạt động sản xuất bị thu hẹp, cho thấy nhu cầu toàn cầu yếu đang ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 tại SICOM, Singapore cuối cùng giao dịch ở mức 215.8 US cent/kg, tăng 0.1%.
Giá một số loại hàng hóa quan trọng sáng ngày 2/10/2024:
>>>> XEM THÊM:
Hàng hóa phái sinh | Khái niệm, lợi thế, rủi ro
Giao dịch hàng hóa phái sinh | Hướng dẫn giao dịch, các bước thực hiện