Giá ngô CBOT đã giảm phiên thứ tư liên tiếp vào thứ Sáu 9/8 và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi các nhà giao dịch đang chờ đợi ước tính nguồn cung toàn cầu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ được công bố vào 12/8. Mặt khác, giá đậu tương và lúa mì tương lai tăng nhẹ.
“Thị trường ngô và đậu tương sẽ đều dồn sự chú ý vào báo cáo WASDE khi nó được công bố. Chúng tôi dự đoán lượng tồn kho sẽ khá lớn, vốn là một áp lực vào thời điểm mà nhu cầu có vẻ khá thấp như hiện tại”, theo Andrew Whitelaw, giám đốc tại công ty tư vấn nông nghiệp Episode 3 ở Canberra.
Giá ngô đã giảm 0.31% xuống mức 3.95 USD/giạ lúc 9h27 sáng nay và đã giảm khoảng 1.86% trong tuần này, hướng tới tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Trong khi đó giá lúa mì tăng 0.51% lên mức 5.4 USD và đang hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp, khi hợp đồng này đã tăng 0.23% so với đầu tuần.
Hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã tăng 0.57% lên mức 10.14 USD/giạ, tuy nhiên vẫn đang hướng tới tuần giảm giá thứ hai liên tiếp khi hợp đồng này đã giảm 1.3% so với thời điểm kết phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước.
Andre Whitelaw cũng cho biết rằng thị trường lúa mì đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan từ dự báo về sản lượng thấp hơn và xuất khẩu lúa mì mềm chạm mức thấp nhất trong 6 năm ở EU cũng như các cuộc đấu thầu mới từ Ai Cập và Algeria.
“Từ góc nhìn của Úc, mùa màng đang có nhiều khả năng có kết quả vượt trội hơn so với trung bình nhờ những cơn mưa tạo điều kiện thuận lợi cho hầy hết các vùng, và chỉ có khu vực Nam Úc đang ở trong tình trạng tệ nhất”, Whitelaw cho biết.
Những cơn mưa gần đây ở Argentina đã làm dịu lại những lo lắng ở khu vực trồng lúa mì phía Đông nước này, trong khi điều kiện các cây trồng ở khu vực phía Tây tiếp tục xấu đi do khô hạn và giá lạnh, theo Sàn Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires cho biết vào thứ Năm.
Trong khi đó, hai hiệp hội thuộc ngành công nghiệp hạt có dầu ở Argentina đã thông báo kéo dài cuộc đình công hiện tại thêm một ngày, đã làm trì trệ hoạt động tại các trung tâm nông nghiệp chính của nước này, dẫn đến tình trạng 36 tàu phải trì hoãn tải hàng vào sớm ngày thứ Năm ở Argentina.
Bên cạnh đó, có 66% khả năng hiện tượng thời tiết La Nina sẽ diễn ra vào tháng 9 đến tháng 11, khiến nhiệt độ hạ thấp ở khu vực Thái Bình Dương, theo cơ quan thời tiết của Mỹ cho biết.