Hợp đồng ngô CBOT mất điểm vào thứ Năm 27/6, với giá giảm phiên thứ hai liên tiếp, trong khi thị trường đậu tương hầu hết không thay đổi khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho dữ liệu diện tích trồng trọt ở Hoa Kỳ. Lúa mì đã tăng giá sau khi kết phiên trước gần như không thay đổi.
Hợp đồng ngô được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT giảm 0.1% xuống 4.36 USD/giạ theo ghi nhận lúc 7h55 sáng, và đậu tương vẫn duy trì ở mức 11.07 USD/giạ. Lúa mì tăng nhẹ 0.1% lên mức 5.61 USD/giạ.
Các nhà giao dịch đang chuẩn bị tình hình trước thềm Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố dữ liệu mới. Cơ quan này dự kiến sẽ phát hành báo cáo tồn kho hàng quý tiếp theo cho tháng 6 và báo cáo diện tích trồng trọt cho năm 2024 vào 23h đêm ngày thứ Sáu (giờ Việt Nam).
Thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng của lũ lụt và nắng nóng gay gắt ở những khu vực trồng ngô và đậu tương trọng điểm ở vùng miền Trung Hoa Kỳ.
Thị trường lúa mì đã phục hồi sau khi giảm liên tiếp 7 phiên từ tuần trước cho đến đầu tuần này khi thu hoạch ở Mỹ tăng nhanh cho thấy năng suất tốt và thời tiết ổn định trở lại ở Nga và Biển Đen.
Ấn Độ vào thứ Tư đã cho phép nhập khẩu một số lượng giới hạn ngô, dầu hướng dương thô, dầu hạt cải tinh chế và sữa bột theo hạn ngạch thuế quan (TRQ), tức là các nhà nhập khẩu không cần phải trả thuế hoặc thấp hơn, trong bối cảnh New Delhi cố gắng giảm tình trạng lạm phát lương thực.
Các quỹ hàng hóa trong ngày hôm qua, 26/6 đã bán ròng hợp đồng tương lai ngô, đậu tương và khô đậu tương CBOT và bán ròng hợp đồng lúa mì và dầu đậu tương, các nhà giao dịch cho biết.
Về các yếu tố vĩ mô, đồng đô la Mỹ vào thứ Tư đã đạt giá trị cao nhất so với đồng yên Nhật trong gần 38 năm, và các nhà đầu tư dự đoán rằng khả năng cao các nhà chức trách Nhật Bản sẽ can thiệp để củng cố tiền tệ của nước này, trong khi các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng điểm.