Sáng nay (8/1), giá vàng trong nước đã quay lại xu hướng tăng theo đà đi lên của giá vàng thế giới. Đặc biệt, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh và đã vượt qua giá vàng miếng SJC.


Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá vàng miếng SJC lên mức 83,8 - 85,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng thêm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Các đơn vị khác như Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý và hệ thống vàng Mi Hồng cũng đồng loạt điều chỉnh giá vàng miếng SJC lên mức 85,3 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 84,3 - 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn vàng miếng SJC tới 500.000 đồng/lượng mua vào và 200.000 đồng/lượng bán ra. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn từ 84,4 - 85,6 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với vàng miếng là 600.000 đồng/lượng mua vào và 300.000 đồng/lượng bán ra.

Cùng lúc đó, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 2.650 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce so với phiên trước.

Trên thị trường tiền tệ, sáng nay Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm 24.332 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD so với ngày hôm qua. Các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá USD dao động từ 25.208 - 25.548 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá USD cũng giảm mạnh, còn 25.643 - 25.743 đồng/USD.

Trong cuộc họp báo ngày 7/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố như chính sách kinh tế của các quốc gia lớn, biến động của đồng USD, tình hình địa chính trị và xuất nhập khẩu. Ông cũng cho biết, trong năm 2024, tỷ giá USD có thể tăng hơn 7% trong một số thời điểm, nhưng cuối năm, tỷ giá biến động khoảng 5,03%, mức này được đánh giá là hợp lý, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, để ổn định thị trường ngoại tệ và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế.