Giá đậu tương, lúa mì và ngô trên sàn Chicago dự kiến sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, do nguồn cung dồi dào trên thế giới tạo áp lực lên giá cả.
Giá lúa mì có thể nhận được một số hỗ trợ vào năm 2025 do lo ngại về thời tiết bất lợi cho cây trồng tại Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi kỳ vọng về sản lượng đậu tương đạt mức cao kỷ lục tại Brazil, nhà cung cấp hàng đầu, có khả năng tiếp tục kìm hãm giá loại hạt dầu này.
Hợp đồng đậu tương hoạt động mạnh nhất trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã mất gần một phần tư giá trị trong năm 2024. Giá lúa mì giảm gần 13%, trong khi ngô giảm 4%.
Vào thứ Ba, giá đậu tương tăng 0,45% lên 9,96 USD/giạ (tính đến 16h chiều), lúa mì giảm 0,09% xuống 5,48 USD/giạ, và ngô tăng 0,33 lên mức 4,54 USD/giạ.
Điều kiện cho cây lúa mì vụ đông tại các khu vực Trung tâm và Volga của Nga sẽ xấu đi trong tháng 1, khi thời tiết ấm hơn bình thường và độ ẩm dư thừa khiến cây trồng tiếp tục phát triển trong mùa đông, theo cơ quan thời tiết quốc gia Nga công bố vào thứ Bảy.
Dự trữ lúa mì toàn cầu có khả năng giảm xuống còn 257,88 triệu tấn tính đến cuối tháng 6 năm 2025, mức thấp nhất trong chín năm, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Cơ quan Nông nghiệp Quốc gia Brazil (Conab) và Hiệp hội Nghiền hạt dầu Abiove đã tăng dự báo sản lượng đậu tương của Brazil cho năm 2025 vào đầu tháng 12, với khả năng đạt mức kỷ lục nhờ điều kiện thời tiết được cải thiện.
Các nhà đầu cơ lớn đã tăng vị thế mua ròng của họ trong hợp đồng tương lai ngô trên sàn CBOT trong tuần tính đến ngày 24 tháng 12, theo dữ liệu của cơ quan quản lý công bố hôm thứ Hai.
Báo cáo cam kết giao dịch hàng tuần của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cũng cho thấy rằng các nhà giao dịch phi thương mại, bao gồm các quỹ đầu cơ, đã tăng vị thế bán ròng của họ đối với lúa mì CBOT và giảm vị thế bán ròng đối với đậu tương.