Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam giữ vững vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho thị trường EU, với giá trị xuất khẩu lên đến hơn 1 tỷ EUR, tăng 42.4% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, thị phần cà phê Việt Nam tại EU đã tăng 4.8%, từ 15.2% lên 20%. 

Gia tăng thị phần cà phê Việt Nam trong thị trường EU

Việt Nam giữ vững vị thế là nguồn cung cà phê lớn thứ hai cho EU 

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, Liên minh châu Âu là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm gần 40% sản lượng xuất khẩu với khối lượng 353,468 tấn, tương đương với hơn 1.2 tỷ USD. Con số này tuy đã giảm 8.5% về lượng nhưng đã tăng tới 40.7% về giá trị. 

Bên cạnh đó, số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, Liên minh châu Âu đã bỏ ra 5.35 tỷ USD để nhập khẩu 1.3 triệu tấn cà phê các loại từ thế giới chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 4.8% về lượng và 8.7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. 

Việt Nam là một trong những thị trường cung cấp cà phê chính cho EU bên cạnh Brazil, Honduras, Uganda, Colombia và Ấn Độ. 

Trong đó, Việt Nam giữ vững vị thế thứ hai với khối lượng 340,598 tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ EUR, tăng 1.5% về khối lượng và 42.4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước đó nhờ giá xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt 40.3%, lên mức trung bình 3,136 EUR/tấn. 

So sánh quy mô các nguồn cung cà phê vào EU

Một trong những lý do giúp giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam vào EU gia tăng chính là do tình hình nguồn cung cà phê Robusta tụt giảm trên toàn cầu đã đẩy giá tăng liên tục trong giai đoạn đầu năm. 

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu. Điều này đặc biệt hỗ trợ cho các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê đã chế biến khác, khi mức thuế cho các mặt hàng này đã được đưa về mức 0%. 

Việt Nam hiện đã vượt qua các nước Ấn Độ, Thụy Sĩ, Brazil,... để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến lớn thứ hai cho thị trường EU, chỉ sau Anh. 

Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan và các chiết suất từ cà phê của Việt Nam vào Liên minh châu Âu đã tăng tới 86% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt giá trị 64.5 triệu EUR. Mức tăng trưởng này cao gấp đôi so với mức tăng 40% của nhóm sản phẩm cà phê nhân. 

Cơ cấu chủng loại cà phê Việt Nam xuất khẩu sang EU

Sản lượng của Việt Nam không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng cao 

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng cao do họ đang cố gắng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn bắt đầu tuân thủ Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). 

Quy định EUDR được đưa ra với mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy suất nguồn gốc nghiêm ngặt với các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có sản phẩm cà phê. 

Liên minh châu Âu là khu vực có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới với quy mô thị trường ước tính đạt 47.88 tỷ USD trong năm 2024 và có thể tăng đến 58.14 tỷ USD vào năm 2029 với tăng trưởng trung bình 3.96%. 

Bên cạnh đó, theo USDA, Liên minh châu Âu hiện cũng đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với khoảng 25% sản lượng cà phê được tiêu thụ trên toàn cầu. Ước tính trong niên vụ hiện tại, nhập khẩu cà phê của khu vực này có thể tăng 1 triệu bao lên mức 25.5 triệu bao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 2 triệu bao trong niên vụ 2024-25.  

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện không còn nhiều để có thể đáp ứng nhu cầu cao từ thị trường. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2024, Việt Nam chỉ xuất khẩu 70,000 tấn cà phê, giảm 35.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đã là tháng thứ sáu liên tiếp nước ta chứng kiến sự sụt giảm trong doanh số xuất khẩu cà phê. 

Bên cạnh đó, theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong những tháng còn lại của quý III sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung thấp và sẽ chỉ tăng trở lại khi mùa thu hoạch niên vụ 2024-25 bắt đầu vào tháng 10. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2023/24 đạt 1.47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây và giảm 20% so với niên vụ 2022/23. Ngoài ra, sản lượng cà phê của niên vụ 2024/25 được dự báo vẫn sẽ giảm do tình hình thời tiết không thuận lợi. 

Dựa theo những ước tính trên và không tính tồn kho của vụ cũ, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 200,000 tấn cà phê để xuất khẩu từ nay đến tháng 9.