Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) công bố sáng ngày 6/1, đến ngày 25/12/2024, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,42% so với cuối năm 2023 (mức tăng cùng kỳ năm trước là 10,34%). Mức huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt mức tăng 9,06%, thấp hơn so với mức tăng 11,19% vào cuối năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2024 đạt 13,82%, cao hơn so với mức 11,48% của năm 2023.

giá vàng trong nước

Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước, nhưng lại tăng 31,07% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân cả năm 2024, giá vàng tăng 28,64%. Đối với chỉ số giá đô la Mỹ (USD), tháng 12/2024 tăng 0,09% so với tháng trước và 4,31% so với tháng 12/2023, trong khi bình quân cả năm tăng 4,91%.

Về thị trường bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm quý 4/2024 ước tính chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng doanh thu phí của toàn thị trường bảo hiểm trong năm 2024 ước đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,25% so với năm 2023.

Về thị trường chứng khoán, tính đến ngày 31/12/2024, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 21.008 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 19,5% so với năm 2023. Giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu đạt 11.802 tỷ đồng mỗi phiên, tăng mạnh 81,1%, trong khi khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh giảm 10,2%, đạt mức bình quân 211.346 hợp đồng mỗi phiên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2023. CPI bình quân quý 4/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt đúng mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Về chỉ số giá sản xuất, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, nguyên vật liệu sản xuất, và xuất khẩu đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm do ảnh hưởng từ thị trường toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2024, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,56%, sản phẩm công nghiệp tăng 0,59%, dịch vụ tăng 5,86%, nguyên vật liệu tăng 2,26%, xuất khẩu tăng 1,15%, trong khi nhập khẩu giảm 1,94%.

GSO nhận định rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường, cùng với các yếu tố chính trị, quân sự và thiên tai không thể dự đoán, việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 sẽ là một thách thức lớn. Để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, GSO đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá và lãi suất, kiểm soát giá cả và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và chính sách tài khóa, tiền tệ của các quốc gia đối tác thương mại chủ yếu để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Ngoài ra, GSO cũng khuyến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, để điều chỉnh nguồn cung và hạn chế tăng giá đột biến, góp phần giảm thiểu tác động đến lạm phát và đời sống người dân.

Chính sách tài khóa cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm chi phí, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin thị trường đầy đủ và hỗ trợ pháp lý trong thương mại quốc tế, cập nhật chính sách và quy định của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản.