Giá tiêu hôm nay, ngày 9/5/2025, tiếp tục đi ngang tại tất cả các khu vực trọng điểm trong nước. Mức giá trung bình vẫn duy trì ở ngưỡng 153.800 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua.
Tại Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước, hồ tiêu được thu mua ở mức 153.000 đồng/kg, trong khi Đắk Lắk và Đắk Nông giữ mức giá cao hơn là 155.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, diễn biến giá tiêu tương đối ổn định, ngoại trừ Indonesia ghi nhận mức tăng nhẹ. Cụ thể, giá tiêu đen Lampung tăng 0,22% lên 7.338 USD/tấn, trong khi giá tại các nước sản xuất lớn khác như Brazil và Malaysia không thay đổi.
Tiêu đen Brazil ASTA 570 vẫn được giao dịch ở mức 6.800 USD/tấn, Malaysia ASTA giữ giá 9.200 USD/tấn, còn tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l và 550 g/l dao động từ 6.700 – 6.800 USD/tấn. Giá tiêu trắng cũng ổn định với duy nhất tiêu trắng Muntok (Indonesia) tăng 0,22% lên 9.939 USD/tấn, trong khi tiêu trắng Việt Nam giữ mức 9.700 USD/tấn và tiêu trắng Malaysia vẫn là loại có giá cao nhất với 11.900 USD/tấn.
Trong khi giá trong nước và thế giới ít biến động thì hoạt động nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam lại ghi nhận mức tăng rất mạnh trong tháng 4. Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam đã nhập khẩu 5.688 tấn hồ tiêu trong tháng qua, tăng 15,1% so với tháng trước, đạt kim ngạch 36,7 triệu USD – mức tăng lên tới 27,2%. Đây là mức nhập khẩu gần chạm mốc cao nhất từ trước tới nay, chỉ thấp hơn kỷ lục tháng 5/2021 là 5.747 tấn. Brazil tiếp tục là đối tác cung ứng chính, chiếm gần 67% tổng lượng nhập khẩu với hơn 3.790 tấn, tăng 23,9% so với tháng 3. Đáng chú ý, lượng hồ tiêu từ Campuchia cũng tăng vọt 127,8% so với tháng trước, đạt 1.171 tấn. Olam tiếp tục giữ vai trò là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất trong tháng với hơn 2.100 tấn, tăng hơn 46% và chiếm gần 38% thị phần.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 15.374 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen chiếm 11.750 tấn và tiêu trắng là 3.624 tấn, đạt tổng kim ngạch lên tới 88,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng nhập khẩu tăng 25,3% nhưng giá trị nhập khẩu lại tăng đến 104,8%, phản ánh rõ xu hướng giá thế giới tăng cao. Ba nguồn cung lớn nhất trong giai đoạn này gồm Brazil với 8.155 tấn (tăng 33,1%), Indonesia 4.288 tấn (tăng mạnh 207,8%) và Campuchia 1.906 tấn (giảm gần 50%). Olam tiếp tục dẫn đầu các doanh nghiệp nhập khẩu với 4.094 tấn, chiếm hơn 26% thị phần, tuy nhiên lại giảm 20,7% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp khác như Trân Châu và Phúc Thịnh lại ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt Phúc Thịnh có mức tăng gần 330%.
Vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam đã cơ bản kết thúc vào cuối tháng 4. Khác với mọi năm khi giá tiêu thường giảm vào cao điểm thu hoạch do nguồn cung dồi dào, thì năm nay thị trường giữ được mức giá ổn định quanh ngưỡng 150.000 đồng/kg. Điều này chủ yếu nhờ tâm lý găm hàng và sự hỗ trợ tài chính từ các cây trồng khác đang có giá tốt. Dù từng có thời điểm giá tiêu giảm nhẹ trong tháng 4 sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng, nhưng thị trường nhanh chóng phục hồi trở lại. Điều này đã góp phần tạo tâm lý tích cực cho người trồng tiêu, khuyến khích họ tiếp tục chăm sóc và đầu tư cho vụ sau.