Sáng ngày 19/5, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm từ 500-700 đồng/kg, sau những dự báo về việc sản lượng cà phê Robusta tăng lên trong năm 2025.
Giá cà phê trong nước
Cụ thể, theo ghi nhận lúc 10h30 sáng ngày thứ Hai (19/5), giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức 124.600 đồng/kg, giảm 500 đồng so với ngày trước đó.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, giá cà phê đồng loạt giảm 500 đồng/kg xuống 124.500 với Đắk Lắk, Gia Lai và 124.700 đồng với Đắk Nông. Trong khi đó, cà phê tại Lâm Đồng đang được các thương lái thu mua với giá 123.800 đồng/kg, giảm 700 đồng so với ngày hôm trước. Đây cũng là địa phương có giá thu mua cà phê thấp nhất trong ngày hôm nay.
Thị trường | Trung bình | Thay đổi |
Đắk Lắk | 124.500 | -500 |
Lâm Đồng | 123.800 | -700 |
Gia Lai | 124.500 | -500 |
Đắk Nông | 124.700 | -500 |
Giá cà phê thế giới
Trên thị trường London, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 7/2025 đã khép lại tuần vừa qua ở mức 4.865 USD mỗi tấn, sụt mạnh 6,9% tương đương 361 USD/tấn so với tuần liền trước; hợp đồng giao tháng 9/2025 cũng mất 6,2%, tức 321 USD/tấn, xuống còn 4.860 USD/tấn.
Tại Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 7/2025 cũng giảm 5,7% so với tuần trước đó, tức 22 US cent/pound, còn 365,65 US cent/pound; trong khi hợp đồng giao tháng 9/2025 hạ 5,2%, tương đương 19,8 US cent/pound, về mức 362,5 US cent/pound.
Ước tính sản lượng cà phê thế giới năm 2025
Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) thông báo rằng sản lượng cà phê của Brazil trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ đạt mức 55 triệu bao (loại bao 60 kg), tăng 2,3% so với con số dự báo đưa ra vào tháng trước.
Đợt điều chỉnh tăng lần này đến sau khi IBGE – cơ quan trực thuộc chính phủ – nâng ước tính sản lượng cà phê arabica lên 37 triệu bao, tăng 3,5% so với dự báo gần nhất.
Nếu con số dự báo của IBGE là chính xác, tổng sản lượng cà phê của Brazil – bao gồm cả robusta – sẽ thấp hơn 3,6% so với mức 57 triệu bao đã đạt được trong năm 2024.
IBGE cho biết mặc dù có sự điều chỉnh tăng so với dự báo trước đó, sản lượng arabica vẫn được kỳ vọng sẽ giảm 7,5% so với năm 2024 do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi và việc đây là năm rơi vào giai đoạn "thấp" trong chu kỳ sinh học của cây arabica.
Chu kỳ hai năm một lần của cà phê arabica thường luân phiên giữa các năm đạt sản lượng cao và những năm cho sản lượng thấp.
“Đối với vụ mùa năm 2025, đây được xem là năm giảm sản lượng tự nhiên, do đặc tính sinh lý của cây trồng. Vào các năm chẵn, cây thường đạt năng suất cao hơn, nhưng điều này lại gây ra tình trạng kiệt sức, làm cho năng suất năm sau suy giảm,” IBGE giải thích.
Ở chiều ngược lại, một số tổ chức phân tích tư nhân gần đây đã nâng dự báo sản lượng cà phê arabica năm 2025, cho rằng tác động thời tiết không nặng nề như những lo ngại ban đầu.
IBGE giữ nguyên dự báo sản lượng cà phê robusta ở mức 18 triệu bao, tương đương mức tăng 5,5% so với năm 2024.
“Với mức giá cà phê robusta hiện đang mang lại lợi nhuận cao, người nông dân đã đầu tư nhiều hơn vào công tác chăm sóc và bón phân, góp phần cải thiện năng suất,” IBGE cho biết thêm.
Cơ quan này cũng nhận định rằng lượng mưa tại các vùng sản xuất chính nhìn chung là phù hợp, mặc dù một số khu vực ghi nhận mưa đến muộn.
Trong khi đó, tại Ethiopia, quốc gia này đã thu về 1,9 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu cà phê trong 10 tháng vừa qua – mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay trong cùng kỳ – theo thông tin từ Cơ quan Cà phê và Trà Ethiopia (ECTA).
Quốc gia nằm ở Đông Phi này đã xuất khẩu 354.302 tấn cà phê ra thị trường toàn cầu trong 10 tháng đầu tiên của năm tài khóa 2024-2025 của Ethiopia, tính từ ngày 8/7/2024.
Ông Adugna Debela – Tổng Giám đốc ECTA – cho biết xuất khẩu tăng 70% về sản lượng và tăng 87% về kim ngạch so với cùng kỳ năm tài khóa trước. Đồng thời, ông bày tỏ kỳ vọng rằng hai tháng còn lại của năm tài khóa sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, qua đó củng cố vị thế của Ethiopia như một quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất cà phê chất lượng cao.
Đức, Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ là ba thị trường xuất khẩu cà phê chủ lực của Ethiopia trong giai đoạn này.
Ethiopia, được xem là cái nôi của cà phê Arabica, là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu tại châu Phi. Ngành cà phê đóng vai trò trụ cột đối với nền kinh tế nông nghiệp của quốc gia này.