Ngày 10/1, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng tăng mạnh, với mức điều chỉnh tăng từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với các loại vàng miếng và vàng nhẫn.
Cụ thể, giá vàng của các thương hiệu hiện được niêm yết như sau:
Vàng miếng
Tập đoàn Doji, giá vàng miếng SJC ở khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động từ 84,5 đến 86 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán là 1,5 triệu đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC ở mức 84,7 đến 86 triệu đồng/lượng (mua – bán), cũng tăng 500.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua, với chênh lệch mua – bán là 1,3 triệu đồng/lượng.
Phú Quý, giá vàng miếng SJC đứng ở mức 84,5 đến 86 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua–bán là 1,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 84,9 đến 86,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch giữa mua và bán là 1,3 triệu đồng.
Doji, vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng 9999 có giá 84,8 đến 86 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra, với chênh lệch mua – bán là 1,2 triệu đồng.
Phú Quý, vàng nhẫn tròn trơn 999,9 có giá 84,7 đến 86 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và bán, với chênh lệch là 1,3 triệu đồng.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 thấp hơn dự báo. Chỉ số CPI trong tháng 12 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 0,2% của tháng 11. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI của Trung Quốc giảm, cho thấy tình trạng giảm phát vẫn kéo dài. Cùng lúc, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 giảm 2,3%, đánh dấu tháng thứ 27 liên tiếp giảm. Dù chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các chính sách kích thích kinh tế, nhưng tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.
Giới chuyên gia nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nguy cơ giảm phát ngắn hạn. Tâm lý tiêu dùng yếu và sản xuất thu hẹp đang tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, mặc dù các biện pháp hỗ trợ của chính phủ vẫn đang được triển khai.
Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro gia tăng trên thị trường, dẫn đến việc gia tăng nhu cầu mua vàng như một kênh bảo vệ dòng vốn và tìm kiếm lợi nhuận. Hôm nay, nền kinh tế Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp, dữ liệu quan trọng giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định về chính sách lãi suất trong thời gian tới.