Giá đường thế giới đã có nhiều biến động do tác động của các yếu tố kinh tế và thời tiết trong thời gian qua. Những ảnh hưởng từ vòng đầu tiên của các mức thuế nhập khẩu mới do Mỹ ban hành khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể đi vào suy thoái và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. Khi có quá nhiều điều không chắc chắn xảy ra, thị trường trở nên thận trọng hơn, và điều này ảnh hưởng đến giá của nhiều loại hàng hóa, trong đó có đường.
Giá đường giảm mạnh vì nhiều lý do cùng lúc
Giá đường đang chịu áp lực giảm mạnh do nhiều yếu tố cùng lúc tác động. Trước hết, đồng Real của Brazil bị mất giá so với đồng đô la Mỹ. Khi đồng nội tệ yếu đi, các nhà xuất khẩu Brazil có xu hướng bán đường ra thị trường quốc tế nhiều hơn. Việc này làm lượng đường bán ra tăng mạnh, khiến nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn.
Biến động đồng Real Brazil và giá đường thô
Cùng lúc đó, Brazil cũng vừa bước vào vụ ép mía mới, đặc biệt tại khu vực Trung Nam nơi chiếm phần lớn sản lượng đường của cả nước. Sản lượng mới từ vụ mùa này tiếp tục đổ vào thị trường, càng làm nguồn cung tăng thêm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, khiến cung vượt cầu. Sự mất cân bằng này tạo ra áp lực lớn lên giá đường, khiến giá giảm mạnh trước đó.
Đường là mặt hàng có diễn biến tiêu cực nhất trong một số tuần trước đó, phản ánh rõ áp lực giảm giá đang bao trùm thị trường
Có tín hiệu phục hồi nhưng chưa đủ mạnh
Vào những tuần trước khi Mỹ quyết định giảm mức thuế từ 25% xuống còn 10% cho các quốc gia không trả đũa thương mại và kéo dài thời gian miễn áp thuế trong 90 ngày. Điều này giúp thị trường có chút lạc quan hơn, giá đường tăng nhẹ. Tuy nhiên, mức phục hồi này chỉ là tạm thời và không đủ để đảo chiều xu hướng chung. Các yếu tố chính như cung vượt cầu và đồng real yếu vẫn đang đè nặng lên giá đường.
Trung Quốc chưa nhập khẩu
Thông thường, khi giá đường giảm mạnh, các quốc gia nhập khẩu lớn như Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội để mua vào với giá rẻ. Tuy nhiên, những tuần trước đó không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đã mua đường thêm. Lý do có thể vì Trung Quốc đang bị ảnh hưởng mạnh từ các diễn biến của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nền kinh tế nước này cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, khiến chính phủ và doanh nghiệp thận trọng hơn khi nhập hàng.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện cũng đang vào giai đoạn cuối của vụ sản xuất đường trong nước. Dự kiến đến cuối vụ, họ sẽ đạt sản lượng 11 triệu tấn, vì vậy chưa cần vội vàng mua đường nhập khẩu.
Khi giá đường nội địa cao hơn đáng kể giá nhập khẩu, Trung Quốc có khả năng quay lại thị trường quốc tế với các đơn hàng lớn
Tác động từ các quốc gia khác
Thái Lan vừa kết thúc vụ ép mía với sản lượng khoảng 92 triệu tấn mía và 10 triệu tấn đường. Con số này thấp hơn dự kiến ban đầu nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm ngoái. Điều này khiến lượng đường trên thị trường không bị thiếu hụt như lo ngại trước đó.
Brazil sau tháng 2 khô hạn, mưa đã quay trở lại ở vùng Trung Nam giúp cây mía phát triển tốt hơn. Việc thời tiết thuận lợi khiến giới đầu tư tin rằng Brazil sẽ tiếp tục có sản lượng lớn trong thời gian tới, góp phần duy trì áp lực giảm giá.
Vụ 2024/25 đang có tốc độ sản xuất đường cao hơn so với các vụ 3 năm trước (21/22, 22/23, 23/24).
Dự báo thời tiết ủng hộ sản lượng đường trong tương lai
Hiện tượng thời tiết La Niña đã chính thức kết thúc và chuyển sang trạng thái Trung tính, theo thông báo từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA). Sự chuyển biến này được kỳ vọng sẽ mang lại điều kiện thời tiết ổn định hơn, qua đó hỗ trợ tích cực cho mùa vụ nông nghiệp tại khu vực Bắc bán cầu.
Tại Ấn Độ, dự báo cho thấy mùa mưa năm 2025 sẽ cao hơn mức trung bình khoảng 3%. Lượng mưa dồi dào này có thể giúp mở rộng diện tích canh tác mía và nâng cao năng suất, từ đó làm gia tăng nguồn cung đường toàn cầu trong năm tới.
Điều kiện khí hậu Trung tính trong ngắn hạn (6 tháng đầu năm) là tín hiệu tích cực, giúp mùa vụ tại nhiều khu vực, đặc biệt là Bắc bán cầu, phát triển ổn định
Kết luận
Giá đường hiện đang chịu áp lực giảm do nguồn cung toàn cầu tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu. Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động từ những biến động chính trị và thương mại quốc tế, khiến xu hướng trở nên khó đoán hơn. Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu đường trong tương lai, hiện tại họ vẫn chưa có động thái rõ ràng. Ở chiều ngược lại, điều kiện thời tiết thuận lợi tại Brazil và nhiều khu vực châu Á đang hỗ trợ tích cực cho sản xuất đường, góp phần duy trì nguồn cung dồi dào.
Nhà giao dịch chưa nên vội đầu tư mạnh vào đường ở thời điểm hiện tại, khi xu hướng giá vẫn đang giảm. Theo dõi sát động thái nhập khẩu của Trung Quốc, nếu nước này quay lại thị trường, giá đường có thể phục hồi. Cập nhật thường xuyên các báo cáo về thời tiết và sản lượng từ Brazil và Ấn Độ để kịp thời đánh giá rủi ro hoặc cơ hội liên quan đến nguồn cung.
Để nhận thêm các tin tức và khuyến nghị đầu tư nguyên liệu đồng nhanh chóng kịp thời, vui lòng theo dõi và liên hệ tới HCT qua các phương thức sau:
Địa chỉ: Tầng 7, số 435 Hoàng Văn Thụ, Phường 4, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2 Tòa nhà PCC1, số 44 Triều Khúc, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 1900.636.909
Website: https://hct.vn/