Tuần trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý tạm thời giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau trong thời hạn 90 ngày, trong đó Hoa Kỳ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30% và Bắc Kinh giảm thuế đối với hầu hết các mặt hàng xuống còn 10%.
Những tin tức lạc quan này đã thúc đẩy tâm lý trên thị trường đồng, tuy nhiên vẫn có lý do cần phải thận trọng.
Thị trường đồng: Triển vọng tích cực trước mắt
Dữ liệu cho thấy tồn kho đồng trên sàn SHFE và LME đã giảm mạnh trong vài tuần qua, do nhu cầu nhập khẩu tích trữ lớn tại Hoa Kỳ trước các mức thuế tiềm năng đối với sản phẩm này. Cơn sốt đưa đồng đến Hoa Kỳ đã bắt đầu vào cuối tháng 2, sau khi Tổng thống Trump mở cuộc điều tra về việc có nên áp thuế nhập khẩu đối với kim loại này hay không.
Xu hướng này hiện đã có dấu hiệu chậm lại nhưng dự kiến vẫn duy trì do lợi nhuận vẫn đủ hấp dẫn với các nhà nhập khẩu.
Một dấu hiệu khác cho thấy nguồn cung tại Trung Quốc đang co hẹp là lợi nhuận nhập khẩu (chỉ số đồng Yangsan) đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2023. Chỉ số Yangshan đã tăng từ mức thấp 35 đô la/tấn vào cuối tháng 2 lên hơn 100 đô la/tấn gần đây và thường được sử dụng làm thước đo nhu cầu của Trung Quốc.
Do nguồn cung thắt chặt, chi phí xử lý đồng cô đặc tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Việc giảm chi phí xử lý không chỉ phản ánh thị trường thắt chặt mà còn phản ánh sự mở rộng nhanh chóng về công suất nhà máy luyện đồng tại Trung Quốc.
Sản lượng đồng của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới trong năm nay. Vào tháng 4, sản lượng đồng tinh chế tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục hàng tháng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước lên 1,25 triệu tấn, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế tình trạng mở rộng công suất. Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy đồng Trung Quốc đã phục hồi vào tháng 4 lên trên 80%, cho thấy tác động từ thuế quan của Hoa Kỳ cho đến nay là rất nhỏ.
Về phía nhu cầu, bất chấp sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực hơn. Chi tiêu của Cơ quan Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, đơn vị mua đồng lớn nhất thế giới, đã tăng 25% trong ba tháng đầu năm. Triển vọng sản xuất xe điện, công suất phát điện gió, hàng tiêu dùng lâu bền cũng có dấu hiệu tích cực hơn.
Tăng trưởng nhu cầu đồng trong những lĩnh vực này sẽ bù đắp cho sự yếu kém của ngành xây dựng và bất động sản tại Trung Quốc trong năm nay.
Lượng đồng cô đặc nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng lên gần 3 triệu tấn vào tháng trước, mức cao nhất trong lịch sử, để đáp ứng nhu cầu đồng ngày càng tăng. Con số này đã tăng 24% so với tháng 4 năm 2024, qua đó càng chứng minh thêm rằng nhu cầu đồng của Trung Quốc vẫn tăng trưởng, bất chấp những trở ngại về thuế quan.
Đánh giá triển vọng thị trường đồng
Với việc căng thẳng thương mại hạ nhiệt và nhu cầu phục hồi của Trung Quốc, triển vọng giá đồng trong ngắn và trung hạn là tương đối tích cực.
Dự báo giá đồng trong quý 2 sẽ ở mức trung bình 9300 USD/tấn trong quý 2 và 9277 USD/tấn cho cả năm nay.
Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng bởi kinh tế vĩ mô và thương mại toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Rủi ro giảm đối với thị trường đồng bao gồm việc các cuộc đàm phán thương mại mất nhiều thời gian hơn dự kiến và chính sách kích thích kinh tế không đủ mạnh từ Trung Quốc.
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá đồng đi trong kênh giá tăng dài hạn. Đồng đã xác nhận tạo đáy đầu tiên vào tháng 4 với RSI chạm mức quá bán, tương tự như các mô hinh giá trước đó. Hiện tại giá đang điều chỉnh tích lũy tạo đáy tiếp theo trước khi bắt đầu sóng tăng mới.
Do vậy, các đợt điều chỉnh giảm về vùng từ 4.2 – 4.3x sẽ là cơ hội canh mua tốt đổi với sản phẩm này.