Phiên giao dịch ngày 15/11 chứng kiến giá dầu giảm hơn 2% do nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc. Trong khi đó, vàng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 3 năm, và giá nhôm tăng vọt sau khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu.

Dầu giảm hơn 2% do nhu cầu yếu từ Trung Quốc

Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên cuối tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong một tháng. Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại về nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và khả năng tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed sẽ chậm lại.  

Kết thúc phiên 15/11, dầu thô Brent giảm 1,52 USD (2,09%) xuống còn 71,04 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 1,68 USD (2,45%) xuống mức 67,02 USD/thùng.  

Tính cả tuần, dầu Brent giảm khoảng 4%, và dầu WTI giảm 5%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 10.  

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc trong tháng 10 đã xử lý ít hơn 4,6% dầu thô so với cùng kỳ năm trước, do việc đóng cửa nhà máy và giảm hoạt động tại các nhà máy lọc dầu độc lập quy mô nhỏ.  

Tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc chậm lại trong tháng trước, cùng với nhu cầu yếu trong lĩnh vực bất động sản, làm tăng thêm lo ngại về sức khỏe kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này.  

Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs Research cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025. Bên cạnh đó, giá dầu chịu áp lực bởi dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chậm lại.  

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, nếu OPEC+ giữ nguyên tốc độ cắt giảm nguồn cung hiện nay. Đồng thời, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2025 do nhu cầu yếu tại Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác.  

Tại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 10 tăng cao hơn kỳ vọng, cho thấy nền kinh tế này khởi đầu quý 4 đầy mạnh mẽ. Dữ liệu này làm tăng cuộc tranh luận về tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed, khi các nhà đầu tư tiếp tục giảm kỳ vọng về việc hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 của ngân hàng trung ương. 

Lãi suất giảm thường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.  

Vàng giảm mạnh nhất trong 3 năm

Giá vàng đã trải qua tuần giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm, do kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất chậm hơn đã đẩy USD lên mức cao, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.  

Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.565,49 USD/ounce, với mức giảm hơn 4% trong tuần, chạm đáy thấp nhất kể từ ngày 12/9 ở phiên trước đó. Vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,1% xuống 2.570,1 USD/ounce.  

Đồng USD ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn một tháng, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng, sau khi số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ vượt kỳ vọng.  

Nhôm tăng mạnh sau khi Trung Quốc hủy hoàn thuế xuất khẩu

Giá nhôm tăng vọt sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hủy bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu, gây lo ngại rằng lượng xuất khẩu lớn ra nước ngoài có thể bị hạn chế.  

Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng khoảng 8,5% lên 2.730 USD/tấn, chốt phiên tăng 5,6% ở mức 2.658,5 USD/tấn. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, việc hủy hoàn thuế áp dụng cho các sản phẩm nhôm và đồng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12.  

Trung Quốc xuất khẩu từ 4-6 triệu tấn nhôm bán thành phẩm mỗi năm, chiếm khoảng 7% nguồn cung toàn cầu.  

Quặng sắt giảm do lo ngại bất động sản tại Trung Quốc

Giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tháng và đánh dấu tuần giảm mạnh, bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc, nguồn cung lớn và nhu cầu thép giảm theo mùa.  

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Đại Liên giảm 3,09% xuống 736 CNY (101,8 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 27/9, và giảm 6,18% trong tuần.  

Tại Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 giảm 1,7% xuống 96,6 USD/tấn, giảm 4,18% trong tuần này.  

Hoạt động xây dựng tại Trung Quốc giảm theo mùa do thời tiết lạnh, trong khi các nhà thầu ở phía nam đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng thời hạn cuối năm.  

Cao su Nhật Bản tăng giá do đồng JPY yếu

Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần do đồng JPY yếu, nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm thứ ba trong vòng 4 tuần, trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc.  

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4/2025 trên sàn Osaka tăng 6 JPY (1,74%) lên 350 JPY (2,24 USD)/kg, nhưng giảm 4,71% trong tuần.  

Diễn biến trái chiều của cà phê và đường

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 0,039 US cent (tương đương 1,4%) lên 2,833 USD/lb, tiến gần mức đỉnh trong 13 năm được ghi nhận ở phiên trước.  

Theo các đại lý, vụ mùa năm sau tại Brazil đang gặp một số bất lợi do thời tiết khô hạn vào đầu năm, khiến độ ẩm đất vẫn thấp mặc dù đã có mưa gần đây.  

Sucden Financial, một công ty môi giới, nhận định rằng các tín hiệu kỹ thuật tích cực cho thấy giá có khả năng tiếp tục tăng trong ngắn hạn, dù tốc độ tăng có thể chậm lại.  

Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2025 giảm nhẹ 4 USD (0,1%) xuống còn 4.773 USD/tấn.  

Về mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 0,1% lên 21,58 US cent/lb, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm nhẹ 0,1 USD xuống 545,2 USD/tấn.

Ngô và lúa mì tăng giá

Giá ngô trên sàn CBOT tăng nhờ giao dịch kỹ thuật, sau 4 ngày giảm liên tiếp vì lo ngại về nhu cầu trong nước nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump không ưu tiên ngành nhiên liệu sinh học. Ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,05 cent lên 4,24 USD/giạ.  

Lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 6-1/4 cent lên 5,36-1/2 USD/giạ, phục hồi từ mức thấp nhiều tháng trước đó do USD tăng giá.  

Biến động giá của một số loại hàng hóa quan trọng sáng ngày 16/11: 

Biến động giá hàng hóa 16/11

>>>> XEM THÊM: 

Hàng hóa phái sinh là gì? Tiềm năng của thị trường đầu tư hàng hóa

Giao dịch hàng hóa là gì? Đặc điểm, rủi ro và cơ hội