Giá lúa mì kỳ hạn tại Mỹ tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Ba (15/4), đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân chính đến từ các dự báo thời tiết cho thấy điều kiện canh tác đang dần cải thiện tại vùng vành đai sản xuất lúa mì của Mỹ, cũng như các khu vực trồng trọt tại Pháp và Đức. Đồng thời, đà suy yếu của giá lúa mì tại châu Âu và Nga cũng tạo thêm áp lực cho thị trường.
Trong khi đó, giá ngô và đậu tương giữ vững quanh mức cao nhất trong vòng 7 tuần, được hỗ trợ bởi sự suy yếu mạnh của đồng USD trong những phiên gần đây. Mặc dù chỉ số USD đã tăng 0,3% trong phiên sáng nay, đồng bạc xanh vẫn duy trì gần mức thấp nhất ba năm, sau khi các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rung chuyển thị trường toàn cầu.
Trên sàn Chicago Board of Trade (CBOT), hợp đồng lúa mì giao tháng 5 giảm 0,1% xuống còn 5,46-3/4 USD/bushel vào lúc 7h41 sáng theo giờ Việt Nam, sau khi chạm đỉnh 5,56-3/4 USD hôm thứ Sáu tuần trước – mức cao nhất kể từ ngày 24/3. Giá ngô giao tháng 5 tăng nhẹ 0,2% lên 4,86 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 0,1% còn 10,40-1/4 USD/bushel.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy khoảng 32% diện tích lúa mì mùa đông của Mỹ đang chịu ảnh hưởng hạn hán, tăng mạnh so với mức 15% cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo tiến độ mùa vụ công bố đầu tuần, USDA đánh giá 47% diện tích lúa mì mùa đông ở tình trạng tốt đến rất tốt, giảm nhẹ so với mức 48% của tuần trước và phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Tại châu Âu, giá lúa mì giao tháng 5 trên sàn Euronext đã chạm mức thấp nhất trong vòng một năm vào đầu tuần này. Trong khi đó, tại Nga – một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới – giá lúa mì xuất khẩu cũng tiếp tục suy yếu nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi cho mùa vụ mới.
Về xuất khẩu, số liệu mới công bố cho thấy khối lượng kiểm tra xuất khẩu ngô và lúa mì của Mỹ trong tuần qua đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn không mấy khả quan khi nước này tiếp tục đóng cửa với nông sản Mỹ. Dù vậy, giới thương mại vẫn hy vọng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ giúp mở rộng thị trường sang các nước châu Á khác.
Tại Nam Mỹ, các nhà phân tích cho rằng chính sách điều chỉnh tỷ giá của Argentina sẽ chưa tạo ra làn sóng bán hàng ngay lập tức. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Argentina về việc sẽ không gia hạn ưu đãi thuế xuất khẩu sau tháng 6 có thể là động lực thúc đẩy nông dân bán hàng trong ngắn hạn.