Giá vàng thế giới giảm vào ngày thứ Hai (30/09), tạm nghỉ sau đợt leo dốc lịch sử được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và căng thẳng leo thang ở Trung Đông, giúp vàng ghi nhận quý tăng tốt nhất kể từ năm 2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/09, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1.2% xuống 2,626.95 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.7% còn 2,649.2 USD/oz.
Vàng đã vọt 13% trong quý 3/2024, đây là quý tăng tốt nhất kể từ đầu năm 2020, đạt mức cao nhất mọi thời đại 2,685.42 USD/oz vào ngày 26/09, được thúc đẩy bởi động thái hạ lãi suất 0.5% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các đợt căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Các chuyên gia phân tích cho biết đà leo dốc của vàng đã bị kìm hãm bởi hoạt động chốt lời và sự gia tăng của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Khi khẩu vị rủi ro tăng, nhà đầu tư thường tránh xa vàng trú ẩn an toàn, mặc dù đà tăng gần đây của vàng đi cùng với đà leo dốc của chứng khoán, đặc biệt là sau khi Fed hạ lãi suất mạnh tay, vì lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn đối với kim loại không đem lại lợi suất.
Nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối ngày, cũng như dữ liệu việc làm của ADP và báo cáo chính thức công bố trong tuần này.
Chuyên gia phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: “Ở giai đoạn này, yếu tố xúc tác chính dường như xoay quay các động lực vĩ mô và chính sách tiền tệ. Vì vậy, phạm vi bất ngờ về tốc độ hạ lãi suất có khả năng là tác nhân chính”.
Ngoài ra, Heraeus lưu ý nếu giá vàng giảm, đặc biệt khi đồng Nhân dân tệ (CNY) mạnh lên, nhu cầu vật chất ở Trung Quốc có thể phục hồi trong quý 4/2024.