Đồng USD suy yếu và căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá dầu, kim loại, ngũ cốc tăng cao. 

Dầu tăng hơn 3%

Giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng vào thứ Hai sau thông tin về việc tạm dừng khai thác dầu thô tại mỏ Johan Sverdrup ở Na Uy.  

  • Giá dầu Brent kết thúc phiên ở mức 73,30 USD/thùng, tăng 2,26 USD, tương đương 3,2%.  

  • Giá dầu thế giới WTI đóng cửa ở mức 69,16 USD/thùng, tăng 2,14 USD, tương đương 3,2%.  

Equinor thông báo đã ngừng sản xuất tại Johan Sverdrup, mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, do sự cố mất điện. Tin tức này tiếp tục thúc đẩy giá dầu tăng, cho thấy thị trường dầu thô Biển Bắc có khả năng bị thắt chặt. Biển Bắc cũng là khu vực cung cấp dầu thô cơ bản cho hợp đồng Brent kỳ hạn.  

Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng do căng thẳng gia tăng ở Ukraine vào cuối tuần qua.  

Vàng bật tăng mạnh  

Giá vàng tăng vọt vào thứ Hai sau sáu phiên giảm liên tiếp, nhờ đồng USD suy yếu và bất ổn gia tăng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên nhu cầu trú ẩn an toàn.  

  • Vàng giao ngay tăng 1,8% lên 2.608,19 USD/ounce.  

  • Vàng kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 1,7% lên 2.614,60 USD.  

Vàng, thường được coi là tài sản an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị, trước đó đã giảm mạnh nhất trong hơn ba năm do lo ngại lạm phát tiềm tàng từ các chính sách kinh tế của chính quyền Trump, điều có thể khiến Fed giảm tốc độ cắt giảm lãi suất.  

Thị trường kỳ vọng Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ ba vào tháng 12, dù dữ liệu gần đây cho thấy tiến trình đưa lạm phát về mức 2% đang chậm lại. Lãi suất cao tiếp tục tạo áp lực lên các tài sản không sinh lời như vàng.  

Quặng sắt áp sát 100 USD/tấn

Giá quặng sắt đạt gần 100 USD/tấn vào thứ Hai, nhờ nhu cầu ngắn hạn ổn định và hy vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới.  

  • Quặng sắt kỳ hạn tháng 12 trên sàn Singapore tăng 2,78% lên 99,4 USD/tấn, sau khi chạm 100,3 USD/tấn đầu phiên.  

  • Hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn DCE Trung Quốc tăng 1,87% lên 761 nhân dân tệ (105,08 USD)/tấn.  

Theo Mysteel, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày của các nhà sản xuất thép Trung Quốc tính đến ngày 15/11 đã tăng 0,8% so với tuần trước, đạt 2,36 triệu tấn – mức cao nhất kể từ đầu tháng 8.  

Đồng phục hồi, nhôm giảm

Giá đồng phục hồi vào thứ Hai nhờ đồng USD yếu đi, nhưng đà tăng bị hạn chế do lo ngại về thuế quan dưới thời chính quyền Trump và các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.  

Hợp đồng kim loại đồng kỳ hạn ba tháng trên sàn LME tăng 0,8% lên 9.070 USD/tấn, giảm 11% so với đỉnh bốn tháng hôm 30/9.  

Trong khi đó giá nhôm giảm 1,4% xuống 2.613 USD/tấn, sau khi Trung Quốc thông báo hủy hoàn thuế 13% đối với xuất khẩu nhôm, dù đã tăng 5,3% vào thứ Sáu.  

Chỉ số USD giảm vào thứ Hai, khiến hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn đối với người mua dùng các đồng tiền khác.  

Cao su giảm giá

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản và Trung Quốc giảm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, dù đồng yên yếu và giá dầu tăng đã hạn chế mức giảm.  

  • Hợp đồng cao su tháng 4 trên sàn OSE giảm 2 yên, tương đương 0,57%, xuống 348 yên (2,25 USD)/kg.  

  • Hợp đồng cao su tháng 1 trên sàn SHFE giảm 225 nhân dân tệ xuống 17.410 nhân dân tệ (2.404 USD)/tấn.  

Cà phê Arabica giảm khỏi mức cao kỷ lục 13 năm  

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE giảm vào thứ Hai, sau khi đạt mức cao nhất trong 13 năm vì lo ngại nguồn cung ở Trung và Nam Mỹ.  

  • Cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 1,1 cent, tương đương 0,4%, xuống 2,822 USD/lb, sau khi chạm đỉnh 2,9150 USD/lb, cao nhất kể từ tháng 5/2011.  

  • Cà phê Robusta kỳ hạn tháng 1/2025 giảm 38 USD, tương đương 0,8%, xuống 4.735 USD/tấn.  

Vụ mùa tại Brazil suy giảm do hạn hán đầu năm, trong khi áp thấp nhiệt đới Sara gây hư hại một số trang trại cà phê ở Honduras.  

Ngô, lúa mì, đậu tương cùng tăng giá

Lúa mì tăng do căng thẳng tại khu vực Biển Đen sau khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế về việc sử dụng tên lửa của Ukraine.  

Trong khi đó, đậu tương tăng giá nhờ doanh số xuất khẩu cao, trong khi giá ngô tăng theo đà của lúa mì.  

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, hợp đồng tương lai lúa mì CBOT tăng 13-1/4 cent lên 5,49-3/4 USD/giạ. Giá ngô tăng 4-1/4 cent lên 4,28-1/4 USD/giạ và đậu tương tăng 4-3/4 cent lên 10,03-1/4 USD/giạ.  

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng sáng ngày 19/11: 

Bảng giá hàng hóa ngày 19/11

>>>> XEM THÊM: 

Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa

Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội