Diễn biến thị trường
Bạc đã phá vỡ ngưỡng 35 USD, xác nhận xu hướng tăng mạnh với lực mua áp đảo. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước báo cáo việc làm Mỹ sắp công bố để tránh rủi ro biến động mạnh.
Giá bạch kim tiếp tục tăng mạnh sau breakout, được hỗ trợ bởi khối lượng lớn. Tuy nhiên, vì đã chạm kháng cự và RSI quá mua, nguy cơ điều chỉnh ngắn hạn đang hiện hữu. Nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời và quản lý rủi ro kỹ lưỡng.
Giá đồng chạm vùng kháng cự 5,00–5,15 USD và xuất hiện nến doji – tín hiệu từ chối tăng rõ rệt. Nếu được xác nhận, thị trường có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh hoặc đi ngang ngắn hạn, dù xu hướng dài hạn vẫn tích cực.
DXY xuất hiện doji tại đáy tam giác giảm, cho thấy phe mua đang cố giữ mức hỗ trợ. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn giảm, và nếu không sớm bứt phá, nguy cơ thủng hỗ trợ và giảm sâu hơn là rất lớn.
Vàng xuất hiện nến giảm nhưng không nằm tại vùng kháng cự mạnh, nên tín hiệu đảo chiều không rõ ràng. Giá vẫn đang tích lũy trong mô hình tam giác tăng với xu hướng chung vẫn tích cực. Phe mua vẫn chiếm ưu thế nếu hỗ trợ chưa bị phá vỡ.
Kinh tế vĩ mô
Hoa Kỳ
Tín hiệu từ dữ liệu việc làm tại các bang cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng lên mốc 5% trong năm tới.
Cụ thể, số lượng bang có tỷ lệ thất nghiệp tăng theo tháng đã gia tăng mạnh từ cuối năm 2023 – đây là chỉ báo thường đi trước xu hướng thất nghiệp toàn quốc khoảng 12 tháng. Mô hình này đã từng xuất hiện trước các giai đoạn suy thoái kinh tế như 2001, 2008 và 2020.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn chỉ quanh mức 4%, nhưng đà tăng lan rộng trong từng bang cho thấy thị trường lao động đang bắt đầu suy yếu. Nếu xu hướng này tiếp diễn, rủi ro kinh tế hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại trong năm 2025 là yếu tố thúc đẩy Fed cắt lãi suất.
Số lượng việc làm được đăng tuyển tiếp tục sụt giảm mạnh theo dữ liệu từ chỉ số Daily LinkUp 10,000. Kể từ đỉnh cuối năm 2024 đến nay, xu hướng giảm kéo dài đã khiến số lượng việc làm rơi từ gần 3 triệu xuống dưới 2,6 triệu.
Đây là tín hiệu sớm cảnh báo sự suy yếu của thị trường lao động, đồng thời củng cố thêm dự báo rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng trong những tháng tới.
Tăng trưởng GDP quý 2 có thể nhìn ấn tượng trên giấy tờ, nhưng chất lượng dữ liệu kinh tế Mỹ đang xấu đi rõ rệt. Các dữ liệu kinh tế khác lại phát đi tín hiệu đáng lo ngại:
Tăng trưởng việc làm ADP trong tháng 4 rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Chỉ số dịch vụ ISM giảm dưới ngưỡng 50 – dấu hiệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ đang thu hẹp hoạt động.
Trong khi đó, chỉ số giá đầu vào (Prices Paid) lại tăng vọt gần 70, cho thấy áp lực lạm phát quay trở lại.
Tổng thể, nền kinh tế Mỹ đang rơi vào trạng thái “nhiễu loạn” dữ liệu: GDP có thể cao nhưng chất lượng tăng trưởng lại yếu và không bền vững, phản ánh sự lệch pha giữa thương mại, việc làm, lạm phát và tiêu dùng.
Tổng thống Donald Trump vừa công bố một cuộc điện đàm kéo dài 1,5 giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai bên tái khẳng định thỏa thuận thương mại mới đạt được, tập trung đặc biệt vào lĩnh vực Đất hiếm (Rare Earth).
Cuộc điện đàm này đã làm giảm bớt lo ngại về căng thẳng thương mại và khiến giá kim loại quý, đặc biệt là vàng, điều chỉnh giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn còn nhiều bất đồng và sẽ còn nhiều bất ổn trong tiến trình đạt được thỏa thuận lâu dài.
Thị trường hàng hóa
Sở Giao dịch CME vừa thông báo tăng ký quỹ (margin) cho hợp đồng tương lai vàng Thượng Hải thêm 12,5%, có hiệu lực từ sau ngày 6/6/2025. Mức tăng này không áp dụng cho hợp đồng Comex truyền thống tại Mỹ, cho thấy một sự phân hoá rõ rệt trong chính sách quản lý rủi ro giữa các thị trường.
Động thái này phản ánh lo ngại về biến động giá hoặc rủi ro thanh khoản gia tăng tại thị trường vàng châu Á, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu cơ đang hoạt động mạnh.