Đậu tương CBOT đã giảm xuống dưới mức 10 USD/giạ vào thứ Hai và ngô giảm xuống dưới 4 USD, mức thấp nhất trong 4 năm với cả hai loại nông sản, trước thềm báo cáo cung cầu của Mỹ được dự kiến công bố vào 23 giờ đêm nay. Ngoài ra, lúa mì cũng trượt giá sau khi kết phiên tăng vào thứ Sáu, mặc dù sự sụt giảm được hạn chế bởi kỳ vọng sản lượng thấp hơn ở Nga và Pháp.
Theo ghi nhận lúc 8h5 sáng nay, hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã giảm 0.4% xuống còn 9.99 USD/giạ trong khi giá ngô giảm 0.3% xuống còn 3.93 USD/giạ, mức thấp nhất của cả hai hợp đồng kể từ cuối năm 2020.
Báo cáo ước tính cung cầu nông nghiệp thế giới (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được dự báo sẽ cho thấy sản lượng cao hơn, theo như cuộc khảo sát với các nhà phân tích, điều có thể làm gia tăng nguồn cung toàn cầu. Báo cáo chính thức dự kiến sẽ được công bố lúc 23h đêm nay theo giờ Việt Nam.
Trong khi đó, giá lúa mì cũng giảm khi hợp đồng được giao dịch nhiều nhất của loại nông sản này giảm 0.4% xuống mức 5.4 USD/giạ.
Công ty tư vấn nông nghiệp của Nga Sovecon vào thứ Sáu đã điều chỉnh dự báo của họ về sản lượng lúa mì năm 2024 của nước này xuống còn 82.9 triệu tấn từ mức 84.7 triệu tấn, với lý do năng suất thấp và diện tích gieo hạt nhỏ hơn.
Các sự kiện thời tiết cực đoan như sương giá sớm vào mùa xuân, lũ lụt và nắng nóng gay gắt vào mùa hè đã ảnh hưởng đến triển vọng thu hoạch năm nay ở một số vùng sản xuất chính của nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Ở một diễn biến khác, xếp hạng tình trạng lúa mì mềm của Pháp cho thấy 48% diện tích trồng ở tình trạng tốt hoặc xuất sắc tính đến ngày 5/8, giảm 2% so với con số 50% ở tuần trước đó và là mức thấp nhất kể từ mùa thu hoạch nghèo nàn năm 2016, theo văn phòng nông nghiệp FranceAgriMer cho biết vào thứ Sáu tuần trước.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Pháp vào thứ Sáu cũng đã hạ thấp dự bào về sản lượng lúa mì mềm của nước này trong năm 2024, hiện ước tính đạt 75% so với sản lượng năm ngoái.
Cuộc đình công của các công nhân Argentina trong ngành sản xuất hạt có dầu hiện đang bước vào ngày thứ 7 khi đàm phán lượng với các công ty vẫn bị đình trệ, ảnh hưởng đến các chuyến hàng từ quốc gia này đến các khu vực.
Cuộc đình công này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các cảng nằm ở khu vực phía Bắc của Rosario bên sông Parana, nơi 80% các sản phẩm nông nghiệp và công-nông nghiệp của Argentina được vận chuyển để xuất khẩu.
Theo dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu, các nhà đầu cơ lớn đã giảm bớt vị thế bán ròng của họ đối với hợp đồng tương lai ngô CBOT trong tuần kết thúc ngày 6/8.
Trong khi đó, báo cáo COT của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cũng cho thấy các nhà giao dịch phi thương mại (bao gồm các quỹ bảo hộ) đã giảm vị thế bán ròng với các hợp đồng lúa mì và giảm mua ròng với đậu tương.