Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 11/2/2025, trong khi vàng, đồng, nhôm và quặng sắt đều giảm. Cà phê arabica cũng mất đà tăng sau khi chạm mức cao kỷ lục, do giá tăng liên tục trong thời gian qua khiến nhu cầu suy giảm.  

Dầu đạt đỉnh hai tuần do lo ngại về nguồn cung  

Giá dầu duy trì xu hướng tăng trong phiên thứ Ba, chạm mức cao nhất trong vòng hai tuần khi các lệnh trừng phạt của Mỹ làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga và Iran. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông tiếp tục tác động đến thị trường, lấn át những lo ngại về tác động của thuế quan thương mại đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.  

Giá dầu Brent tăng 1,13 USD, tương đương 1,5%, khép phiên ở mức 77,00 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ cũng nhích lên 1,00 USD, tương đương 1,4%, đóng cửa tại 73,32 USD/thùng.  

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên tàu chở dầu, nhà sản xuất và công ty bảo hiểm, khiến việc vận chuyển dầu từ Nga đến các quốc gia nhập khẩu gặp nhiều trở ngại.  

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt nhắm vào mạng lưới vận chuyển dầu của Iran cũng tạo thêm động lực đẩy giá dầu thô lên cao.  

Vàng suy yếu sau khi đạt kỷ lục mới  

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời sau khi kim loại quý này thiết lập mức đỉnh mới.  

Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống còn 2.904,87 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất phiên ở 2.942,70 USD/ounce.  

Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 4/2025 cũng giảm 0,1%, xuống còn 2.932,60 USD/ounce.  

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định nâng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25%, áp dụng đồng loạt mà không có ngoại lệ hay miễn trừ. Động thái này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại quy mô lớn.  

Đồng và nhôm giảm do lo ngại về tác động của thuế quan  

Giá nhôm và đồng suy giảm trong phiên thứ Ba, khi giới đầu tư lo lắng rằng các biện pháp thuế quan mới của Mỹ cùng với nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu có thể làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu kim loại.  

Hợp đồng nhôm kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,8%, còn 2.637 USD/tấn. Trong khi đó, giá đồng giảm 0,9%, xuống mức 9.361,50 USD/tấn.  

Hôm thứ Hai, Tổng thống Trump đã công bố quyết định nâng mạnh thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25%, áp dụng rộng rãi mà không có bất kỳ ngoại lệ hay miễn trừ nào, làm gia tăng nguy cơ xung đột thương mại trên nhiều lĩnh vực.  

Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhôm nhập khẩu, chủ yếu từ Canada.  

Giá nhôm nguyên chất tại Mỹ – được tính dựa trên giá tham chiếu của sàn LME cộng với "Midwest premium" – gần đây đã đạt 37,5 cent/lb, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.  

Trong khi đó, "premium" của giá đồng Mỹ đã giảm xuống 754 USD/tấn trong phiên thứ Ba, từ mức 930 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch trước đó. Tuy nhiên, so với cuối tháng 1, mức này vẫn đã tăng gấp đôi. Kết phiên, giá đồng kỳ hạn trên sàn COMEX giảm mạnh 2,25% xuống còn 4,6010 USD/pound.

Quặng sắt giảm do lo ngại tác động từ thuế quan  

Giá quặng sắt mở cửa tăng trong phiên thứ Ba nhưng dần suy yếu vào cuối phiên, khi những lo ngại về bất ổn liên quan đến chính sách thuế mới của Tổng thống Trump lấn át nỗi lo về gián đoạn nguồn cung do thời tiết tại Australia – một trong những nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.  

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 của Trung Quốc giảm 1,1% khi chốt phiên, xuống mức 812 nhân dân tệ (111,12 USD)/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 6/2.  

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore cũng giảm 1,32%, còn 105,75 USD/tấn. 

Cà phê Arabica lao dốc sau khi chạm mức cao kỷ lục  

Giá cà phê arabica giảm mạnh trong phiên giao dịch gần nhất, mất 16,7 cent, tương đương 4%, xuống còn 4,044 USD/lb.  

Trong một báo cáo, Citi nhận định rằng giá arabica có thể đã đạt mức trần, khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu và nguồn cung bắt đầu được bổ sung trở lại.  

Sản lượng cà phê arabica của Brazil được dự đoán sẽ sụt giảm trong năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khô hạn và nắng nóng vào năm 2024, khiến nguồn cung toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt.  

Trong khi đó, giá cà phê robusta cũng giảm 0,6%, xuống mức 5.663 USD/tấn.  

Giá cao su nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ ba  

Thị trường cao su Nhật Bản tiếp tục xu hướng giảm trong phiên thứ ba liên tiếp, khi căng thẳng thương mại leo thang làm suy giảm tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, thời tiết tại Thái Lan – quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới – có dấu hiệu cải thiện, giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung.  

Hợp đồng cao su giao tháng 7 trên Sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) chốt phiên giảm 6 yên, tương đương 1,63%, xuống còn 362,7 yên (2,39 USD)/kg.  

Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), hợp đồng cao su giao tháng 5 lại có diễn biến trái chiều, tăng 60 nhân dân tệ, tương đương 0,35%, lên mức 17.385 nhân dân tệ (2.379,42 USD)/tấn.  

Cũng trong ngày thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với các quốc gia khác trong vòng hai ngày tới.  

Ngô và đậu tương suy yếu  

Giá ngô và đậu tương trên sàn Chicago đồng loạt giảm trong phiên thứ Ba, sau khi báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo về nguồn cung cuối vụ cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.  

Lúa mì cũng đi xuống trong bối cảnh không có tin tức hỗ trợ rõ ràng, mặc dù trước đó giá đã có thời điểm nhích lên sau khi USDA hạ dự báo nguồn cung, do tác động của thời tiết bất lợi tại khu vực Biển Đen và châu Âu.  

Trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), hợp đồng ngô được giao dịch nhiều nhất giảm 7-1/2 cent, xuống mức 4,84 USD/bushel. Đậu tương giảm 6 cent, còn 10,43-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì mất 2-1/2 cent, chốt phiên ở mức 5,77 USD/bushel.  

Giá ca cao bật tăng mạnh  

Giá ca cao trên thị trường New York tăng mạnh 424 USD, tương đương 4,3%, lên 10.302 USD/tấn, do những lo ngại về tình trạng khô hạn tại Bờ Biển Ngà – quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới.  

Sự thiếu hụt lượng mưa tại hầu hết các khu vực trồng ca cao của Bờ Biển Ngà có thể làm trì hoãn thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch giữa vụ (từ tháng 4 đến tháng 9), làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đối với loại nguyên liệu chính trong sản xuất sô cô la.  

Biến động giá một số loại hàng hóa quan trọng sáng ngày 12/2: 

Biến động giá hàng hóa ngày 12/2/2025