Giá tiêu trong nước sáng nay (15/4) tiếp tục ổn định trong khoảng 154.000 – 157.000 đồng/kg, không ghi nhận biến động so với cuối tuần trước. Trong khi đó, thị trường thế giới diễn biến trái chiều với đà giảm mạnh tại Indonesia và Malaysia, trong khi giá tiêu Brazil bất ngờ bật tăng trở lại.
Tại Đắk Lắk – địa phương có sản lượng tiêu lớn thứ hai cả nước – giá tiêu hiện được thu mua ở mức cao nhất là 157.000 đồng/kg. Giá tại Đắk Nông cũng duy trì ở 156.500 đồng/kg. Tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai, tiêu đang được giao dịch quanh mốc 155.000 đồng/kg, trong khi Gia Lai và Bình Phước ghi nhận mức giá thấp nhất – khoảng 154.000 đồng/kg.
Ở thị trường quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết giá tiêu đen Indonesia giảm 0,78% xuống còn 7.081 USD/tấn, trong khi tiêu đen Malaysia ASTA sụt 2,54%, còn 9.600 USD/tấn. Ngược lại, tiêu đen Brazil tăng thêm 50 USD/tấn lên mức 6.850 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam vẫn giữ ổn định trong khoảng 6.600 – 6.800 USD/tấn với loại 500 g/l và 550 g/l.
Ở nhóm tiêu trắng, tiêu trắng Muntok Indonesia giảm mạnh 130 USD/tấn, còn 9.675 USD/tấn; tiêu trắng Malaysia ASTA giảm 200 USD/tấn xuống còn 12.100 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu trắng Việt Nam tiếp tục đi ngang ở mức 9.600 USD/tấn.
Thị trường tiêu thời gian qua chứng kiến nhiều phiên biến động mạnh do ảnh hưởng từ thông tin liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Có những ngày giá tiêu dao động tới 200–400 USD/tấn. Dù vậy, đến cuối tuần qua, thị trường đã dần ổn định, với mức giá trong nước neo quanh 157.000 đồng/kg.
Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, châu Á và đặc biệt là Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, trong khi nguồn cung vẫn hạn chế do người dân và thương lái có xu hướng găm hàng, chỉ bán ra với số lượng nhỏ.
Hiện công tác thu hoạch tiêu tại hầu hết các địa phương trồng tiêu trọng điểm như Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, tại Quảng Trị – nơi có sản lượng tiêu khoảng 1.000 tấn mỗi năm – sản lượng năm nay được dự báo giảm mạnh tới 60–70% do thời tiết bất lợi.
Đáng chú ý, do cây sầu riêng và cà phê mang lại lợi nhuận cao hơn, nhiều nông dân không vội bán tiêu sau thu hoạch mà chọn giữ hàng chờ giá cao hơn, khiến nguồn cung tiêu nguyên liệu trên thị trường trở nên khan hiếm dù mùa vụ vừa kết thúc.