Phiên giao dịch ngày 17/4 tại Sở Giao dịch Chicago (CBOT) ghi nhận giá lúa mì tăng nhẹ khi đồng USD suy yếu, trong khi giá đậu tương phục hồi nhờ kỳ vọng cải thiện quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Ngược lại, giá ngô quay đầu giảm do lo ngại mưa lớn làm chậm tiến độ gieo trồng tại vùng Trung Tây Mỹ.

giá ngô, đậu tương, lúa mì 17/4/2025

Diễn biến giá:

  • Hợp đồng lúa mì giao tháng 7 tăng 0,4% lên 5,63 1/4 USD/bushel.

  • Đậu tương giao tháng 5 nhích 0,2% lên 10,40 1/2 USD/bushel.

  • Ngô giao tháng 7 giảm 0,2% xuống còn 4,91 USD/bushel.

Dù phục hồi trong phiên, cả ba loại nông sản đều đang trên đà giảm giá theo tuần, khi thị trường Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày thứ Sáu.

Đồng USD dù hồi phục nhẹ 0,2% nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường tiếp tục phản ứng tiêu cực với chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chính yếu tố này đã hỗ trợ giá lúa mì trong phiên.

Tuy nhiên, đà tăng của lúa mì vẫn bị giới hạn do khu vực trồng lúa mì chính tại Mỹ đang đón nhận lượng mưa cần thiết, giúp cải thiện điều kiện sinh trưởng của cây trồng. Cùng lúc, thời tiết tại khu vực Biển Đen – nơi có các nhà xuất khẩu lớn như Nga và Ukraine – cũng diễn biến thuận lợi, làm gia tăng kỳ vọng về một vụ mùa bội thu.

Riêng với ngô và đậu tương, mưa lớn và lũ lụt tại vùng Trung Tây Mỹ đang khiến nông dân chậm trễ trong việc gieo trồng, đặc biệt là với ngô – vốn có lịch gieo sớm hơn.

Về mặt địa chính trị, thị trường đậu tương khởi sắc sau khi Bloomberg đưa tin Trung Quốc sẵn sàng nối lại đàm phán thương mại với Mỹ. Đây được xem là tín hiệu tích cực với ngành nông sản Mỹ, trong bối cảnh xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vòng áp thuế kéo dài.

Tại Nga – nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới – ngân hàng trung ương nước này cho biết vụ mùa năm 2025 có thể vượt năm ngoái nhờ mùa đông ấm áp và diện tích gieo trồng vụ xuân gia tăng. Trong khi đó, lượng tồn kho lúa mì trong kho dự trữ của chính phủ Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm, góp phần làm dịu bớt lo ngại về nguồn cung.

Các nhà phân tích cho biết những yếu tố tiêu cực từ cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động phần lớn đã được thị trường phản ánh vào giá. Do đó, bất kỳ tín hiệu tích cực nào về đàm phán thương mại đều có thể tạo động lực phục hồi.

Trong phiên thứ Tư, các quỹ hàng hóa được ghi nhận là đã mua ròng cả lúa mì, ngô và đậu tương tại CBOT.