Giá tiêu trong nước ngày hôm nay 21/2 (thứ Sáu) ghi nhận mức giảm trung bình 900 đồng/kg dù bà con mới bước vào vụ thu hoạch không lâu. Trong khi đó, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy giá tiêu xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong 9 năm qua!
Tính đến 12h trưa ngày hôm nay, giá tiêu trung bình tại các địa phương đang ở mức 160.200 đồng/kg, giảm 900 đồng so với ngày hôm qua.
Cụ thể, tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giá 162.000 đồng/kg, cao nhất so với các tỉnh khác nhưng đồng thời cũng là địa phương có mức giảm lớn nhất là 1.500 đồng.
Các tỉnh Gia Lai, Bình Phước và Đắk Lắk cùng ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg xuống lần lượt 159.000 đồng với Gia Lai, Bình Phước và 161.000 đồng/kg với Đắk Lắk.
Trong khi đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì ở mức 160.000 đồng/kg.
Khu vực | Giá trung bình | Thay đổi |
Gia Lai | 159.000 | -1.000 |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 160.000 | 0 |
Đắk Lắk | 161.000 | -1.000 |
Bình Phước | 159.000 | -1.000 |
Đắk Nông | 162.000 | -1.500 |
Mùa thu hoạch hồ tiêu năm nay diễn ra muộn hơn so với thường lệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hiện tại, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch, tuy nhiên sản lượng vẫn còn hạn chế.
Tại Đắk Nông, nông dân đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Năm nay, giá hồ tiêu duy trì ở mức trên 160.000 đồng/kg, cao hơn so với các năm trước. Toàn tỉnh hiện có hơn 33.000 ha hồ tiêu, với sản lượng ước tính đạt hơn 72.000 tấn.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ghi nhận giá tiêu đen Lampung Indonesia giảm 0,4% (tương đương 31 USD/tấn) so với phiên trước, xuống còn 7.267 USD/tấn.
Tại các khu vực khác, giá tiêu nhìn chung không có nhiều biến động. Tiêu đen ASTA 570 của Brazil đang được giao dịch ở mức 6.800 USD/tấn, trong khi tiêu đen Kuching Malaysia giữ mức cao nhất là 9.000 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam thấp nhất trong số các thị trường, với mức 6.500 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 6.650 USD/tấn đối với loại 550 g/l.
Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng Muntok Indonesia giảm 43 USD/tấn, xuống còn 10.100 USD/tấn.
Trong khi đó, tiêu trắng ASTA Malaysia và tiêu trắng Việt Nam tiếp tục duy trì mức giá ổn định, lần lượt đạt 11.600 USD/tấn và 9.550 USD/tấn.
Về tình hình xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2, Việt Nam xuất khẩu 6.154 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 41,5 triệu USD, giảm 3,6% về khối lượng và 2,2% về giá trị so với nửa đầu tháng 1.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 19.083 tấn, trị giá 128,8 triệu USD, giảm 17,2% về lượng nhưng tăng mạnh gần 39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm liên tục trong khối lượng xuất khẩu từ nửa cuối năm ngoái đến nay cho thấy nguồn cung vụ cũ đang dần cạn kiệt, trong khi vụ thu hoạch mới bị trì hoãn do tác động của thời tiết không thuận lợi.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt 6.749 USD/tấn, tăng 67,7% (tương đương 2.725 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất trong vòng 9 năm qua.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPS), trong 18 ngày đầu tháng 2, Việt Nam đã xuất khẩu 7.535 tấn hồ tiêu với tổng kim ngạch đạt 51,5 triệu USD. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 22,6% với 1.700 tấn.
Về phía doanh nghiệp, Phúc Sinh dẫn đầu xuất khẩu trong kỳ với sản lượng 912 tấn, theo sau là Olam Việt Nam với 906 tấn và Nedspice Việt Nam với 850 tấn.
Ở chiều nhập khẩu, trong 18 ngày đầu tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 1.297 tấn hồ tiêu với kim ngạch 5,9 triệu USD. Indonesia vẫn là nhà cung cấp chính, đạt 868 tấn, chiếm 66,9% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là Brazil với 300 tấn, chiếm 23,1%.
Ba doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất trong giai đoạn này gồm Pearl Group với 137 tấn, Ptexim Corp đạt 125 tấn và Harris Spice nhập khẩu 109 tấn.